Đổi mới tư duy trong sản xuất nông nghiệp
Xác định đúng thế mạnh của từng vùng, địa phương trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi và những chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp của Nhà nước đã tạo động lực, khuyến khích nông dân Sơn La đổi mới tư duy trong sản xuất nông nghiệp. Việc chú trọng ứng dụng khoa học công nghệ để gia tăng giá trị sản xuất, xây dựng thương hiệu sản phẩm, chủ động tiếp cận thị trường bằng nhiều hình thức đã và đang khẳng định chất lượng, uy tín của nông sản Sơn La.
Chiến dịch xây dựng, quảng bá thương hiệu mận hậu Ruby Sơn La đã giúp cho nhiều khách hàng mọi vùng miền tiếp cận và biết đến sản phẩm mận hậu của Sơn La, với giá trị quả mận được nâng lên gấp 5-6 lần. Từ câu chuyện xây dựng thương hiệu mận hậu Ruby đã tác động thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp của nông dân trồng mận hậu nói riêng và nông dân toàn tỉnh nói chung, đẩy mạnh phát triển các sản phẩm chất lượng cao, thay vì chỉ phát triển các sản phẩm nông nghiệp đại trà, giá trị kinh tế thấp.
Chúng tôi đã đến xã Phiêng Khoài, “thủ phủ” mận hậu của huyện Yên Châu, nơi sản sinh ra sản phẩm mận hậu Ruby Sơn La. Hiện, toàn xã có 1.800 ha mận hậu, trong đó 1.400 ha đang cho thu hoạch, sản lượng khoảng 15.000 tấn/năm. Trên địa bàn xã còn có 5 HTX hoạt động ở lĩnh vực nông nghiệp, luôn tiên phong trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, sản xuất rải vụ và nâng cao sản lượng, chất lượng bằng cách chăm sóc theo hướng hữu cơ, tỉa cành, tạo tán, tỉa quả để đạt kích thước quả như mong muốn.
Bà Bùi Thị Phương Thanh, Phó Giám đốc HTX nông sản bản địa Noọng Piêu, xã Phiêng Khoài, cho biết: HTX có 11 thành viên, với 46 ha mận hậu, HTX đã tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, bảo đảm sản phẩm có chất lượng cao, mẫu mã đẹp. Hiện nay, sản phẩm được phân loại; trong đó loại 1 từ 10-12 quả/kg, loại 2 từ 15-16 quả/kg và loại 3 từ 20 quả/kg, giá bán trung bình tại vườn đạt từ 17.000-90.000 đồng/kg tùy theo kích thước. Cùng với đó, HTX đã còn đẩy mạnh hợp tác, liên kết bán hàng trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử, bán hàng livestream đã tiếp cận với đa dạng các đối tượng khách hàng khác nhau, nhất là nhóm khách hàng cao cấp... Vụ mận hậu năm nay, HTX đã thu hoạch 230 tấn, doanh thu đạt trên 4,6 tỷ đồng.
Với tinh thần ham học hỏi, tự nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, anh Bùi Văn Lộc, tiểu khu 3/2, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn đã thành công với việc ghép cải tạo giống na địa phương thay thế bằng na Hoàng hậu có xuất xứ tại Thái Lan. Anh Lộc chia sẻ: 7 ha na ghép hiện nay từng là đất trồng ngô, sắn, nhãn, na giống địa phương. Sau nhiều năm học hỏi, tìm tòi, nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật, sản xuất theo hướng hữu cơ, xây dựng thương hiệu, đầu tư bao bì, tem nhãn truy xuất nguồn gốc để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, năm 2021, sản lượng đạt gần 130 tấn, giá bán trung bình tại vườn từ 60.000/kg, thu nhập gần 8 tỷ đồng.
Để phát triển nông nghiệp bền vững, hiệu quả, những năm qua, tỉnh Sơn La đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút doanh nghiệp, HTX, người dân tham gia đầu tư vào phát triển nông nghiệp; hỗ trợ triển khai các mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ; hỗ trợ triển khai các mô hình tưới tiết kiệm, làm nhà lưới, nhà màng sản xuất nông nghiệp cao; hỗ trợ tem mác truy suất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu sản phẩm; xây dựng và hỗ trợ chứng nhận các mô hình nông nghiệp an toàn; quản lý, cấp mã số vùng trồng xuất khẩu... Đến nay, toàn tỉnh có 236 chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản an toàn; gần 4.000 ha cây trồng áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP và các tiêu chuẩn tương đương; 4.840 ha cây ăn quả được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu, với 24 sản phẩm nông sản được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ; xây dựng được 83 sản phẩm OCOP cấp tỉnh...
Mục tiêu đến năm 2030, tỉnh Sơn La xây dựng 1 khu, 20 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, với trên 13.000 ha cây trồng áp dụng quy trình sản xuất VietGAP, GlobalGAP và các tiêu chuẩn tương đương; duy trì bền vững các sản phẩm nông sản gắn với các sản phẩm OCOP cấp tỉnh... Hiện thực hóa mục tiêu này, Sơn La đang tiếp tục thu hút đầu tư các dự án khu ứng dụng công nghệ cao; khuyến khích và hỗ trợ các hoạt động phổ biến, chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản; nghiên cứu và phát triển công nghệ dựa trên tình hình sản xuất thực tiễn để nâng cao chất lượng sản phẩm, giá trị nông sản, tăng khả năng cạnh tranh, tạo hướng đi bền vững cho ngành nông nghiệp.
Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/doi-moi-tu-duy-trong-san-xuat-nong-nghiep-51190