Đổi mới tư duy, thúc đẩy nông nghiệp đô thị

Trong cuộc sống hiện đại, thú chơi bonsai đã không quá xa lạ với mỗi người dân. Có người yêu bonsai, đơn thuần chỉ yêu cái đẹp của thiên nhiên nhưng cũng có người vừa chơi vừa trao đổi qua lại với nhau. Dần dần thú chơi cây cảnh, bonsai đã trở thành sân chơi hữu ích. Ở đó, người ta vừa thỏa đam mê vừa có thể làm kinh tế theo hướng nông nghiệp đô thị rất hiệu quả. Tất nhiên để 'hái' ra tiền ở mô hình này, đó phải là sự kết hợp giữa đam mê và những kỹ năng cần thiết khác.

ỔN ĐỊNH NHỜ BONSAI VÀ MAI VÀNG

Với hơn 7 sào đất nhưng thu nhập của gia đình anh Lê Văn Huy ở phường Thành Tâm, thị xã Chơn Thành đạt gần 500 triệu đồng/năm. Trước đây, cũng như bao người dân khác, anh Huy trồng cao su, điều nhưng do đất ít, số tiền thu về không tương xứng với công sức bỏ ra. Tính toán lại cách làm kinh tế, anh Huy cưa hết cao su, điều, chuyển qua nhận trồng và chăm sóc cây mai hơn 7 năm nay. Cùng một diện tích đất nhưng so với trước, thu nhập của gia đình anh Huy hiện nay khiến nhiều người ao ước. “Có lẽ cũng bén duyên, từ ngày chuyển sang trồng và chăm sóc cây mai, tôi thấy kinh tế gia đình ổn định hơn trước rất nhiều. Có lẽ mô hình này phù hợp với điều kiện ít đất như gia đình tôi” - anh Huy hài lòng với thành quả mà mình có được sau nhiều năm chuyển hướng làm kinh tế.

Thành viên Hội quán Mai vàng tham quan mô hình trồng và chăm sóc gốc bằng lăng của gia đình anh Phan Văn Hảo ở phường Hưng Long, thị xã Chơn Thành

Thành viên Hội quán Mai vàng tham quan mô hình trồng và chăm sóc gốc bằng lăng của gia đình anh Phan Văn Hảo ở phường Hưng Long, thị xã Chơn Thành

Là dân kinh doanh, thế nhưng 2 năm trở lại đây, anh Phan Văn Hảo ở phường Hưng Long, thị xã Chơn Thành lại bén duyên, trở thành nông dân. Chỉ hơn 2 sào đất, anh chọn trồng và hồi sinh những gốc bằng lăng được sưu tầm ở mọi miền đất nước. 2 sào đất và khoảng 100 gốc bằng lăng, với anh đây cũng là một mô hình nông nghiệp khá hấp dẫn, bởi anh vừa thỏa niềm đam mê cây cảnh vừa phù hợp khi Chơn Thành đang dần trở thành đô thị trẻ. Và anh Hảo hài lòng với sự lựa chọn của mình. “Bây giờ quá trình đô thị hóa, diện tích đất nông nghiệp dần thu hẹp, ít đất nhưng phải làm sao cho hiệu quả, thế nên tôi chọn nghề chăm sóc cây cảnh. Mô hình này đòi hỏi diện tích không quá lớn nhưng phải có tay nghề. Với gia đình tôi, đây thực sự là mô hình hay” - anh Hảo chia sẻ.

Tại thị xã Chơn Thành, xu hướng chơi và thưởng ngoạn bonsai đang phát triển rất mạnh. Hiện ở thị xã có hơn 100 cơ sở kinh doanh lĩnh vực này, từ đó tạo ra mô hình kinh tế hiệu quả và bước đầu mang lại giá trị cho người dân.

HƯỚNG ĐẾN NÔNG NGHIỆP ĐÔ THỊ

Nông nghiệp đô thị được hiểu ngắn gọn đó là tận dụng không gian đô thị nhỏ hẹp để nông dân có thể làm giàu. Với các thành viên Hội quán Mai vàng của Bình Phước, họ chọn mô hình chăm sóc mai, bằng lăng hay một số cây cảnh khác để phát triển kinh tế. Hội quán Mai vàng vừa ra mắt tại thị xã Chơn Thành, chủ nhiệm là ông Phạm Ngọc Danh - 1 trong 4 nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi của tỉnh được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tuyên dương vào giữa tháng 9-2022. Mai vàng là mô hình hội quán đầu tiên của tỉnh, hướng đến phát triển kinh tế nông nghiệp đô thị.

Chia sẻ về mô hình này, ông Danh phấn khởi: Nông dân dù ở hoàn cảnh, thời điểm nào thì cũng không thể bỏ đất, mà đất làm nông nghiệp ở đô thị ngày càng hẹp. Chính vì vậy, người dân phải nghĩ như thế nào để làm giàu chính đáng trên diện tích đó. Hội quán Mai vàng ra đời với các tiêu chí: cùng lĩnh vực lao động, ngành nghề sản xuất, kinh doanh, dịch vụ sinh vật cảnh; cùng mối quan tâm; cùng chia sẻ, trách nhiệm và cùng có lợi. Để hội quán phát triển đúng hướng và từng bước nâng cao hiểu biết cho các thành viên, chúng tôi kết hợp và tổ chức nhiều chuyến tham quan, học hỏi với rất nhiều đơn vị.

Hoạt động của Hội quán Mai vàng giúp nông dân thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với thị trường hàng hóa, lấy chất lượng là tiên phong; phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo cách làm hay trong sản xuất. Cuối cùng là để người nông dân vẫn bám đất, dù đất ít nhưng vẫn “nở” ra tiền, phù hợp với xu thế của cuộc sống hiện đại ở đô thị.

Ông PHẠM NGỌC DANH, Chủ nhiệm Hội quán Mai vàng

Nông nghiệp đô thị đang phát triển rất mạnh, ở đó người dân có thể tận dụng đất để trồng rau, dưa lưới, trồng hoa hay sinh vật cảnh. Đối với Hội quán Mai vàng, đây thực sự là sân chơi vừa bổ ích vừa lý thú để các hội viên yêu bonsai cùng nhau trao đổi kỹ năng nghề nghiệp và phát triển kinh tế như các tiêu chí đã đề ra.

“Một đô thị năng động, sinh thái và thông minh”, đó chính là slogan đang được các cấp, ban, ngành, cán bộ và nhân dân Chơn Thành ra sức thực hiện khi địa phương trở thành thị xã. Đó cũng là lý do mà việc đẩy mạnh phát triển nông nghiệp đô thị đã và đang được nhiều nông dân trên địa bàn ứng dụng, mở ra mô hình kinh tế ổn định, tăng nguồn thu và phù hợp với quá trình đô thị hóa.

Thanh Nga

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/138983/doi-moi-tu-duy-thuc-day-nong-nghiep-do-thi