Đổi mới sáng tạo trong trường đại học: Coi việc tuyển sinh là một startup
Đổi mới sáng tạo có thể được áp dụng sâu vào môi trường đại học trên nhiều khía cạnh, đặc biệt hoạt động tuyển sinh cũng có thể được coi là một startup.
Đổi mới sáng tạo hiện đã trở thành một trong những nhiệm vụ và mục tiêu chính tại nhiều trường đại học trên cả nước. Tuy nhiên, để tư duy này ngấm vào văn hóa, đổi mới sáng tạo nên sớm được áp dụng trên nhiều khía cạnh hoạt động của các giáo viên và nhà trường.
Đổi mới trong cộng tác với lãnh đạo và sinh viên
Là giảng viên 10 năm trong lĩnh vực quản trị khách sạn, tháng 3/2023, chị Phạm Thị Dung bắt đầu tiếp quản vị trí Phó Giám đốc Trung tâm “Việc làm và Khởi nghiệp sinh viên” trường đại học Đại Nam ngay khi trung tâm vừa được thành lập.
Đây là hoạt động và nhiệm vụ không chỉ mới đối với Trường đại học Đại Nam mà còn mới đối với hầu hết các trường đại học trên cả nước. Với tính mới và trách nhiệm to lớn – khơi dậy động lực đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp của các giảng viên và sinh viên trong trường, chị Dung luôn đau đáu đi tìm lời giải cho bài toán xây dựng và phát triển cho trung tâm mình.
Qua tìm hiểu chị đã tham gia Chương trình đào tạo huấn luyện viên và cố vấn đổi mới sáng tạo SIC (S-Growth Innovation Coaching) mùa 3 do BK Holdings và GCI tổ chức và đã trang bị được cho mình một trong những công cụ mạnh trong hoạt động đổi mới sáng tạo: coaching (khai vấn).
Trong quá trình tham gia SIC và cả sau này, chị Dung đã vận dụng linh hoạt công cụ này để không những tìm ra hướng đi cho trung tâm đổi mới sáng tạo của trường mình, qua đó thuyết trình thành công, bảo vệ dự án trước hội đồng trường và bắt đầu triển khai những hoạt động đầu tiên.
Với chị, công cụ khai vấn đã giúp chị hiểu được tâm tư, nguyện vọng của những đối tượng liên quan, cùng với đó kết hợp với những kinh nghiệm, kiến thức của bản thân trong quá trình học hỏi về đổi mới sáng tạo, cộng hưởng với những người lãnh đạo, những sinh viên của mình để từ đó xây dựng một đề án khả thi.
Cho đến nay, sau 6 tháng xây dựng, Trung tâm đổi mới sáng tạo của Đại học Đại Nam đã tổ chức được cuộc thi SIL - Social Innovation Launch, thu hút hơn 200 sinh viên đến từ hơn 40 trường đại học trên địa bàn Hà Nội về tham dự.
Coi tuyển sinh là một startup
Trong năm học 2023-2024, Trường đại học Đại Nam nâng mức tuyển sinh từ hơn 3000 sinh viên lên 5000 sinh viên. Tương tự, chỉ trong 3 năm, trường đại học Phenikaa cũng nâng mức tuyển sinh 1.000 chỉ tiêu mỗi năm. Quá trình này cũng phản ánh sắc nét những đổi mới sáng tạo trong lòng các trường đại học, từ chính hoạt động tuyển sinh của mình.
Từ năm 2016 đến nay, kể từ khi nhiệm vụ 844 ra đời, trên cả nước đã triển khai rất nhiều chương trình giảng dạy về đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp ở các trường học và các địa phương. Tuy vậy, không phải cán bộ, công nhân viên, giảng viên nào cũng hiểu được tính ứng dụng của đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp và vận dụng vào công việc, sự nghiệp của họ.
Trong chương trình đào tạo về đổi mới sáng tạo tại trường đại học Hồng Đức, chị Phạm Dung cũng đã nêu lên một số ứng dụng của các kiến thức về đổi mới sáng tạo ngay tại cơ quan mình.
Lấy ví dụ về hoạt động tuyển sinh tại trường đại học Đại Nam, chị Dung cho biết: Là một trường tư, Đại Nam luôn có những hoạt động đổi mới sáng tạo để có thể nâng cao chất lượng giảng dạy, qua đó thúc đẩy số lượng sinh viên đăng ký học.
Cụ thể, trường vận dụng rất hiệu quả hoạt động truyền thông nội bộ trong công tác đào tạo. Mỗi thầy cô trong trường đều thấm nhuần tinh thần vì người học: “Việc gì có hại đến người học dù nhỏ nhất cũng kiên quyết không làm, việc gì tốt nhất cho người học thì hết lòng hết sức” (Trích lời ông Lê Đắc Sơn – Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Đại Nam). Thầy cô rất thân thiết, nắm bắt tâm tư tình cảm của sinh viên và hỗ trợ sinh viên rất nhiều trong học tập và tìm kiếm cơ hội, việc làm.
Mỗi học kì, sinh viên sẽ trải qua những đợt khảo sát để phản hồi một cách thẳng thắn về các giảng viên. Vì vậy, các thầy cô cần luôn cố gắng để có thể làm tốt không chỉ là vai trò của một người thầy mà còn là một người đi trước, đồng hành cùng sinh viên không chỉ trong học tập mà còn trong cuộc sống...
Từ đó, mỗi thầy cô và mỗi sinh viên đều là những người truyền thông về văn hóa nhà trường một cách tự nhiên. Đó là lí do chính khiến cho số sinh viên trong nhà trường liên tục tăng một cách hữu cơ trong những năm gần đây trong khi nhà trường không cần bỏ quá nhiều chi phí cho việc marketing hoạt động tuyển sinh.
Khảo sát từ phía nhà trường cho thấy trong những năm gần đây, tỉ lệ lớn các tân sinh viên đăng ký học tại trường đều là những bạn có bạn bè, người thân đã từng học tại trường. Không chỉ vậy, mỗi năm, trường đều tổng kết đánh giá kết quả các hoạt động, đưa ra những cách làm khác đi để cải thiện không chỉ về số lượng mà còn về chất lượng đào tạo sinh viên.
Cũng trong chương trình đào tạo về đổi mới sáng tạo tại Đại học Hồng Đức, thầy Lâm, giảng viên tại trường Cao đẳng nghề TP. HCM cơ sở Thanh Hóa, nêu quan điểm: “Các trường đại học dù sao vẫn có tỉ lệ tuyển sinh cao hơn rất nhiều so với các trường nghề. Vì vậy, trong những năm gần đây, trong trường có nhiều khoa gần như không có sinh viên đăng ký học, mặc dù trường đã liên kết với các doanh nghiệp nước ngoài và bảo đảm đầu ra cho sinh viên với mức lương cao”.
Đáp lại quan điểm này, thầy Lê Văn Cường, Trưởng khoa Nông Lâm nghiệp trường Đại học Hồng Đức, cho rằng thực trạng này chính là một trong những lí do khiến lãnh đạo và đội ngũ giảng viên trong trường cần phải tích cực đổi mới sáng tạo trong hoạt động tuyển sinh, coi đây là một startup để cùng đầu tư thời gian, công sức khai phá.
Cụ thể, kể về khoa của mình, thầy Cường cho biết: “Những năm trước, trong khoa của tôi, số lượng sinh viên đăng ký tham gia học rất thấp. Có những năm còn “trắng bảng”. Tuy nhiên, hai năm nay, từ khi tham gia vào hoạt động đổi mới sáng tạo, chúng tôi đã có những cải tiến trong hình thức giảng dạy và tuyển sinh, xây dựng những không gian đổi mới sáng tạo cho sinh viên, từ đó thu hút được số lượng sinh viên đăng ký học nhiều hơn so với trước đây".
Hiện tại, khoa Nông lâm nghiệp của trường đã có một cơ sở kinh doanh riêng ngay tại khuôn viên trường để các thầy cô và sinh viên trong khoa có thể trực tiếp thực hành, vận dụng nguồn lực và khởi sự kinh doanh.
Khi học tập, nghiên cứu về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, các trường đại học, các địa phương và doanh nghiệp có thể vận dụng một cách linh hoạt và trực tiếp vào những hoạt động cơ bản, thiết yếu của chính tổ chức mình, thay vì việc cho rằng đây là những kiến thức chỉ dành cho hoạt động khởi nghiệp.