Đổi mới tư duy, nhìn xa, nhìn rộng
Lào Cai hôm nay đang bừng cháy khát vọng vươn lên mạnh mẽ, chuẩn bị hành trang cho giai đoạn mới - giai đoạn xác lập vị trí quan trọng của tỉnh trong khu vực và cả nước.
Mục tiêu định hình không giới hạn trong nhiệm kỳ, mà hướng đến giai đoạn xa hơn, thể hiện rõ tầm nhìn “vượt thời gian” của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Đó là phấn đấu “Xây dựng Lào Cai phát triển toàn diện, trở thành trung tâm, cầu nối giao thương kinh tế, đối ngoại giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam Trung Quốc; phấn đấu đến năm 2025 tiếp tục là tỉnh phát triển của vùng Trung du, miền núi phía Bắc và đến năm 2030 trở thành tỉnh khá của cả nước, năm 2045 là tỉnh phát triển của cả nước”.
Tỉnh ủy đã cụ thể hóa bằng những giải pháp, nhiệm vụ của từng giai đoạn, từng năm. Bắt đầu với việc tập trung xây dựng và thực hiện quy hoạch tỉnh với định hướng phát triển: “1 trục động lực; 2 cực phát triển; 3 vùng kinh tế; 4 trụ cột tăng trưởng; 5 nhiệm vụ trọng tâm”. Đồng thời, xác định một loạt chiến lược quan trọng bảo đảm sự phát triển như chuyển đổi số, phát triển sản phẩm hàng hóa nông nghiệp, phát triển nguồn nhân lực, phát triển văn hóa, con người Lào Cai, phát triển du lịch, phát triển toàn diện thị xã Sa Pa, thành phố Lào Cai…
Định hướng phát triển của tỉnh đã đặt trong định hướng phát triển chung của đất nước, của vùng, chính là cụ thể hóa Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Việc xác định mục tiêu lớn này dựa trên những phân tích, đánh giá rõ ràng về lợi thế so sánh của địa phương, thể hiện rõ tinh thần sáng tạo, đổi mới của Đảng bộ tỉnh trong lãnh đạo xây dựng, ban hành các nghị quyết, đề án, chương trình công tác trọng tâm.
Từ thời điểm tái lập tỉnh (năm 1991) đến nay, việc xây dựng các chương trình, đề án, nghị quyết lãnh đạo trong mỗi nhiệm kỳ của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đều đảm bảo tính kế thừa và phát triển. Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XII, nhiệm kỳ 2001 - 2005 đã nghị quyết ban hành 7 chương trình công tác trọng tâm toàn khóa với 21 đề án. Nhiệm kỳ 2005 - 2010 gồm 7 chương trình, 29 đề án trọng tâm; nhiệm kỳ 2010 - 2015 gồm 7 chương trình, 27 đề án trọng tâm; nhiệm kỳ 2015 - 2020, Đảng bộ tỉnh tiếp tục xác lập 4 chương trình, 19 đề án trọng tâm; nhiệm kỳ 2020 - 2025 gồm 18 đề án trọng tâm. Việc xây dựng nghị quyết, chỉ thị, quy định, quy chế, chương trình, kế hoạch, đề án bảo đảm tính hệ thống, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, giải quyết các vấn đề, nội dung cụ thể, có lộ trình, bảo đảm thiết thực, hiệu quả để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đã xác định.
Tương tự như vậy là ở các địa phương. Tại huyện Bảo Yên, thực hiện 18 đề án trọng tâm của Tỉnh ủy và các chỉ tiêu đại hội Đảng bộ huyện, Huyện ủy đã cụ thể bằng 12 đề án, 2 nghị quyết. Theo đồng chí Nguyễn Anh Chuyên, Bí thư Huyện ủy, tinh thần đổi mới trong xây dựng các đề án, nghị quyết được Huyện ủy tiếp tục đẩy mạnh, đặc biệt nhấn mạnh định hướng phát triển gắn với liên kết vùng, liên kết các khâu. Nổi bật như cây quế với diện tích lớn nhất tỉnh, Huyện ủy chỉ đạo đẩy mạnh liên kết vùng, xây dựng thương hiệu quế Bảo Yên, tập trung chế biến sâu các sản phẩm từ quế, tạo giá trị kinh tế cao. Hoặc như đề xuất quy hoạch xây dựng khu đô thị Bảo Hà (Bảo Yên) - Tân An (Văn Bàn) trở thành đô thị cửa ngõ của tỉnh Lào Cai gắn với phát triển du lịch tâm linh đã được đề cập từ nhiệm kỳ trước và tiếp tục triển khai trong nhiệm kỳ 2020 - 2025 để khai thác tối đa lợi thế về giao thông, văn hóa, di tích lịch sử.
Tại huyện Bảo Thắng, Đề án “Xây dựng thị trấn Phố Lu lên đô thị loại IV, tiến tới thành lập thị xã Bảo Thắng trước năm 2030” được xây dựng và triển khai qua các kỳ Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXV, XXVI, XXVII và nhiệm kỳ hiện nay 2020 - 2025. Đề án đã được UBND tỉnh đồng ý trình Chính phủ và các bộ, ngành xem xét, phê duyệt. Ngoài ra, huyện tích cực kêu gọi doanh nghiệp vào đầu tư chế biến sâu sản phẩm nông nghiệp. Đến nay, UBND tỉnh cấp phép cho doanh nghiệp đầu tư xây dựng 1 nhà máy chế biến quế hồi tại xã Phong Niên; nhà máy chế biến hoa quả tại xã Thái Niên. Các nhà máy trên khi đi vào hoạt động sẽ góp phần tiêu thụ nông sản cho nông dân các huyện lân cận. Đồng chí Nguyễn Quang Úy, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Bảo Thắng cho biết: Việc xây dựng các chương trình, đề án, nghị quyết của nhiệm kỳ 2020 - 2025 được đổi mới, sau khi các đơn vị xây dựng dự thảo, UBND huyện thành lập tổ thẩm định xác định cụ thể nguồn vốn thực hiện cho từng năm và tiến hành hội thảo để đông đảo cán bộ, đảng viên cùng tham gia ý kiến. Sau đó, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ tham gia ý kiến mới ký ban hành. Cách làm chắc chắn như vậy nên khi ban hành, các đề án, nghị quyết đã nhanh chóng đi vào cuộc sống.
Với huyện Mường Khương, đồng chí Giàng Quốc Hưng, Bí thư Huyện ủy cho hay, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng bộ huyện xác định được trục động lực, phát triển với 3 chân kiềng, bao gồm: Các xã từ Bản Lầu lên Thanh Bình và thị trấn (các xã vùng thấp); chân kiềng thứ 2 gồm các xã bám dọc Tỉnh lộ 154, bắt đầu từ Nấm Lư, lên Lùng Khấu Nhin, Cao Sơn, Tả Thàng, La Pan Tẩn (các xã thuộc diện nghèo của tỉnh); chân kiềng thứ ba gồm toàn bộ các xã biên giới. Việc nhóm các xã tương đồng để xác định hướng đi chủ yếu cho từng vùng. Chẳng hạn chân kiềng thứ nhất gồm các xã vùng thấp, nơi người Kinh sống xen kẽ với đồng bào dân tộc thiểu số và cơ bản đã “về đích” nông thôn mới sẽ tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến và chuyển giao khoa học công nghệ. Đồng thời, nông dân ở vùng này sẽ đóng vai trò trình diễn, mô hình để cho nông dân vùng cao đến học tập. Quan điểm này cho thấy việc xây dựng, ban hành nghị quyết của Huyện ủy đã có sự đổi mới ngay từ trong tư duy với tầm nhìn xa, nhìn rộng.
Thời gian qua, nhiều nghị quyết mới được Tỉnh ủy ban hành đều có tầm nhìn đến năm 2030, năm 2045 như Nghị quyết về phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; phát triển du lịch tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050... Tinh thần đổi mới tư duy, nhìn xa, nhìn rộng đã trở thành bước đột phá mạnh mẽ của đội ngũ cán bộ từ tỉnh đến các địa phương. Điều đó cũng khẳng định năng lực tư duy chiến lược của đội ngũ cán bộ, lãnh đạo của tỉnh, ngành và các địa phương đã được nâng lên một tầm cao mới và ngày càng hoàn thiện; có sự kế thừa và phát huy qua từng giai đoạn.
Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/364089-doi-moi-tu-duy-nhin-xa-nhin-rong