Đổi mới tư duy sản xuất nông nghiệp ở Vị Xuyên
Phát triển nông nghiệp trên cơ sở sử dụng hiệu quả tài nguyên đất, đổi mới tư duy, tiếp cận thị trường, ứng dụng mạnh mẽ khoa học kỹ thuật (KHKT), thích ứng biến đổi khí hậu, hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung theo chuỗi giá trị là cách làm mới, tạo đột phá trong sản xuất nông nghiệp ở Vị Xuyên.
Quyết sách mạnh mẽ
Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Vị Xuyên Đỗ Anh Tuấn mở đầu câu chuyện với chúng tôi về những trăn trở đưa huyện nhà phát triển nhanh, bền vững trên con đường hội nhập: “Vị Xuyên có điều kiện thuận lợi về đất đai, khí hậu, nguồn lao động... để phát triển nông nghiệp hàng hóa. Phát huy những kết quả đạt được, nhiệm kỳ 2020 – 2025, một trong những khâu đột phá, chương trình trọng tâm của huyện là phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, hiệu quả, bền vững; đẩy mạnh liên kết, hợp tác “4 nhà”; sản xuất nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao theo chuỗi giá trị và hướng tới xuất khẩu; phát triển mạnh chăn nuôi theo hình thức trang trại, gia trại quy mô lớn; thực hiện hiệu quả chương trình cải tạo vườn tạp, xây dựng vườn mẫu gắn với xây dựng Nông thôn mới. Mục tiêu đến năm 2025, thu nhập bình quân đầu người đạt 60 triệu đồng/năm; giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 2.130 tỷ đồng; tỷ trọng chăn nuôi chiếm 40% cơ cấu ngành Nông nghiệp; giá trị sản xuất trên 1 đơn vị diện tích đất canh tác đạt 76 triệu đồng/ha”.
Để đạt mục tiêu, ngay sau Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV; huyện đã tập trung chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn tham mưu cho huyện ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích người dân đầu tư phát triển nông nghiệp hàng hóa; triển khai kế hoạch sản xuất nông nghiệp cụ thể theo từng khung thời vụ. Đối với các chương trình, đề án, phương án, kế hoạch đang triển khai thực hiện từ năm 2019, huyện phân công các đồng chí trong BTV, BCH Huyện ủy, trưởng các ngành, đoàn thể phụ trách các xã, thị trấn thường xuyên đi cơ sở kiểm tra, đôn đốc thực hiện; kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân; phối hợp chặt chẽ với các ngân hàng thương mại, ngân hàng Chính sách Xã hội triển khai hiệu quả các gói tín dụng, giúp người dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất.
Bí thư Đảng ủy xã Trung Thành, Mai Công Lập, cho biết: “Là xã động lực phát triển nông, lâm nghiệp của huyện, thời gian qua, xã triển khai mạnh mẽ các giải pháp phát triển nông nghiệp hàng hóa, như: Thực hiện đột phá về thâm canh, tăng vụ; triển khai đề án sản xuất lúa, ngô hàng hóa chất lượng cao; đẩy mạnh cơ giới hóa vào sản xuất; dồn điền đổi thửa; thành lập các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác, nhóm sở thích; nhân rộng mô hình kinh tế hiệu quả: Cam, chè VietGAP, bưởi Da xanh; nhãn Hương chi, dưa hấu. Đến nay, giá trị sản xuất trên đơn vị canh tác đạt 75 triệu đồng/ha. Các HTX, tổ hợp tác đều chủ động xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh mang lại hiệu quả cao; người dân địa phương dần thay đổi tư duy sản xuất từ nhỏ lẻ, manh mún, tự túc sang sản xuất hàng hóa tập trung”.
Về chủ trương ứng dụng KHKT vào sản xuất, Bí thư Đảng ủy xã Đạo Đức, Phan Thị Thơm, chia sẻ: “Với mục tiêu xây dựng xã Đạo Đức trở thành xã điển hình về phát triển kinh tế nông nghiệp, xã đẩy mạnh ứng dụng KHKT vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Đến nay đã hình thành vùng chuyên canh sản xuất lúa gạo chất lượng cao; rau hoa trong nhà lưới; quy hoạch vùng chăn nuôi lợn hàng hóa quy mô gia trại tập trung; mở rộng mô hình HTX nông nghiệp. Người dân không còn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước mà tự đầu tư sản xuất, kinh doanh. Giá trị trên 1 đơn vị diện tích canh tác đất hàng năm đạt 80 triệu đồng/ha; thu nhập bình quân đầu người đạt 30 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 7,72%”.
Nhiều mô hình hiệu quả
Với những quyết sách mạnh mẽ từ huyện đến cơ sở; sản xuất nông nghiệp Vị Xuyên đạt nhiều kết quả quan trọng: Năng suất, sản lượng, chất lượng sản phẩm các loại cây trồng đều tăng. Toàn huyện thực hiện 63 cánh đồng mẫu 5 cùng; liên kết trồng mía xuất khẩu với diện tích 92,36 ha, sản lượng mía niên vụ 2019-2020 đạt 4.070 tấn, doanh thu đạt trên 4,2 tỷ đồng; duy trì 90 ha cam VietGAP và 2.868,6 ha chè VietGAP, hữu cơ. Diện tích sản xuất lúa thuần chất lượng cao theo chuỗi giá trị đạt 222,5 ha; tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất bình quân đạt 32,2%; hình thành các HTX liên kết sản xuất trồng cam: HTX Minh Thành, HTX Hương Cam và tổ cam VietGAP xã Quảng Ngần; phát triển 78 trang trại, gia trại chăn nuôi quy mô lớn; thực hiện hiệu quả Phương án phát triển chăn nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện với 115 lồng cá. Đến nay đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa, như: Sản xuất rau an toàn trong nhà lưới với doanh thu đạt trên 1,8 tỷ đồng/ha/năm; phát triển cây dưa hấu vụ Xuân với tổng diện tích 64,5 ha tại xã Phong Quang, Trung Thành, Quảng Ngần, Thanh Thủy, doanh thu đạt 90 – 100 triệu đồng/ha/vụ; vùng sản xuất lúa gạo chất lượng cao xã Linh hồ, Đạo Đức, Tùng Bá; vùng sản xuất cây ăn quả có múi Trung Thành, Việt Lâm; vùng sản xuất chè hữu cơ Cao Bồ, Thượng Sơn, Quảng Ngần, Lao Chải, Xín Chải; chè VietGAP thị trấn Việt Lâm, Trung Thành; vùng sản xuất mía đường, Thanh long, dưa hấu xã Phong Quang, Trung Thành, Ngọc Linh; vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao thị trấn Vị Xuyên. Đặc biệt, huyện thu hút nhiều tập đoàn, doanh nghiệp, HTX đầu tư lĩnh vực nông nghiệp, như: Tập đoàn TH, Công ty Cổ phần Phát triển Nông - lâm nghiệp và Môi trường Việt Nam; công ty XNK Thủy Vĩnh Bảo; HTX sản xuất rau an toàn Học Lập, HTX Tân Đức. Toàn huyện thành lập mới và duy trì hoạt động hiệu quả 82 HTX Nông - lâm nghiệp với tổng số 2.783 thành viên, tổng số vốn gần 73 tỷ đồng, trong đó có 13 HTX liên kết với doanh nghiệp sản xuất theo chuỗi giá trị; đẩy mạnh thực hiện chương trình OCOP với 44 sản phẩm của 28 chủ thể đăng ký thực hiện; quan tâm, hỗ trợ người dân tiếp cận các nguồn tín dụng ưu đãi của Chính phủ, của tỉnh với số tiền giải ngân trên 109 tỷ đồng. Huyện chủ động hợp tác với các đơn vị có kinh nghiệm, uy tín để chuyển giao KHCN cho người dân; ký hết hợp tác với Trường Đại học Nông - lâm Thái Nguyên về phát triển sản phẩm OCOP. Nhiều sản phẩm được sản xuất từ công nghệ cấy mô tế bào mang lại giá trị kinh tế cao, như: Đông trùng hạ thảo; Lan kim tuyến, keo Úc; ứng dụng công nghệ sinh học phục tráng và bảo tồn giống lúa, ngô địa phương; chọn, tạo thế hệ cam Sành sạch bệnh; bảo tồn nguồn gen dược liệu quý, hiếm, đặc hữu…
Việc hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, từng bước thay đổi tư duy sản xuất từ nhỏ lẻ, manh mún, tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hóa, chiếm lĩnh thị trường, hướng đến nền nông nghiệp công nghệ cao, an toàn, bền vững.