Khủng hoảng nước thách thức kinh tế quốc gia đông dân nhất thế giới

Thủ đô New Delhi của Ấn Độ đang mắc kẹt giữa hai thái cực trong cuộc khủng hoảng nước.

Ít ngày sau khi người đứng đầu cơ quan quản lý về nước ở New Delhi - bà Atishi - phát động cuộc tuyệt thực để phản đối tình trạng thiếu nước trầm trọng do nắng nóng, một trận mưa lớn bất ngờ đã làm ngập lụt các đường phố New Delhi vào tuần trước, khiến mái nhà ga sân bay bị sập.

Thật trớ trêu khi bà Atishi - người đã phải nhập viện sau 5 ngày tuyệt thực - giờ đây lại phải bận rộn xử lý lượng nước mưa quá tải.

Khi biến đổi khí hậu gây ra tình trạng thời tiết thất thường và cực đoan hơn, các nhà phân tích nhận định hoàn cảnh khó khăn của Delhi chính là đại diện điển hình cho một thách thức quan trọng đối với nền kinh tế đang bùng nổ của Ấn Độ - quản lý nước.

Cuộc khủng hoảng "hai cực"

Vài tháng trước, trung tâm công nghệ Bengaluru của Ấn Độ đã rơi vào cuộc khủng hoảng thiếu nước chưa từng có. Các chuyên gia đổ lỗi cho việc xây dựng nhà cửa tràn lan và xây dựng các ngành công nghiệp đã làm cạn kiệt nguồn tài nguyên của thành phố.

Một báo cáo của cơ quan xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody's đã đưa ra phát biểu vào cuối tháng trước: "Ấn Độ đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nước ngày càng trầm trọng do lượng tiêu thụ bị đẩy cao trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng nhanh chóng và thiên tai ngày càng xảy ra thường xuyên do biến đổi khí hậu".

Cơ quan này cảnh báo mức độ nghiêm trọng và tần suất của các hiện tượng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu sẽ làm trầm trọng thêm tình hình, vì Ấn Độ phụ thuộc rất nhiều vào gió mùa, kéo dài từ tháng 6 đến tháng 9, mang lại 70% lượng mưa của cả nước.

Nước biển ấm lên, dẫn đến thu hẹp khoảng cách với nhiệt độ trên đất liền, đang làm suy yếu sự lưu thông của gió mùa. Nhiều thành phố và thị trấn khác có thể đi theo cuộc khủng hoảng như Bengaluru và Delhi, trừ khi chính quyền ưu tiên bảo tồn nước hơn là phát triển.

 Người dân lấy nước từ xe bồn trong thời tiết nắng nóng ở New Delhi, ngày 30/5/2024. Ảnh: Bloomberg.

Người dân lấy nước từ xe bồn trong thời tiết nắng nóng ở New Delhi, ngày 30/5/2024. Ảnh: Bloomberg.

Anjal Prakash, phó giáo sư lâm sàng kiêm giám đốc nghiên cứu Viện Chính sách công Bharti thuộc Trường Kinh doanh Ấn Độ, cho biết: "Cuộc khủng hoảng nước ở Delhi và Bengaluru cho thấy một vấn đề quốc gia đang nổi lên. Đô thị hóa nhanh chóng, cơ sở hạ tầng không đầy đủ và biến đổi khí hậu tác động đến khả năng cung cấp nước".

"Nếu không có sự can thiệp kịp thời, nhiều thành phố có thể phải đối mặt với những thách thức tương tự trong tương lai. Quản lý nước bền vững, các nỗ lực bảo tồn và nâng cấp cơ sở hạ tầng là rất quan trọng để giảm thiểu các cuộc khủng hoảng tiềm ẩn", Prakash - người đã đóng góp vào các báo cáo đánh giá của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc - nói.

Ông cho biết Ấn Độ sẽ cần một cách tiếp cận toàn diện bao gồm đầu tư vào việc lưu trữ và phân phối nước, bảo tồn, tưới tiêu hiệu quả, quản lý nước thải, các quy định để ngăn ngừa ô nhiễm và nâng cao nhận thức của công chúng. Điều này sẽ đòi hỏi sự hợp tác giữa chính phủ, các ngành công nghiệp và công chúng trong bối cảnh các đợt nắng nóng chưa từng có đang làm cạn kiệt nguồn nước.

Một số vùng của Ấn Độ đã bị mắc kẹt trong đợt nắng nóng gay gắt với nhiệt độ tăng vọt lên trên 40 độ C trong nhiều tuần, đẩy cao nhu cầu về nước và điện để hỗ trợ 1,4 tỷ dân. Lượng mưa gió mùa thiếu hụt vào tháng 6 đã làm trầm trọng thêm tình trạng căng thẳng về nguồn cung nước, khi nông dân trồng các loại cây lúa cần nhiều nước trong mùa hè.

Thách thức phải quản lý nước

Các nhà phân tích cho rằng ví dụ của Delhi là một điển hình về quản lý nước yếu kém, vì việc lưu trữ nước mưa và thoát nước tốt hơn có thể giúp giảm bớt vấn đề. Tình hình trầm trọng hơn do sự xuất hiện của các căn hộ dân cư cản trở việc bổ sung nước ngầm.

Cuộc khủng hoảng ở Bengaluru bắt nguồn từ nước hồ cạn kiệt và lượng mưa ít ảnh hưởng đến dòng chảy của Sông Cauvery gần đó. Dân số thành phố đã tăng gấp 3 lần kể từ những năm 1990.

Các doanh nghiệp ở cả hai thành phố đều gặp khó khăn khi cuộc khủng hoảng nước làm gián đoạn chuỗi cung ứng.

 Công nhân, nông dân và những người lao động ngoài trời chịu ảnh hưởng nhiều nhất giữa thời tiết khắc nghiệt. Ảnh: Bloomberg.

Công nhân, nông dân và những người lao động ngoài trời chịu ảnh hưởng nhiều nhất giữa thời tiết khắc nghiệt. Ảnh: Bloomberg.

Cục Khí tượng Ấn Độ cho biết lượng mưa theo mùa thấp hơn 11% so với mức bình thường trên cả nước cho đến cuối tháng 6, nhưng dự kiến tăng trong tháng này. Tính đến 3/7, lượng mưa gió mùa ở Ấn Độ thấp hơn 4% so với mức bình thường, cục này cho biết.

Chi phí của các ngành công nghiệp phụ thuộc nhiều vào nước như dệt may và làm giấy đã tăng vọt vào mùa hè này ở Bengaluru, trong khi các đơn vị nhỏ hơn buộc phải dựa vào nguồn cung cấp từ xe bồn nước được triển khai trong thành phố.

"Chúng ta đã phá hủy đa dạng sinh học và các nguồn nước, không tôn trọng chuẩn mực về 25-30% diện tích phủ xanh ở các thành phố", Harjeet Singh, Giám đốc Hợp tác Toàn cầu của Sáng kiến Hiệp ước Không phổ biến Nhiên liệu Hóa thạch có trụ sở tại Delhi, cho biết. "Chúng ta không có mô hình phát triển đúng đắn và bây giờ với biến đổi khí hậu, mọi thứ sẽ trở nên tồi tệ hơn".

Ông Singh cho biết vấn đề bảo tồn nước cần phải được nhiều đảng phái chính trị cùng chung tay giải quyết vì đây đang trở thành vấn đề chung.

Các nhà môi trường cho biết tình trạng căng thẳng về nước đã cho thấy rõ rằng tăng trưởng trong tương lai cần phải tính đến các biện pháp sinh thái.

Anil P Joshi, một nhà môi trường đến từ tiểu bang miền núi Uttarakhand của Ấn Độ, cho biết: "Tại sao nhà nước không xem xét các biện pháp tăng trưởng sinh thái như chất lượng thu thập nước mưa, độ phì nhiêu của đất hoặc độ che phủ của rừng?".

Ông cho biết tiểu bang miền bắc Ấn Độ có kế hoạch công bố biện pháp tăng trưởng sinh thái vào cuối năm nay.

Theo báo cáo của Moody's, việc giảm nguồn cung cấp nước có thể làm gián đoạn sản xuất nông nghiệp và hoạt động công nghiệp, dẫn đến lạm phát lương thực và giảm thu nhập, gây ra bất ổn xã hội. Khoảng một nửa lực lượng lao động của Ấn Độ phụ thuộc vào nông nghiệp.

"Điều này có thể làm trầm trọng thêm sự bất ổn trong tăng trưởng của Ấn Độ và làm suy yếu khả năng chống chịu các cú sốc của nền kinh tế", cơ quan này cho biết.

 Lưu trữ và phân phối nước hiệu quả trở thành vấn đề cấp bách của Ấn Độ. Ảnh: Bloomberg.

Lưu trữ và phân phối nước hiệu quả trở thành vấn đề cấp bách của Ấn Độ. Ảnh: Bloomberg.

Tình trạng khô hạn bất thường vào tháng 8 năm ngoái đã gây ra thiếu nước nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sản xuất đường ở các tiểu bang Maharashtra và Karnataka, đẩy giá đường bán lẻ lên mức cao nhất trong 6 năm.

Delhi dự kiến theo dõi chặt chẽ gió mùa trong năm nay trước khi quyết định có nới lỏng lệnh hạn chế xuất khẩu gạo hay không.

Theo Moody's, các ngành công nghiệp nặng sử dụng nhiều nước của Ấn Độ như nhà máy điện than và nhà máy thép có thể phải đối mặt với tình trạng gián đoạn hoạt động trong thời kỳ hạn hán.

Nhiều chuyên gia về khí hậu kêu gọi những quốc gia giàu có hỗ trợ các nước đang phát triển như Ấn Độ, quốc gia đang đầu tư vào cơ sở hạ tầng nước và phát triển năng lượng tái tạo để ứng phó với cuộc khủng hoảng bắt nguồn từ nhiều năm công nghiệp hóa không kiểm soát.

Đinh Phạm

Theo SCMP

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/khung-hoang-nuoc-thach-thuc-kinh-te-quoc-gia-dong-dan-nhat-the-gioi-post1484538.html