Đổi mới triệt để công tác tuyển sinh đại học

Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học luôn được cả xã hội quan tâm, vì liên quan trực tiếp đến tương lai của hàng triệu thí sinh, phụ huynh. Trong hơn 10 năm qua, Bộ GD-ĐT đã có nhiều nỗ lực đổi mới công tác tổ chức thi, xét tuyển và cũng tạo được những chuyển biến tích cực, nhưng khách quan nhìn nhận vẫn còn nhiều vấn đề chưa đáp ứng được sự kỳ vọng của xã hội.

Trong giai đoạn 2015 - 2016, Bộ GD-ĐT đã hợp nhất kỳ thi THPT và kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ thành 1 kỳ thi THPT quốc gia, giao cho các trường ĐH, CĐ tổ chức và các trường dựa vào kết quả kỳ thi này để xét tuyển. Đến giai đoạn 2017 - 2019, cách thức thi không thay đổi, nhưng Bộ GD-ĐT giao cho các sở GD-ĐT địa phương tổ chức.

Và từ năm 2020 đến nay, kỳ thi THPT quốc gia được đổi thành kỳ thi THPT với mục đích xét công nhận tốt nghiệp THPT, đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông và xét tuyển đại học. Sau những lần điều chỉnh, thay đổi khâu kỹ thuật xét tuyển đại học đã xảy ra những chuyện bi hài như: thí sinh đạt 30 điểm/3 môn thi vẫn không đậu đại học; quy định công bố số liệu hồ sơ đăng ký xét tuyển đại học đã dẫn đến cảnh sáng nộp chiều rút hồ sơ khiến thí sinh, phụ huynh canh số liệu đăng ký như chơi xổ số; gian lận trong chấm thi khiến hàng trăm thí sinh đậu đại học phải bị loại bỏ; ngành sư phạm thiếu giáo viên nhưng chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm cứ giảm sâu...

Năm 2025 là thời điểm lứa học sinh đầu tiên theo Chương trình giáo dục phổ thông mới tốt nghiệp THPT. Theo thông tin mà Bộ GD-ĐT công bố, kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm sau có 2 hai môn bắt buộc là Toán và Ngữ văn. Ngoài ra, thí sinh được chọn hai trong các môn của chương trình giáo dục phổ thông, gồm: Hóa học, Vật lý, Sinh học, Địa lý, Lịch sử, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ và Ngoại ngữ (Anh, Đức, Nga, Nhật, Pháp, Trung, Hàn). Về phương thức xét công nhận tốt nghiệp THPT, bộ cho biết sẽ kết hợp giữa kết quả đánh giá quá trình và kết quả thi tốt nghiệp theo tỷ lệ phù hợp. Ngoài ra, kỳ thi giữ ổn định hình thức thi trên giấy đến năm 2030, sau năm 2030 sẽ thí điểm thi trên máy tính với các môn trắc nghiệm.

Khi kịch bản thi tốt nghiệp THPT thay đổi, sẽ kéo theo công tác xét tuyển đại học thay đổi theo. Song, vấn đề tự chủ trong tuyển sinh (xét tuyển, thi tuyển, kết hợp thi tuyển và xét tuyển) theo Luật Giáo dục Đại học năm 2018 đến nay chưa được Bộ GD-ĐT quyết định. Những năm qua, phương thức xét tuyển từ kết quả các kỳ thi riêng (thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy), xét tuyển kết hợp nhiều tiêu chí đã được nhiều trường đại học áp dụng; nhưng hiện nhiều trường vẫn chần chừ công bố hay xây dựng đề án tuyển sinh năm 2025 do sợ “cầm đèn chạy trước ô tô” nếu chẳng may Bộ GD-ĐT có chỉ đạo khác. Tình trạng này không phải chưa từng xảy ra, như trường hợp năm 2013, Bộ GD-ĐT hối thúc các trường xây dựng phương án tuyển sinh thay cho tuyển sinh “3 chung - chung đợt, chung đề, chung kết quả” nhưng ngay sau đó tất cả phải xếp xó để xét tuyển theo kỳ thi THPT quốc gia từ năm 2015.

Trong việc đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học dường như có độ lệch nhất định giữa mục tiêu đặt ra và cách thực hiện, nên mỗi lần đổi mới là gặp những sự cố đáng tiếc. Do vậy, nhiều ý kiến đề nghị Bộ GD-ĐT giao công tác tuyển sinh đại học cho các cơ sở đào tạo tự quyết định; Bộ chỉ lo công tác quản lý, kiểm soát chất lượng đào tạo, hậu kiểm công tác mở ngành và xây dựng, đề xuất các chính sách cho những ngành nghề đặc thù, những ngành nghề trọng điểm quốc gia...không phải là không có căn cứ. Tất cả đều đặt kỳ vọng vào nỗ lực đổi mới triệt để của Bộ GD-ĐT.

THANH HÙNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/doi-moi-triet-de-cong-tac-tuyen-sinh-dai-hoc-post751812.html