Đổi mới truyền thông chính sách
Trong các lĩnh vực truyền thông, như truyền thông pháp luật, truyền thông dịch vụ công, truyền thông hình ảnh quốc gia… thì truyền thông chính sách chiếm vị trí cực kỳ quan trọng và có quan hệ mật thiết với chính sách chăm lo cho đội ngũ báo chí. Nếu làm tốt từ hai phía sẽ tạo hiệu ứng vượt trội.
Đưa thông tin chính sách với tinh thần “lấy dân làm gốc”
Cuộc sống có bao nhiêu lĩnh vực thì báo chí cũng phải bám sát để phản ánh, nhưng một lĩnh vực mà bất cứ thời đại nào báo chí cũng không thể bỏ qua - đó là chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật… Nó được gọi dưới cái tên “truyền thông chính sách”.
Lịch sử báo chí cho thấy, khi cánh cửa của nền dân chủ mở ra, truyền thông chính sách thực hiện chức năng thông báo và nhằm bảo đảm cho công dân biết quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của mình đối với Nhà nước, xã hội.
Đất nước chúng ta có vị lãnh tụ kính yêu và là người sáng lập, người thầy vĩ đại của báo chí cách mạng Việt Nam - Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong Thư gửi anh em trí thức Nam Bộ, năm 1947, Bác viết: “Ngòi bút của các bạn cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính trừ tà”. Rồi Thư gửi lớp học viết báo Huỳnh Thúc Kháng, năm 1949, Bác dạy: “Nhiệm vụ của tờ báo là tuyên truyền, cổ động, huấn luyện, giáo dục và tổ chức dân chúng để đưa dân chúng đến mục đích chung. Mục đích chung là kháng chiến và kiến quốc”.
Lời Bác dạy mãi là “kim chỉ nam” cho các thế hệ nhà báo và báo chí nước ta không ngừng trưởng thành, lớn mạnh. Truyền thông chính sách đã và đang nỗ lực làm tròn sứ mệnh to lớn - đưa thông tin chính sách đến người dân với tinh thần “lấy dân làm gốc”. Truyền thông chính sách đã và đang làm tốt vai trò cầu nối - là kênh để Đảng, Chính phủ lấy ý kiến nhân dân khi xây dựng chính sách mới, điều chỉnh chính sách hiện tại, giúp cho người dân phản hồi, nói lên tiếng nói của mình, bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của mình, nhằm tạo ra sự đồng thuận xã hội. Đó cũng là phương thức để bảo đảm quyền của công dân, tiếp tục phát huy dân chủ, tạo nhiều cơ hội cho quyền được biết, quyền được bàn và quyền giám sát của nhân dân trong điều hành quốc gia và của từng địa phương, từng ngành, từng tổ chức xã hội.
Để làm tốt được công tác truyền thông chính sách không chỉ có sự quyết tâm mà phải có phương pháp, cách làm khoa học, phù hợp với tình hình, điều kiện, bối cảnh, lại phải có tính nghệ thuật. Mọi chủ trương, chính sách, đường lối của Đảng, Nhà nước, các tổ chức xã hội… đi vào lòng người một cách tự nhiên, không gò ép đòi hỏi phải có những hình thức thể hiện sinh động. Mỗi một phương tiện truyền thông phải tìm được lối đi riêng của mình, báo in có cách của báo in, truyền hình có cách của truyền hình… Ngày nay với sự phát triển không ngừng của công nghệ, các chủ thể báo chí hình như đều mong muốn trở thành cơ quan truyền thông đa phương tiện, tích hợp được cả báo viết, báo nói, báo hình. Vì thế truyền thông chính sách cũng trở nên sinh động hơn, hấp dẫn hơn.
Bên cạnh những mặt tích cực, truyền thông chính sách cũng có một số hạn chế: Do sự cạnh tranh giữa các cơ quan truyền thông nhằm thu hút lượng người xem, nên một số chương trình thảo luận chính sách, pháp luật... được phát sóng vội vàng, thiếu sự kiểm soát dẫn đến phản ánh sai lệch chính sách, gây bức xúc dư luận. Hoặc có những thông tin thiếu nhạy cảm về chính trị, chưa phù hợp với lợi ích của đất nước, của nhân dân.
Đổi mới tư duy về truyền thông chính sách bước đầu đã có sự chuyển biến để lại nhiều ấn tượng cho người dân. Nếu trước kia chúng ta chỉ chú trọng truyền thông sau khi chính sách được ban hành thì nay một số phương tiện truyền thông chính thống của quốc gia đã truyền thông cả trước, trong và sau. Nhưng làm sao truyền tải thông tin về chính sách một cách đơn giản, dễ hiểu, dễ nghe, dễ thực hiện, dễ giám sát, kiểm tra, dễ đi vào lòng dân để từ đó người dân tự giác thực hiện luôn là đòi hỏi với những người cầm bút. Làm tốt được truyền thông chính sách cũng là góp phần đắc lực vào việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch.
Báo chí thiếu thông tin và ngân sách truyền thông
Báo chí là phương tiện truyền thông, còn công tác truyền thông là việc của chính quyền các cấp. Công tác truyền thông bao gồm: Việc cung cấp thông tin gì, như thế nào cho báo chí; Lập kế hoạch truyền thông; Bố trí ngân sách cho truyền thông. Nhưng muốn truyền thông mà các bộ, ngành, địa phương ngại cung cấp thông tin thì lấy chất liệu đâu mà truyền thông. Vì thế đã xảy ra cái gọi là “khủng hoảng truyền thông”. Đã không ít trường hợp báo chí khi làm tuyên truyền thì thiếu thông tin từ chính quyền, bộ, ngành và cũng thiếu cả việc đặt hàng từ các cấp đó.
Nói như Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, trong cuộc gặp gỡ với Thủ tướng năm ngoái, “báo chí thiếu cả thông tin và ngân sách để làm tuyên truyền”. Nhiều cơ quan chủ quản gần như buông lỏng, chưa giao nhiệm vụ tương xứng và chưa quan tâm đến việc phải đảm bảo đủ điều kiện, nguồn lực cho cơ quan báo chí thực hiện nhiệm vụ và chủ động truyền thông chính sách từ cơ quan nhà nước.
Công tác truyền thông là một chức năng của chính quyền các cấp. Trong thời đại truyền thông xã hội phát triển, khi mà ai cũng có thể là một tờ báo, là một kênh truyền hình, thì công tác truyền thông là một công việc, một chức năng rất quan trọng của chính quyền. Chính quyền các cấp phải có bộ phận chuyên trách làm công tác truyền thông với tay nghề vững vàng.
Nhưng tiếc thay, điều này chưa thấm nhuần ở một vài cấp chính quyền. Việc chủ động tiếp xúc, cung cấp thông tin cho báo chí vẫn được coi là “việc khó”, tâm lý cán bộ ngại tiếp xúc với báo chí khá phổ biến ở nhiều bộ ngành, địa phương, dẫn đến việc báo chí gặp khó khăn khi tiếp cận nguồn thông tin chính thống để giải thích cho người dân hiểu chính sách của Đảng, Nhà nước, đoàn thể... Đặc biệt những thông tin có dính tới tiêu cực trong khi thực hiện một chính sách nào đó thì nhiều cấp tìm mọi cách né tránh.
Công tác truyền thông là một chức năng của chính quyền các cấp, vậy nên truyền thông phải là một mục trong chi phí. Chính quyền các cấp phải có ngân sách dành riêng cho truyền thông, cả chi thường xuyên và chi đầu tư.
Nhìn lại những năm qua thấy, chi thường xuyên cho báo chí thông qua giao nhiệm vụ và đặt hàng chỉ dưới 0,5% tổng chi ngân sách thường xuyên của Nhà nước. Chi cho đầu tư báo chí cũng thấp, chỉ chiếm khoảng 0,25% tổng chi đầu tư của ngân sách nhà nước. Vì thế trong cuộc gặp gỡ của Thủ tướng Phạm Minh Chính với Hội Nhà báo ngày 13/6 vừa qua, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng mong muốn “Thủ tướng chỉ đạo chính quyền các cấp tăng thêm 30% ngân sách đặt hàng báo chí, tăng từ dưới 0,5% lên ít nhất 0,65% chi ngân sách thường xuyên”.
Trong những năm qua, do nhiều nguyên nhân, doanh thu quảng cáo báo chí sụt giảm, hầu như quảng cáo trực tuyến đã vào tay các nền tảng xuyên biên giới... Nền kinh tế của chúng ta là kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Vì thế có thể xem công tác truyền thông chính sách là một dịch vụ sự nghiệp công mà Nhà nước cần cung cấp cho xã hội và Nhà nước thực hiện việc này một phần thông qua việc đặt hàng, giao nhiệm vụ cho báo chí, cho lực lượng thông tin cơ sở. Nếu được như vậy thì báo chí mới có thêm năng lực tài chính.
Đầu tư công nghệ cho báo chí
Có thể nói mạng xã hội và các nền tảng số đang lấn sân báo chí chính là do công nghệ. Tụt hậu về công nghệ là không thể giữ được người đọc, là làm yếu thế của báo chí cách mạng. Bởi vậy, các cơ quan chủ quản báo chí phải quan tâm đầu tư đổi mới công nghệ cho các cơ quan báo chí.
Rất mừng, Bộ Thông tin và Truyền thông đang sửa văn bản pháp luật liên quan để hoàn thiện cơ chế đặt hàng báo chí, nhất là nghị định, thông tư về nhuận bút, định mức kinh tế kỹ thuật để phù hợp với thị trường. Bộ sẽ huy động các doanh nghiệp viễn thông, doanh nghiệp công nghệ số hỗ trợ toàn diện cho cơ quan báo chí.
Ngoài ra, Bộ sẽ hỗ trợ xây dựng một số nền tảng chung cho cơ quan báo chí, nhất là với cơ quan báo chí nhỏ, hạn chế về công nghệ. Nếu có công nghệ tốt lại có chính sách đặt hàng, giao nhiệm vụ cho báo chí, cho lực lượng thông tin cơ sở, công tác truyền thông chính sách sẽ mở ra những nguồn lực mới, tạo nên sức mạnh lớn, hiệu quả cao trong xây dựng, thực hiện các chính sách.
Nhưng điều quyết định vẫn là con người. Nếu nhà báo làm truyền thông chính sách cứ theo lối mòn khô cứng thì hiệu quả sẽ không cao. Vì thế truyền thông chính sách phải không ngừng đổi mới để phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của thời đại.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/doi-moi-truyen-thong-chinh-sach-5721482.html