Đổi mới tư duy về thể chế kinh tế thị trường bảo đảm hiệu quả chính sách tái cơ cấu đầu tư công ở Việt Nam
PGS. TS. NGUYỄN HỮU ĐỔNG (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) và ThS. NGUYỄN THÀNH TRUNG (Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam)
TÓM TẮT:
Tư duy về thể chế kinh tế thị trường bảo đảm hiệu quả chính sách tái cơ cấu đầu tư công là khái niệm biểu hiện thực chất đội ngũ cán bộ (công chức, viên chức, đại biểu dân cử) trong chính quyền biết nhận thức, xây dựng, thực hiện pháp luật về kinh tế; biết xác định nguyên tắc cơ cấu lại đầu tư công nhằm bảo đảm phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của các doanh nghiệp hoạt động công ích, tư nhân và cổ phần. Bài viết tập trung phân tích tính chất, bản chất, thực chất và thực trạng hạn chế nhận thức khái niệm này của đội ngũ cán bộ. Đồng thời, khuyến nghị một số giải pháp đổi mới tư duy về pháp luật, thể chế và hiệu quả chính sách tái cơ cấu đầu tư công trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam hiện nay.
Từ khóa: Đổi mới, tư duy, thể chế, kinh tế thị trường, hiệu quả, chính sách tái cơ cấu đầu tư công.
1. Thực chất khái niệm, mối liên hệ giữa tư duy, thể chế, kinh tế thị trường, hiệu quả chính sách tái cơ cấu đầu tư công 1.1. Thực chất khái niệm tư duy, thể chế, kinh tế thị trường, bảo đảm hiệu quả chính sách tái cơ cấu đầu tư công
Tư duy là khái niệm biểu hiện hoạt động trí tuệ của con người. Tư duy được các nhà khoa học nhìn nhận là “giai đoạn cao của quá trình nhận thức, đi sâu vào bản chất và phát hiện ra tính quy luật của sự vật bằng những hình thức như biểu tượng, khái niệm, phán đoán và suy lí”1. Theo đó, tư duy bao gồm các mặt tính chất mục tiêu (hình thức), bản chất phương pháp (nội dung) và thực chất nguyên tắc (nguyên lý) tư duy theo mô hình cấu trúc như sau: Bản chất (phương pháp tư duy); Thực chất (nguyên tắc tư duy); Tính chất (mục tiêu tư duy). Tức là, tư duy có thể được nhìn nhận là khái niệm biểu hiện hệ thống tri thức học thuật về mối liên hệ theo quy luật, hiện thực khách quan giữa tính chất mục tiêu, bản chất phương pháp, thực chất nguyên tắc nhận thức các sự vật, hiện tượng tồn tại trong thế giới tự nhiên và xã hội.
Thể chế là khái niệm gồm có các từ “thể” và “chế”. Từ chế là nói về tính chất “tổ chức chính trị, kinh tế” của “chế độ”2; từ thể là nói về bản chất hoạt động của xã hội. Giữa thể và chế là tồn tại thực chất tổ chức hoạt động của chế độ xã hội nhằm bảo đảm phát triển con người, xã hội, quốc gia. Trong Từ điển Tiếng Việt, thể chế được các nhà ngôn ngữ học nhìn nhận là “những quy định, luật lệ của một chế độ xã hội, buộc mọi người phải tuân theo”3. Các nhà khoa học - xã hội trên thế giới nhìn nhận khái niệm thể chế là “những nguyên tắc xác định mối quan hệ giữa xã hội và các thành viên trong xã hội”4. Từ các định nghĩa này cho thấy, thể chế là gắn liền với pháp luật (hiến pháp, các đạo luật), nhằm bảo đảm các “quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”5 của nhân dân. Tức là, thể chế có thể được nhìn nhận là khái niệm biểu hiện thực chất các cơ quan lập pháp (Quốc hội), hành pháp (Chính phủ), tư pháp (Tòa án, Viện công tố hay Viện kiểm sát tối cao) của “Nhà nước” (the State) hay “chính quyền dân sự của một nước”6 xây dựng, thực hiện pháp luật bảo đảm đạt được các mục tiêu chính sách phát triển con người, xã hội và quốc gia.
Khái niệm kinh tế được các nhà khoa học nhìn nhận là: “Tổng thể những hoạt động của con người nhằm thỏa mãn nhu cầu vật chất”, hay “có tác dụng mang lại hiệu quả tương đối lớn so với sức người, sức của và thời gian tương đối ít bỏ ra”7. Tức là, kinh tế có thể được nhìn nhận là khái niệm biểu hiện thực chất hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của các doanh nghiệp nhằm thỏa mãn nhu cầu vật chất. Kinh tế có thể được biểu thị theo mô hình cấu trúc như sau: Bản chất kinh tế (kinh doanh); Thực chất kinh tế (sản xuất, kinh doanh, dịch vụ); Tính chất kinh tế (sản xuất). Kinh tế gắn với “thị trường”, hình thành nên “kinh tế thị trường” - khái niệm biểu hiện thực chất của “lĩnh vực lưu thông hàng hóa”, nơi sản xuất “hoàn toàn theo yêu cầu của thị trường”8. Kinh tế thị trường có đặc trưng là gắn với hàng hóa, trong đó có hàng hóa sức lao động, tức gắn với “giá thành” (bản chất), “giá cả” (tính chất), “giá trị” (thực chất) của hàng hóa. Do vậy, kinh tế thị trường là gắn liền với “hiệu quả” (phát triển) sử dụng “nhân lực” (sức lao động), “tài lực” (tiền vốn), “vật lực” (tài nguyên), bảo đảm tiết kiệm, thỏa mãn nhu cầu vật chất của cộng đồng xã hội. Nghĩa là, quốc gia không có kinh tế thị trường vì mục tiêu cộng đồng xã hội thì không thể phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.
Thể chế gắn liền với kinh tế thị trường, hình thành nên các thể chế trong nền kinh tế thị trường. Thể chế liên quan chặt chẽ với pháp luật. Trong quốc gia, thể chế kinh tế thị trường giữ vai trò nền tảng, tạo cơ sở cho sự phát triển. Nó có thể được nhìn nhận là khái niệm biểu hiện thực chất công chức, viên chức, đại biểu dân cử trong các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp xây dựng, thực hiện pháp luật kinh tế bảo đảm đạt được các mục tiêu chính sách phát triển, tức đảm bảo sự cân đối, cân bằng, hài hòa về sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của các doanh nghiệp hoạt động công ích, tư nhân và cổ phần. Mô hình cấu trúc của thể chế kinh tế thị trường có thể được biểu thị như sau: Thể chế kinh tế (bản chất kinh doanh; cơ quan hành pháp thực hiện pháp luật, các mục tiêu chính sách phát triển); Thể chế kinh tế thị trường (thực chất sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp xây dựng, thực hiện pháp luật bảo đảm đạt được các mục tiêu chính sách phát triển); Kinh tế thị trường (tính chất sản xuất; cơ quan lập pháp xây dựng pháp luật, các mục tiêu chính sách phát triển). Khái niệm hiệu quả được các nhà khoa học xã hội nhìn nhận là “kết quả như yêu cầu của việc làm mang lại”9. Tức là, quốc gia phát triển trong điều kiện có thể chế kinh tế thị trường, về thực chất, đã bảo đảm nguyên tắc đạt được hiệu quả chính sách tái cơ cấu đầu tư công.
1.2. Mối liên hệ giữa tư duy, thể chế kinh tế thị trường, bảo đảm hiệu quả chính sách tái cơ cấu đầu tư công
Tư duy, thể chế kinh tế thị trường, bảo đảm hiệu quả chính sách tái cơ cấu đầu tư công có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, hình thành nên tư duy về thể chế kinh tế thị trường bảo đảm hiệu quả chính sách tái cơ cấu đầu tư công. Trong mối liên hệ giữa chúng, tư duy về kinh tế thị trường là nói về xây dựng pháp luật kinh tế, mục tiêu chính sách tái cơ cấu đầu tư công; tư duy về thể chế kinh tế là nói về thực hiện pháp luật kinh tế, mục tiêu chính sách tái cơ cấu đầu tư công; còn tư duy về thể chế kinh tế thị trường là nói về xây dựng, thực hiện pháp luật kinh tế bảo đảm hiệu quả mục tiêu chính sách tái cơ cấu đầu tư công.
Mô hình cấu trúc về mối liên hệ giữa chúng có thể được biểu thị như sau: Tư duy về thể chế kinh tế (thực hiện pháp luật kinh tế, mục tiêu chính sách tái cơ cấu đầu tư công); Tư duy về thể chế kinh tế thị trường (xây dựng, thực hiện pháp luật kinh tế bảo đảm hiệu quả mục tiêu chính sách tái cơ cấu đầu tư công); Tư duy về kinh tế thị trường (xây dựng pháp luật kinh tế, mục tiêu chính sách tái cơ cấu đầu tư công). Có thể hiểu, tư duy về thể chế kinh tế thị trường bảo đảm hiệu quả chính sách tái cơ cấu đầu tư công là khái niệm biểu hiện thực chất đội ngũ cán bộ (công chức, viên chức, đại biểu dân cử) trong chính quyền biết nhận thức, xây dựng, thực hiện pháp luật kinh tế, xác định cơ cấu lại đầu tư công bảo đảm phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của các doanh nghiệp hoạt động công ích, tư nhân và cổ phần.
Những khái niệm này được nhìn nhận là cơ sở lý luận, thực tiễn quan trọng để bảo đảm đạt được các mục tiêu, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia.
2. Tư duy về thể chế kinh tế thị trường bảo đảm hiệu quả chính sách tái cơ cấu đầu tư công ở Việt Nam hiện nay - Thực trạng, hạn chế và giải pháp khắc phục 2.1. Thực trạng hạn chế tư duy về thể chế kinh tế thị trường bảo đảm hiệu quả chính sách tái cơ cấu đầu tư công
Ở Việt Nam hiện nay, đội ngũ cán bộ (công chức, viên chức, đại biểu dân cử) trong chính quyền Trung ương (Quốc hội, Chính phủ, Tòa án, Viện Kiểm sát tối cao) và chính quyền địa phương vẫn chưa nhận thức rõ ràng về khái niệm thể chế nói chung, thể chế kinh tế thị trường bảo đảm hiệu quả chính sách tái cơ cấu đầu tư công nói riêng. Các hạn chế này đã được Đảng nêu ra trong Văn kiện Đại hội XII như sau: “Hoàn thiện thể chế kinh tế còn chậm… thực thi thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa còn hạn chế, chưa tạo được đột phá lớn trong huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực phát triển”10; “nhận thức về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa còn chưa đủ rõ, nhất là về kinh tế nhà nước, doanh nghiệp nhà nước, kinh tế tập thể”11; “trình độ, năng lực nội tại của nền kinh tế và năng lực xây dựng, thực thi thể chế kinh tế còn nhiều bất cập”12; “nợ công tăng nhanh. Tình trạng đầu tư công dàn trải, thất thoát, lãng phí chậm được khắc phục. Việc xây dựng và thực hiện đề án cơ cấu lại tổng thể nền kinh tế thiếu đồng bộ, chưa thật sự gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng…, chưa gắn với phát triển kinh tế tri thức”13; “thị trường lao động và thị trường dịch vụ công cơ cấu chưa hợp lý… Hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước chưa cao, kỷ luật, kỷ cương không nghiêm; Nhà nước còn can thiệp trực tiếp, quá lớn trong nền kinh tế”14. Những hạn chế nhận thức, tư duy về thể chế, thể chế kinh tế thị trường bảo đảm hiệu quả chính sách tái cơ cấu đầu tư công là một trong các nguyên nhân dẫn tới hiệu quả hoạt động của nhiều DNNN “chưa tương xứng với nguồn lực”15; doanh nghiệp tư nhân “ngày càng nhỏ”, “chậm lớn”16; kinh tế tăng trưởng thiếu chất lượng do môi trường bị ô nhiễm nặng nề; đất nước phát triển chậm, thiếu bền vững giai đoạn hiện nay.
2.2. Một số giải pháp khắc phục
Từ thực trạng hạn chế được nêu ra ở trên cho thấy, để bảo đảm hiệu quả chính sách tái cơ cấu đầu tư công trong nền kinh tế thị trường như tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết số 27/NQ-CP ngày 21/02/2017 của Chính phủ đã xác định, theo nhóm tác giả, cần phải thực hiện một số giải pháp đổi mới tư duy về pháp luật, thể chế và hiệu quả chính sách tái cơ cấu đầu tư công trong nền kinh tế thị trường như sau:
Một là, đổi mới tư duy về pháp luật trong nền kinh tế thị trường.
Nhiều năm nay, đội ngũ cán bộ nói chung và các nhà khoa học xã hội nói riêng chủ yếu nhận thức, tư duy về xây dựng pháp luật, mục tiêu chính sách, chứ ít quan tâm tới phương pháp, nguyên tắc thực hiện pháp luật, mục tiêu chính sách phát triển.
Về thực chất, pháp luật là gắn liền với mục tiêu chính sách phát triển kinh tế, văn hóa nói riêng, phát triển đất nước nói chung. Sinh thời, Hồ Chí Minh từng nêu rõ rằng: “Trên thế giới, mọi cái đều luôn xoay vần, phát triển, cái gì cũ thì chết đi, cái gì mới thì lớn lên. Luật phát triển ấy rất rõ ràng”17. Mô hình cấu trúc mối liên hệ giữa xây dựng, thực hiện pháp luật, mục tiêu chính sách phát triển có thể được biểu thị như sau: Bản chất thực hiện pháp luật, mục tiêu chính sách phát triển; Thực chất xây dựng, thực hiện pháp luật, mục tiêu chính sách phát triển; Tính chất xây dựng pháp luật, mục tiêu chính sách phát triển. Chính vì không nhận thức rõ mối liên hệ theo quy luật, hiện thực khách quan giữa bản chất, thực chất, tính chất của xây dựng, thực hiện pháp luật, mục tiêu chính sách phát triển trong mô hình cấu trúc nêu trên nên đã làm cho đội ngũ cán bộ, nhà khoa học không nhận thức rõ tính chất pháp luật (mục tiêu chính sách phát triển), bản chất luật pháp (phương pháp thực hiện mục tiêu chính sách phát triển), và thực chất pháp quyền (nguyên tắc bảo đảm đạt được mục tiêu chính sách phát triển). Do vậy, đổi mới tư duy về pháp luật trong nền kinh tế thị trường tức là cần phải trang bị cho đội ngũ cán bộ, các nhà khoa học biết phân biệt, nhận thức rõ tính chất pháp luật (mục tiêu của pháp luật), bản chất luật pháp (thực hiện mục tiêu của pháp luật), thực chất pháp quyền (bảo đảm đạt được mục tiêu của pháp luật) trong quá trình phát triển con người, xã hội và quốc gia.
Hai là, đổi mới tư duy về thể chế trong nền kinh tế thị trường.
Kể từ khi bắt đầu công cuộc đổi mới đến nay, đội ngũ cán bộ nói chung và các nhà khoa học - xã hội nói riêng chủ yếu chỉ quan tâm đến nhận thức, tư duy về mục tiêu phát triển của thể chế, chứ ít quan tâm đến phương pháp thực hiện, nguyên tắc bảo đảm đạt được các mục tiêu phát triển của thể chế trong nền kinh tế thị trường. Đồng thời, nhiều cán bộ chưa phân biệt rõ tính chất “thể chế kinh tế”, bản chất “thể chế văn hóa”18 và thực chất “thể chế chính trị” trong nền “kinh tế thị trường xã hội”19 của quốc gia. Về thực chất, khái niệm thể chế trong nền kinh tế thị trường xã hội của quốc gia được biểu thị theo mô hình cấu trúc như sau: Thể chế văn hóa (Bản chất pháp luật về văn hóa: Phát triển văn hóa); Thể chế chính trị (Thực chất pháp luật về chính trị: Phát triển đất nước); Thể chế kinh tế (Tính chất pháp luật về kinh tế: Phát triển kinh tế). Từ mô hình cấu trúc này cho thấy, thể chế là gắn với phát triển trong kinh tế thị trường xã hội. Thể chế trong nền kinh tế thị trường xã hội của quốc gia là khái niệm biểu hiện hệ thống tri thức học thuật về mối liên hệ theo quy luật, hiện thực khách quan giữa bản chất, thực chất, tính chất của các thể chế văn hóa, chính trị và kinh tế. Chính vì không nhận thức được mối liên hệ theo quy luật, hiện thực khách quan của thể chế chính trị, kinh tế, văn hóa trong mô hình cấu trúc nêu trên nên đã làm cho đội ngũ cán bộ, nhà khoa học không nhận thức đúng đắn, phân biệt rõ các hình thức thể chế. Do vậy, đổi mới tư duy về thể chế trong nền kinh tế thị trường tức là cần phải trang bị cho đội ngũ cán bộ, các nhà khoa học biết phân biệt giữa khái niệm kinh tế thị trường tư bản và kinh tế thị trường xã hội; nhận thức rõ tính chất thể chế kinh tế, bản chất thể chế văn hóa, thực chất thể chế chính trị trong quốc gia. Đổi mới tư duy như vậy là cơ sở để thực hiện yêu cầu “bảo đảm tính đồng bộ giữa thể chế kinh tế và thể chế chính trị” trong quá trình phát triển “kinh tế thị trường hiện đại”20, nhằm bảo đảm đạt được hiệu quả chính sách tái cơ cấu đầu tư công, hướng tới mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” ở Việt Nam.
Ba là, đổi mới tư duy về hiệu quả chính sách tái cơ cấu đầu tư công trong nền kinh tế thị trường.
Hiện nay, đội ngũ cán bộ nói chung và các nhà khoa học nói riêng chủ yếu chỉ chú trọng tới phương pháp chứ ít chú trọng tới nguyên tắc thực hiện, bảo đảm hiệu quả chính sách tái cơ cấu đầu tư công - khái niệm nói về xây dựng, thực hiện mục tiêu chính sách cơ cấu đầu tư công của Quốc hội, Chính phủ, Tòa án, Viện Kiểm sát tối cao, cộng đồng xã hội trong nền kinh tế thị trường. Mô hình cấu trúc về mối liên hệ giữa phương pháp thực hiện, nguyên tắc bảo đảm hiệu quả chính sách tái cơ cấu đầu tư công có thể được biểu thị theo mô hình cấu trúc như sau: Chính phủ đề ra phương pháp thực hiện chính sách tái cơ cấu đầu tư công - Quốc hội, Chính phủ, Tòa án, Viện Kiểm sát tối cao, cộng đồng xã hội xác định nguyên tắc thực hiện bảo đảm hiệu quả chính sách tái cơ cấu đầu tư công - Quốc hội xây dựng chính sách tái cơ cấu đầu tư công. Theo đó, hiệu quả chính sách tái cơ cấu đầu tư công trong nền kinh tế thị trường có thể được nhìn nhận là khái niệm biểu hiện hệ thống tri thức học thuật về mối liên hệ giữa việc đề ra phương pháp, xác định nguyên tắc thực hiện chính sách cơ cấu lại đầu tư công bảo đảm phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của các doanh nghiệp hoạt động công ích, tư nhân và cổ phần. Do vậy, đổi mới tư duy về hiệu quả chính sách tái cơ cấu đầu tư công trong nền kinh tế thị trường cần phải trang bị cho đội ngũ cán bộ, các nhà khoa học cách tư duy về phương pháp, nguyên tắc thực hiện chính sách cơ cấu lại đầu tư công bảo đảm phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của các doanh nghiệp hoạt động công ích, tư nhân và cổ phần. Xây dựng, thực hiện bảo đảm hiệu quả chính sách tái cơ cấu đầu tư công là bao gồm Quốc hội, Chính phủ, Tòa án, Viện Kiểm sát tối cao, các cá nhân, tổ chức xã hội, doanh nghiệp, tôn giáo, dân tộc trong quốc gia. Đổi mới tư duy về hiệu quả chính sách tái cơ cấu đầu tư công như vậy là cơ sở để đội ngũ cán bộ nói chung, nhà khoa học nói riêng ở Việt Nam nhận thức đúng đắn thực chất của chính sách đầu tư công, tái cơ cấu đầu tư công; biết phân biệt rõ mối liên hệ giữa chính sách tái cơ cấu đầu tư công (mục tiêu), thực hiện chính sách (phương pháp) và đánh giá hiệu quả chính sách (nguyên tắc) tái cơ cấu đầu tư công trong nền kinh tế thị trường xã hội ở Việt Nam.
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:
1,2,3,4,7,8,9. Viện Ngôn ngữ học, Từ điển Tiếng Việt (2005), Nxb Đà Nẵng - Trung tâm Từ điển học, Hà Nội - Đà Nẵng, tr. 1070, 149, 932, 932, 530, 530, 440
CD-ROM Hồ Chí Minh (2013), Toàn tập, Xuất bản lần thứ ba, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, t. 4, tr. 1.
Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn quốc gia (1993), Viện Ngôn ngữ học, Từ điển Anh-Việt, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 1719.
10, 11, 12,13,14,20. Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị Quốc gia - ST, Hà Nội, tr. 98-99, 101, 102, 85, 100, 104.
Hà Vũ (2019), Vì sao hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước chưa tương xứng với nguồn lực? <http://vneconomy.vn/vi-sao-hieu-qua-cua-doanh-nghiep-nha-nuoc-chua-tuong-xung-voi-nguon-luc-20191118091522822.htm>
Trần Thủy (2019), 30 năm chậm lớn, DN tư nhân Việt bé nhỏ nhất Đông Nam Á. <https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/dau-tu/30-nam-qua-dn-tu-nhan-viet-nam-nho-be-va-yeu-the-603096.html>
CD-ROM Hồ Chí Minh (2013), Sđd, t. 6, tr. 281-282.
Nguyễn Hữu Đổng (2016), Văn hóa chính trị. <http://lyluanchinhtri.vn/home/index.php/bai-noi-bat/item/1736-van-hoa-chinh-tri.html>
Tôn Thất Thông (2017), Kinh tế thị trường xã hội - Bệ phóng của nước Đức phát triển.<https://www.thesaigontimes.vn/160185/Kinh-te-thi-truong-xa-hoi---be-phong-cua-nuoc-Duc-phat-trien.html>
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
Nguyễn Lê (2018), Sửa Luật Đầu tư công: Không cẩn thận còn rối hơn! <http://vneconomy.vn/sua-luat-dau-tu-cong-khong-can-than-con-roi-hon-20180920105223316.htm>
VTC News (2019), Sự hoang tàn bên trong dự án 8.100 tỉ đồng của Công ty Gang thép Thái Nguyên. <https://vtc.vn/su-hoang-tan-ben-trong-du-an-8100-ti-dong-cua-cong-ty-gang-thep-thai-nguyen-d458496.html>
Nguyễn Hữu Đổng (2018), Đổi mới tư duy nghiên cứu khoa học xã hội ở Việt Nam hiện nay. <http://lyluanchinhtri.vn/home/index.php/dien-dan/item/2651-doi-moi-tu-duy-nghien-cuu-khoa-hoc-xa-hoi-o-viet-nam-hien-nay.html>
Nguyễn Hữu Đổng (2016), Một khái niệm chưa thật khoa học cả nội dung lẫn học thuật. <https://www.thesaigontimes.vn/142948/Mot-khai-niem-chua-that-khoa-hoc-ca-noi-dung-lan-hoc-thuat.html>
Nguyễn Hữu Đổng (2018), Xây dựng chính sách quốc gia kiến tạo phát triển bền vững ở Việt Nam <tcnn.vn/news/detail/39680/Xay_dung_chinh_sach_quoc_gia_kien_tao_phat_trien_ben_vung_o_Viet_Namall.html>
H. Vũ (2019), Nâng cao chất lượng tăng trưởng. <http://daidoanket.vn/kinh-te/nang-cao-chat-luong-tang-truong-tintuc449123>
Nguyễn Hữu Đổng, Nguyễn Thành Trung (2019), Nhận thức khái niệm tăng trưởng, phát triển kinh tế và chính sách tái cơ cấu đầu tư công ở Việt Nam, Tạp chí Công Thương, số 17 - tháng 9/2019, tr. 108-114.
RENOVATING THINKING ABOUT THE MARKET ECONOMY INSTITUTION
TO ENSURE EFFECTIVE PUBLIC INVESTMENT RESTRUCTURING POLICIES
IN VIETNAM
Assoc.Prof. Ph.D NGUYEN HUU DONG
Ho Chi Minh National Academy of Politics
Master. NGUYEN THANH TRUNG
Central Inspection Commission of the Communist Party of Vietnam
ABSTRACT:
Thinking about the market economy institution to ensure effective public investment restructuring policies is expressed under the awareness of officials including public servant, cadres and elected representatives of making, formulating and enforcing economic laws, and determining the principles of public investment restructuring policies to ensure production, business and service development of public-interest, private and joint-stock enterprises. This paper focuses on analyzing the nature and the status quo of officials’ awareness of public investment restructuring policies, thereby proposing a number of solutions to renovate the thinking of officials about laws, institutions and effective policies on public investment restructuring amid the current market economy of Vietnam.
Keywords: Innovation, thinking, institutions, market economy, efficiency, public investment restructuring policies.