Đổi mới, sáng tạo vì mục tiêu xây dựng Thủ đô giàu đẹp, văn minh, hiện đại

92 năm kể từ ngày ra đời 17-3-1930, Đảng bộ thành phố Hà Nội đã không ngừng phấn đấu vươn lên và ngày càng khẳng định vững chắc vị thế lãnh đạo. Với ý chí quyết tâm cao, luôn gương mẫu, đi đầu, Đảng bộ Thủ đô đang tập trung triển khai thực hiện những mục tiêu cao hơn, xa hơn, vì tương lai thịnh vượng và hạnh phúc của nhân dân.

Đảng bộ thành phố Hà Nội quyết tâm xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại. Ảnh: Anh Tuấn

Đảng bộ thành phố Hà Nội quyết tâm xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại. Ảnh: Anh Tuấn

1. Hà Nội vinh dự là nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên (Chi bộ 5D Hàm Long) và cũng là Đảng bộ được thành lập sớm nhất cả nước. Đúng ngày này 92 năm về trước, ngày 17-3-1930, tại nhà số 42 phố Hàng Thiếc, Ban Chấp hành lâm thời của Thành Đảng bộ Hà Nội được thành lập, gồm 3 đồng chí: Đỗ Ngọc Du, Nguyễn Ngọc Vũ và Lều Thọ Nam. Đồng chí Đỗ Ngọc Du làm Bí thư Thành ủy lâm thời.

Dù mới được thành lập, nhưng Đảng bộ Hà Nội đã sớm thể hiện sức chiến đấu kiên cường, bất khuất. Trước cuộc khủng bố trắng ác liệt của thực dân Pháp, cứ mỗi lần bị địch phá vỡ tổ chức, Thành ủy Hà Nội lại được lập lại. Càng trong khó khăn, cán bộ, đảng viên ngày càng trưởng thành, mà mốc son sáng ngời là tham gia lãnh đạo nhân dân vùng lên cùng cả nước thực hiện thắng lợi Cách mạng Tháng Tám năm 1945, mở ra kỷ nguyên độc lập cho dân tộc.

Ngày 2-9-1945, hàng chục vạn đồng bào Hà Nội thuộc mọi tầng lớp nô nức đổ về Quảng trường Ba Đình chứng kiến Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Hà Nội chính thức trở thành Thủ đô của một đất nước có chủ quyền.

Từ đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, quân và dân Hà Nội đã đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc, ghi những dấu ấn sâu đậm qua các giai đoạn. Tiêu biểu là tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, là khúc khải hoàn ca Ngày Giải phóng Thủ đô 10-10-1954; là phong trào “Ba sẵn sàng”, là “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”; là chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không”...

Hà Nội xứng đáng là Thủ đô anh hùng của đất nước anh hùng.

92 năm qua, qua 17 kỳ đại hội, bám sát và triển khai đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng, Đảng bộ thành phố Hà Nội đã không ngừng xây dựng và phát triển. Từ lúc chỉ có vài đảng viên cốt cán, đến nay, Hà Nội đã trở thành đảng bộ cấp tỉnh lớn nhất cả nước với số lượng đảng viên chiếm 10% tổng số đảng viên của Đảng, 50 đảng bộ trực thuộc, trên 2.700 tổ chức cơ sở Đảng, hơn 17.000 chi bộ.

2. Tiếp nối truyền thống vẻ vang trong đấu tranh cách mạng, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ thành phố, nhân dân Thủ đô đã chung sức, chung lòng vượt qua mọi khó khăn, thử thách, lập nên nhiều thành tích đáng tự hào trong 36 năm đổi mới, hơn 13 năm mở rộng địa giới hành chính.

Mặc dù chỉ chiếm 1% về diện tích, 8,1% về dân số, nhưng Hà Nội đóng góp trên 16% Tổng sản phẩm nội địa (GDP) và hơn 19% về thu ngân sách cả nước; xứng đáng giữ vị trí đầu tàu, là động lực phát triển của Vùng Thủ đô và Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Năm 2021 và 2 tháng đầu năm 2022, Đảng bộ Hà Nội tiếp tục cho thấy vai trò lãnh đạo sáng suốt, hiệu quả khi đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của nhân dân để vừa chủ động phòng, chống đại dịch Covid-19 hiệu quả, vừa duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Trước đây, khi chưa tiêm phủ vắc xin phòng Covid-19, hệ thống y tế chưa được củng cố, nhất là tuyến cơ sở, Hà Nội đã chủ động tổ chức cách ly, phong tỏa theo từng điểm, áp dụng các mô hình sáng tạo để duy trì sản xuất, kinh doanh, bảo đảm sinh kế cho nhân dân... Khi độ bao phủ vắc xin lớn, Hà Nội đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch từ thôn, tổ dân phố. Điểm nhấn trong bối cảnh dịch bệnh, nhiệm vụ đòi hỏi cấp thiết, cấp bách là luôn bình tĩnh, dự báo trước để hành động sớm; đặc biệt luôn coi “dân là gốc”, phát huy sức mạnh lòng dân để phòng, chống dịch. Đến nay, dù ca mắc mới tăng cao, nhưng Hà Nội vẫn vững vàng, ổn định.

Nhờ kiểm soát tốt dịch Covid-19 và vận dụng linh hoạt các biện pháp để phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, nên năm 2021, tăng trưởng Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Hà Nội vẫn đạt 2,92%. Thu ngân sách nhà nước đạt hơn 111% dự toán Trung ương giao. Lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân tăng khoảng 1,7%... Đặc biệt, các nhiệm vụ chính trị, sự kiện quan trọng diễn ra trong năm đều được Hà Nội thực hiện thành công. Đảng bộ Hà Nội đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố bảo đảm tiến độ, đổi mới và chất lượng.

3. Dấu ấn đậm nét thể hiện năng lực lãnh đạo của Đảng bộ Thủ đô trong thời kỳ mới là mặc dù phải căng mình phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế, nhưng vẫn chủ động nghiên cứu, ban hành các nghị quyết, chỉ thị có tính chất đường lối với tầm nhìn chiến lược tập trung vào một số lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm vừa nhằm giải quyết những vấn đề cấp thiết thực tiễn đặt ra, vừa tạo động lực cho Thủ đô phát triển dài hạn.

Cùng với 10 chương trình công tác toàn khóa, xác định công tác cán bộ là khâu đột phá, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 31-5-2021 về “Tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 và những năm tiếp theo”. Đồng thời, với quyết tâm xây dựng Hà Nội xứng đáng là trung tâm văn hóa của cả nước và đi đầu đưa công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Thành ủy ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22-2-2022 về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Vừa qua, thành phố đã và đang bắt tay vào triển khai những chủ trương, dự án lớn như: Dự án đường Vành đai 4, Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; lập Quy hoạch phát triển thành phố giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050; điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội; kiến nghị Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết mới về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô và lập hồ sơ đề nghị xây dựng dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)...

Tinh thần đổi mới về phương thức và phong cách lãnh đạo của Thành ủy Hà Nội còn thể hiện rõ trong cách lựa chọn vấn đề có trọng tâm, trọng điểm. Đơn cử, ngay trong năm 2022, ngoài các giải pháp chung với quyết tâm đạt mức tăng trưởng cao 7-7,5%, thành phố sẽ đẩy mạnh đầu tư tập trung vào 3 lĩnh vực là y tế, giáo dục và văn hóa... Những lựa chọn này không chỉ được lãnh đạo trung ương, các chuyên gia, nhà khoa học ủng hộ, mà còn được đông đảo nhân dân tin tưởng, kỳ vọng.

Mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra rất nặng nề, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, nhất là tình hình chính trị, kinh tế thế giới biến động khó lường, dịch Covid-19 vẫn còn phức tạp, nhưng Đảng bộ thành phố Hà Nội chắc chắn sẽ phát huy vai trò, quyết tâm đổi mới và tinh thần sáng tạo để tiếp tục lãnh đạo hệ thống chính trị và nhân dân giành được những thắng lợi mới, xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.

Hà Vũ

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/chinh-tri/1027141/doi-moi-sang-tao-vi-muc-tieu-xay-dung-thu-do-giau-dep-van-minh-hien-dai