Đổi mới tổ chức bộ máy, tránh 'hành chính hóa' hoạt động của Mặt trận
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam luôn quan tâm đến đổi mới tổ chức bộ máy, nội dung và phương thức hoạt động cho phù hợp tình hình nhiệm vụ cách mạng mới, khắc phục triệt để căn bệnh 'xa dân', dân chủ hình thức, hành chính hóa hoạt động, công chức hóa cán bộ...
Đó là ý kiến của các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học tại Hội thảo khoa học “Một số vấn đề về đổi mới tổ chức bộ máy của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong giai đoạn hiện nay”, do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (UBTƯ MTTQ) Việt Nam chủ trì phối hợp Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản, Ban Dân vận T.Ư, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức hôm nay, 12/6, tại Hà Nội.
Chủ trì Hội thảo có PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hà - Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam; TS Phạm Tất Thắng - Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Trưởng ban thường trực Ban Dân vận T.Ư; TS Nguyễn Hữu Dũng - Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; PGS.TS Phạm Minh Tuấn - Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; PGS.TS Dương Trung Ý - Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
Khắc phục triệt để bệnh “xa dân”, “công chức hóa” cán bộ
Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà nhấn mạnh, việc đổi mới tổ chức bộ máy và hoạt động hiệu quả của MTTQ Việt Nam có vai trò quan trọng trong đổi mới phương thức, chất lượng hoạt động của MTTQ Việt Nam, góp phần quan trọng trong tổ chức và hoạt động của hệ thống Mặt trận các cấp, đáp ứng bối cảnh mới, để đưa chủ trương nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước và chương trình hành động, đề án của UBTƯ MTTQ Việt Nam triển khai tới MTTQ các cấp, tổ chức thành viên của Mặt trận, toàn thể Nhân dân.
“Xuất phát từ vị thế, vai trò của Mặt trận giai đoạn hiện nay, công tác Mặt trận thể hiện có nhiều vấn đề đáng quan tâm: Mở rộng tổ chức thành viên; dân số sinh sống ở nhiều chung cư lớn hơn 1 xã, hoạt động của Ban công tác Mặt trận (CTMT) ở khu chung cư sẽ giải quyết ra sao; hoạt động của Hội đồng tư vấn hiện theo Quyết định 120 là nằm trong cơ quan UBTƯ MTTQ Việt Nam, vậy vấn đề đặt ra với hoạt động của Hội đồng sẽ thế nào; đội ngũ cán bộ chuyên trách của Mặt trận hiện đã đáp ứng được yêu cầu? Trong khi tại một số tỉnh, TP trực thuộc T.Ư, cơ cấu, thành phần tham gia Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp chưa rõ ràng; chế độ chính sách cho cán bộ Mặt trận vẫn khó khăn; cơ chế phối hợp, thống nhất hành động ở cơ sở còn một số rào cản…”- bà Nguyễn Thị Thu Hà nêu.
Từ những vấn đề đó, PGS.TS Phạm Minh Tuấn- Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản khẳng định, đổi mới tổ chức bộ máy của MTTQ Việt Nam không chỉ là yêu cầu và trách nhiệm của bản thân Mặt trận mà còn là yêu cầu khách quan của xã hội, trách nhiệm của hệ thống chính trị, đòi hỏi tất yếu của thể chế chính chính trị dân chủ, điều kiện để phát huy dân chủ, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, đẩy mạnh xây dựng và chỉnh đốn Đảng.
Bởi vậy, MTTQ Việt Nam luôn quan tâm đến đổi mới tổ chức bộ máy, nội dung và phương thức hoạt động cho phù hợp tình hình nhiệm vụ cách mạng mới của đất nước, giải quyết đúng đắn mối quan hệ Đảng lãnh đạo- Nhà nước quản lý- Nhân dân làm chủ, khắc phục triệt để căn bệnh “xa dân”, dân chủ hình thức, hành chính hóa hoạt động, công chức hóa cán bộ; tăng cường hiệu quả giám sát, phản biện xã hội và kiểm soát quyền lực.
Đổi mới từ tư duy về con người, nguồn lực đối với Mặt trận
Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận một số nội dung như: Tổ chức bộ máy của MTTQ Việt Nam hiện có những điểm gì hợp lý và chưa hợp lý; tính cấp thiết của đổi mới tổ chức bộ máy MTTQ, gồm những nội dung cốt lõi gì và phụ thuộc những yếu tố, điều kiện nào; số lượng Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam khóa X dự kiến tăng lên 10% thì cơ cấu sẽ gồm những đại biểu thuộc lĩnh vực nào...
Nguyên Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Lê Truyền cho rằng, cần quan tâm xây dựng cơ cấu, tiêu chuẩn, chọn cử cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, các chuyên gia, nhà khoa học và hoạt động thực tiễn tham gia Ủy ban. “Cần ưu tiên tăng cho nhóm nhân sĩ trí thức tiêu biểu, chuyên gia, nhà khoa học, người có nhiều kinh nghiệm hoạt động thực tiễn liên quan nhiều đến tổ chức, công tác Mặt trận; đồng thời mời một số cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước đã hoặc sắp nghỉ hưu có tâm huyết, am hiểu chính sách, công tác Mặt trận"- ông Lê Truyền đề xuất.
Ở góc độ khác, theo GS.TS Trần Ngọc Đường- Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Dân chủ và Pháp luật (UBTƯ MTTQ Việt Nam), tổ chức và hoạt động của Hội đồng tư vấn, ban tư vấn vẫn còn những hạn chế, cơ sở chính trị-pháp lý về tổ chức và hoạt động của Hội đồng, ban tư vấn chưa đầy đủ. Vì thế, cần sửa đổi Điều lệ MTTQ Việt Nam, nghiên cứu sửa Điều 12 để xác định đầy đủ vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ của các tổ chức tư vấn với những cơ quan của MTTQ Việt Nam mỗi cấp, xây dựng quy chế phối hợp hoạt động giữa các Hội đồng tư vấn.
Đồng quan điểm này, Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan- Phó Chủ tịch không chuyên trách UBTƯ MTTQ Việt Nam nhận định, hiện MTTQ Việt Nam đóng vai trò quan trọng và được Đảng, Nhà nước đánh giá cao, đòi hỏi MTTQ đổi mới bắt nguồn từ chính bộ máy Cơ quan UBTƯ MTTQ Việt Nam theo đúng tinh thần Quyết định 120-QĐ/TW và vị trí việc làm hiện nay - là cơ sở để đổi mới hoạt động trong nhiệm kỳ mới. Đặc biệt, việc bổ sung các cụ, các vị tham gia Đoàn Chủ tịch và Ủy viên Ủy ban cần bảo đảm cơ cấu, thành phần để mỗi người khi được hiệp thương cử đều cảm thấy công bằng, có đóng góp tích cực cho hoạt động Mặt trận.
“Hoạt động Hội đồng Tư vấn hiện không được quan tâm về chế độ, chính sách, tài liệu tham vấn. Cơ chế, chính sách này cũng không được bảo đảm, không được quan tâm xứng tầm cho người đứng đầu và những người hoạt động trong hệ thống Mặt trận”- bà Nguyễn Thị Doan nêu vấn đề. Đồng thời cho rằng phải đổi mới tư duy về con người, nguồn lực đối với Mặt trận trong giai đoạn hiện nay, chính là động lực để hệ thống MTTQ Việt Nam hoạt động hiệu quả, phát huy vai trò.
Đáng chú ý, chia sẻ về mô hình tập hợp Nhân dân ở các khu chung cư, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Sỹ Trường cho hay, TP đã thành lập Ban CTMT ở mỗi tổ dân phố có nhà chung cư, theo đó các thành viên Ban CTMT tham gia Ban quản trị nhà để tạo thuận lợi cho hoạt động chung tòa nhà. Ban CTMT đi sâu sát từng người dân, thực sự là hạt nhân đoàn kết khơi dậy phát huy tiềm năng của cộng đồng. Tuy nhiên, hiện Ban CTMT ở khu dân cư có khối lượng công việc lớn, còn nhiều vướng mắc trong công tác phối hợp với Ban quản trị nhà chung cư.
“Nhằm khắc phục tồn tại này, các địa phương cần tiếp tục lãnh đạo nhân rộng mô hình “Giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau giữa các khu dân cư” gắn với mô hình “Mỗi hộ gia đình giúp đỡ mỗi hộ gia đình”; chỉ đạo cấp ủy, chi bộ, tổ dân phố, ban quản trị nhà chung cư xây dựng và phối hợp thực hiện tốt quy chế hoạt động để đáp ứng nhu cầu người dân, giúp khu dân cư phát triển bền vững, hướng tới “Khu dân cư kiểu mẫu mới, đậm nét đô thị văn minh”- ông Nguyễn Sỹ Trường nói.
Kết luận Hội thảo, Phó Trưởng ban thường trực Ban Dân vận T.Ư Phạm Tất Thắng khẳng định, các giải pháp nêu ra tại đây sẽ được Ban tổ chức tiếp thu tối đa, vận dụng triển khai phù hợp thực tiễn. Đồng thời, báo cáo các cơ quan T.Ư để tiếp tục tham mưu về công tác dân vận của Đảng và đưa nội dung này vào việc xây dựng Đề án nhân sự của UBTƯ MTTQ Việt Nam khóa X cũng như nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, phục vụ nghiên cứu, giảng dạy về củng cố, xây dựng MTTQ Việt Nam và hệ thống chính trị vững mạnh, nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng.