Đổi mới tư duy, phát triển nông nghiệp bền vững
Những năm gần đây, cùng với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo thế mạnh của từng địa phương, người dân trên địa bàn tỉnh đã tích cực thay đổi tư duy sản xuất, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, chủ động tiếp cận thị trường để ổn định đầu ra của sản phẩm... nhằm bắt nhịp với xu hướng sản xuất nông nghiệp hiện đại, bền vững.
Mô hình sản xuất trong nhà màng, nhà lưới được nhân rộng trên địa bàn huyện Thường Xuân.
Trước đây, tại các huyện miền núi như Cẩm Thủy, Như Thanh, Như Xuân, Thường Xuân,... trong sản xuất nông nghiệp, người dân chỉ quen sản xuất các loại cây trồng truyền thống như ngô, lạc, mía,... thì nhiều năm nay, trước sự định hướng, hỗ trợ sản xuất của chính quyền các địa phương, người dân đã chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, không ngừng mở rộng diện tích các loại cây trồng mới có giá trị kinh tế cao, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nhằm tăng năng suất và chất lượng sản phẩm. Từ đó, sản xuất nông nghiệp đã có nhiều bước tiến quan trọng, đạt hiệu quả kinh tế cao ở hầu hết các lĩnh vực, làm thay đổi tư duy và phương pháp tổ chức sản xuất của người dân.
Tại xã Thọ Thanh (Thường Xuân), một số hộ dân đã chủ động tích tụ đất đai; tích cực chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, xây dựng các mô hình sản xuất. Trong đó, phải kể đến mô hình trồng dưa Kim Hoàng Hậu của chị Hoàng Thị Lài, một trong những nông dân nhanh nhạy thích ứng với xu hướng sản xuất mới. Chị Lài cho biết: “Lựa chọn đầu tư trồng dưa trong nhà màng đối với tôi là một quyết định táo bạo bởi trước đây tôi chỉ quen với canh tác truyền thống. Với kinh nghiệm sản xuất ít ỏi, tôi đã phải tham khảo nhiều mô hình đã thành công trước đó từ vốn đầu tư, cách làm bầu, vận hành hệ thống tưới nhỏ giọt, xây dựng nhà màng để hạn chế được sự tấn công của sâu bệnh, ứng dụng phương pháp tưới tiết kiệm nước và phân bón tối ưu nhất hiện nay gồm van điều khiển tự động, vòi phun áp lực thấp để phun mưa,... để khắc phục được tình trạng bay hơi nước so với cách tưới truyền thống trên bề mặt, từ đó tiết kiệm chi phí sản xuất”.
Hiện nay, mô hình sản xuất trong nhà màng, nhà lưới khá phổ biến tại nhiều địa phương, không những với sản phẩm dưa Kim Hoàng Hậu, người dân còn trồng các loại rau màu, dưa chuột baby, hoa... Để nâng cao hiệu quả sản xuất, người dân đã ưu tiên sử dụng giống có năng suất, chất lượng cao đối với các loại cây trồng lợi thế như lúa, ngô, rau màu, cây ăn quả... Hầu hết các hộ sản xuất đều đã thực hiện nghiêm túc kỹ thuật canh tác tiên tiến, cơ giới hóa đồng bộ, tạo thói quen ghi chép các công đoạn bón phân, phun thuốc, thu hoạch, ứng dụng công nghệ máy bay không người lái; diện tích trồng cây ăn quả trồng lâu năm có năng suất, chất lượng thấp được thực hiện “trẻ hóa” bằng công nghệ cắt, ghép để cải tạo...
Hiện nay, người sản xuất đã quan tâm, đặt chất lượng nông sản lên hàng đầu, vì vậy, diện tích sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ,... ngày càng được mở rộng, nhất là đối với rau màu, từ đó đã hình thành các vùng sản xuất rau an toàn tập trung, quy mô lớn. Ông Trịnh Đức Hùng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thiệu Hóa, cho biết: Tại các vùng sản xuất tập trung như lúa năng suất, chất lượng, hiệu quả cao, rau an toàn, sản xuất ngô ngọt... người dân đã thay đổi tư duy sản xuất, có trách nhiệm thực hiện theo kế hoạch sản xuất và đúng quy trình, quy phạm kỹ thuật trồng trọt được hướng dẫn, sản xuất theo chuỗi giá trị, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường về chất lượng nông sản. Theo tính toán của các hộ dân, nếu như trước đây sản xuất theo phương pháp truyền thống thì 1 ha rau màu thu nhập gần 300 triệu đồng/năm thì áp dụng khoa học - kỹ thuật mới vào sản xuất rau, quả an toàn đã cho thu nhập 400 - 500 triệu đồng/ha mỗi năm; riêng diện tích dưa Kim Hoàng Hậu cho thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm. Bên cạnh đó, trong thời đại công nghệ số bùng nổ như hiện nay, nhiều hộ dân trong tỉnh đã chủ động giới thiệu sản phẩm nông nghiệp trên các sàn thương mại điện tử, nhất là với các sản phẩm OCOP”.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, người dân bước đầu đã nắm bắt những tín hiệu của thị trường, chuyển đổi từ chăn nuôi truyền thống sang phát triển theo quy mô trang trại, mô hình công nghiệp và bán công nghiệp. Người chăn nuôi đã mạnh dạn đầu tư xây dựng hệ thống chuồng khép kín, sử dụng máng ăn, uống nước tự động, sử dụng đệm lót sinh học để xử lý chất thải, nuôi tôm trong bể xi măng, ao lót bạt, hệ thống quạt khí, nuôi tôm trong nhà màng...
Có thể nói, để bắt kịp với xu hướng sản xuất nông nghiệp hiện đại, người dân trên địa bàn tỉnh ta đã dần thay đổi tư duy, chuyển từ sản xuất nông nghiệp truyền thống sang làm kinh tế nông nghiệp. Những phương thức canh tác mới, hiện đại, an toàn đã dần thay thế cho cách trồng trọt, chăn nuôi trước kia, trong đó, chất lượng nông sản được đặt lên hàng đầu để phát triển bền vững. Tuy nhiên, để tạo động lực cho người dân phát triển sản xuất, các địa phương cần tăng cường chuyển giao khoa học - kỹ thuật, hỗ trợ người dân trong quá trình ứng dụng vào thực tế. Bên cạnh đó, tiếp tục có những chính sách hỗ trợ, tiếp cận các nguồn vốn vay để người dân yên tâm đầu tư sản xuất. Tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất bền vững, sản xuất các sản phẩm theo hợp đồng, đáp ứng yêu cầu thị trường.