Đổi mới tư duy làm luật từ quản lý sang kiến tạo
Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại thảo luận tổ của Quốc hội ngày 17/5 không chỉ đi thẳng vào điểm nghẽn cố hữu của hệ thống pháp luật, mà còn định hướng tư duy thể chế mới: chuyển từ quản lý sang kiến tạo để thúc đẩy phát triển bền vững.
“Có tiền mà không tiêu được” - câu nói giản dị nhưng đầy hàm ý của Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ ra một nghịch lý kéo dài suốt nhiều năm trong lĩnh vực đầu tư công tại Việt Nam. Đây không phải là phát hiện mới, nhưng việc một lãnh đạo cao nhất của Đảng trực tiếp chỉ ra điểm trũng này tại Quốc hội đã nâng tầm vấn đề lên thành một cảnh báo chính trị: thể chế.
Những năm qua, vốn đầu tư công liên tục tăng về danh nghĩa nhưng tỷ lệ giải ngân luôn ở mức thấp đáng báo động. Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2023, cả nước chỉ giải ngân được khoảng 77% kế hoạch vốn đầu tư công, và hàng loạt bộ, ngành, địa phương không đạt 60%. Tình trạng này không chỉ gây lãng phí nguồn lực quốc gia, mà còn dẫn đến hiệu ứng domino: doanh nghiệp thiếu việc làm, công trình chậm tiến độ, nền kinh tế mất đi những cú hích cần thiết.
Những ách tắc ấy không chỉ đơn thuần là lỗi hành chính hay năng lực thực thi, mà là biểu hiện của một hệ thống pháp lý rối rắm, cứng nhắc và thiên về kiểm soát. Khi mỗi dự án phải qua hàng chục cửa, mỗi bước đều có thể bị “treo” chỉ vì một công văn chưa được hướng dẫn rõ ràng, thì năng lực của cả hệ thống bị tê liệt.
Điểm nhấn nổi bật trong phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm chính là việc ông yêu cầu “thay đổi tư duy xây dựng pháp luật, chuyển từ quản lý sang kiến tạo phát triển”. Đây không chỉ là một yêu cầu kỹ thuật trong cải cách luật pháp, mà là chuyển đổi căn cơ trong quan điểm về nhà nước và vai trò của thể chế.
Tư duy quản lý, vốn phổ biến trong giai đoạn nhà nước bao cấp, nơi luật pháp thiên về kiểm soát hành vi, ngày nay đã không còn phù hợp trong bối cảnh một nền kinh tế mở, năng động và chịu sức ép cạnh tranh toàn cầu. Khi luật pháp được xây dựng chỉ để hạn chế, để “quản lý cho chắc”, thì vô hình trung nó trở thành bức tường chắn lại chính dòng chảy của sáng tạo, đầu tư và đổi mới.
Trên thực tế, nhiều quy định pháp luật hiện nay vẫn mang nặng tư duy “không quản được thì cấm”. Chẳng hạn, trong lĩnh vực đầu tư theo phương thức đối tác công- tư (PPP), rất nhiều nhà đầu tư tư nhân nản chí vì thời gian phê duyệt dự án kéo dài, điều kiện lựa chọn nhà đầu tư khắt khe và không nhất quán, trong khi cơ chế bảo lãnh doanh thu hoặc phân chia rủi ro lại mơ hồ. Kết quả là nhiều dự án hạ tầng thiết yếu không thể thu hút được nguồn vốn xã hội hóa – một thất bại lớn trong bối cảnh ngân sách nhà nước có hạn.
Chính vì thế, chuyển từ tư duy “kiểm soát” sang tư duy “kiến tạo” là bước chuyển chiến lược. Kiến tạo không có nghĩa là buông lỏng, mà là tạo điều kiện tối ưu để nguồn lực được giải phóng, cơ hội được mở rộng và sự phát triển được dẫn dắt. Muốn vậy, pháp luật phải trở thành công cụ thúc đẩy, không phải công cụ trì hoãn.
Một nhà đầu tư hạ tầng chia sẻ thẳng thắn: “Không phải chúng tôi sợ rủi ro, mà là sợ sự mập mờ của thể chế. Không biết khi nào thủ tục xong, không biết ai chịu trách nhiệm, không biết luật nào được ưu tiên nếu có mâu thuẫn.” Những lo lắng này không chỉ khiến dòng vốn tư nhân chững lại, mà còn ảnh hưởng đến cả uy tín thể chế trong mắt quốc tế.
Do đó, việc sửa đổi đồng loạt bảy đạo luật liên quan đến đấu thầu, đầu tư, tài sản công, thuế xuất nhập khẩu... như Quốc hội đang bàn thảo, cần được nhìn nhận như một đợt tổng rà soát thể chế. Nhưng điều quan trọng hơn cả là phải giữ đúng tinh thần mà Tổng Bí thư chỉ đạo: luật pháp không để phục vụ lợi ích nhóm, mà phục vụ toàn dân.
Chỉ khi đó, pháp luật mới không còn là bức tường chắn dòng vốn, mà trở thành dòng chảy dẫn đường cho phát triển.