Đổi mới từ mô hình lớp học đảo ngược
Thực hiện Chương trình GDPT 2018, Sở GD&ĐT Hải Phòng tích cực chỉ đạo các đơn vị giáo dục tổ chức nhiều chuyên đề các cấp.
Qua các tiết lên lớp minh họa, cán bộ chuyên môn có cơ hội trao đổi, chia sẻ và cùng nhau rút kinh nghiệm để đưa ra những phương pháp dạy học phù hợp giúp học sinh phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực.
“Cái hay” của lớp học đảo ngược
Thầy Tạ Xuân Hòa - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Quyền (quận lê Chân, TP Hải Phòng) chia sẻ, trong quá trình giảng dạy, việc tìm tòi phương pháp, kĩ thuật dạy học mới để đạt mục tiêu bài dạy nói riêng, mục tiêu của chương trình nói chung luôn là một việc làm tất yếu, thường xuyên và liên tục của mỗi giáo viên cũng như của tổ nhóm chuyên môn trong các nhà trường.
Năm học 2022 - 2023, Chương trình GDPT 2018 được chính thức triển khai. Có sự thay đổi lớn đối với mỗi người thầy khi việc chuyển từ giảng dạy kiến thức sang việc phát triển phẩm chất năng lực của người học dẫn đến thay đổi trong chương trình, sách giáo khoa đến việc kiểm tra đánh giá.
Trong bối cảnh các kỳ thi ĐGNL chuyên biệt của các trường ĐH đã trở thành xu thế tuyển sinh chủ yếu. Đề án tuyển sinh riêng của các trường đều đa dạng nhiều phương thức…
Cấu trúc định dạng đề thi, đề minh họa của Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 theo định hướng đánh giá năng lực, các câu hỏi trong đề minh họa gắn với các bối cảnh có ý nghĩa đến đời sống, thực tiễn, khoa học...
Ngoài ra, cùng với sự phát triển của xã hội việc dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền thông đa phương tiện và sử dụng CNTT trở thành một điều tất yếu.
Để đáp ứng được những yêu cầu đó thì Ban Giám hiệu Trường THPT Ngô Quyền đã chỉ đạo tổ chuyên môn tiến hành nghiên cứu học tập để đổi mới phương pháp dạy học. Quan điểm chỉ đạo chung là bám sát vào mục tiêu môn học, mục tiêu của chương trình đây là điều cốt lõi không thay đổi. Phương pháp, kĩ thuật dạy học là phương tiện, cách thức do đó cần phải tìm tòi, cải tiến, lựa chọn phù hợp với học sinh để đạt được mục đích đề ra.
Nhà trường đã được tiếp cận với nhiều công trình nghiên cứu về phương pháp, kĩ thuật dạy học mới có hiệu quả, theo hướng phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất cho người học. Trong đó có một số phương pháp mới đã được áp dụng rất hiệu quả là mô hình dạy học đảo ngược.
Lớp học đảo ngược là mô hình học tập ngược lại với lớp học truyền thống. Trong mô hình học tập mới mẻ này, học sinh sẽ học bài trước khi lên lớp thông qua các tài liệu, video quay sẵn, các cuộc hội thảo trực tuyến, chủ đề thảo luận hay các câu hỏi chuẩn bị… Khi đến lớp, học sinh đặt các câu hỏi thắc mắc để giáo viên giải đáp. Người học cùng thảo luận nhóm, làm bài tập… để đạt được mục tiêu hiểu sâu, mở rộng kiến thức hơn.
Mô hình này đã được áp dụng 2 năm qua ở bộ môn Sinh và cũng gặt hái được những thành quả ban đầu đáng khích lệ. Ở bộ môn Toán mô hình này đã được thực hiện một phần.
Thấy được hiệu quả, từ năm học 2024 - 2025, Trường THPT Ngô Quyền quyết tâm thực hiện một cách bài bản, chuẩn hóa ở một số lớp của các giáo viên trẻ và cũng cho kết quả khả quan. Giáo viên cải tiến quy trình thiết kế kế hoạch bài dạy và tổ chức dạy học theo mô hình lớp học đảo ngược phù hợp với bộ môn.
Để chia sẻ kinh nghiệm và lan tỏa phương pháp giáo dục hiệu quả, Trường THPT Ngô Quyền đã tổ chức chuyên đề cấp thành phố với 2 tiết minh họa của môn Toán và Sinh học.
Bên cạnh đó, toàn bộ video bài giảng, bộ câu hỏi đánh giá năng lực với đủ 3 định dạng và 4 mức độ nhận thức của chương 1 hàm số lượng giác và phương trình lượng giác Toán 11 và Cấu trúc tế bào Sinh 10, Tiến hóa Sinh học 12, Trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng ở thực vật Sinh học 11 của môn Sinh, nhà trường đã gửi đến giáo viên chuyên môn toàn thành phố để tham khảo, đánh giá và rút kinh nghiệm.
Trường THPT Lương Thế Vinh (quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng) là trường ngoài công lập tiên phong trong đổi mới với nhiều mô hình giáo dục hay như: Lớp học thông minh; lớp học trực tiếp, kết hợp trực tuyến. Theo cô Hiệu trưởng Hồ Thị Dinh, quá trình nghiên cứu các phương pháp giáo dục mới, nhà trường nhận thấy mô hình lớp học đảo ngược rất thú vị và mang lại hiệu quả học tập tốt. Đây cũng là một trong những phương pháp giáo dục hiện đại trong trường học số được nhà trường triển khai linh hoạt ở các bộ môn và trong các thời điểm.
Cô Dinh cho rằng, mô hình lớp học đảo ngược là mô hình tối ưu của giáo dục hiện đại bởi nó phát huy được năng lực tự học, tính chủ động, sáng tạo của học sinh trong việc tiếp thu kiến thức cũng như phát triển các kĩ năng thông qua thảo luận, hợp tác nhóm để hoàn thành dự án dưới sự hướng dẫn của giáo viên.
Cần lan tỏa rộng rãi
Tại chuyên đề cấp thành phố vận dụng mô hình “lớp học đảo ngược” của Trường THPT Ngô Quyền, cán bộ quản lý, giáo viên các trường THPT trên địa bàn Hải Phòng được học tập mô hình giáo dục mới và rút kinh nghiệm triển khai trong nhà trường.
Theo thầy Nguyễn Hoàng Long, giáo viên Trường THPT Ngô Quyền, để thực hiện tiết học này, học sinh được giao nhiệm vụ, học bài trước khi lên lớp. Khi đến lớp, trên cơ sở tiếp nhận những thông tin, bài học đã được học ở nhà, các em đặt câu hỏi để giáo viên giải đáp và cùng thảo luận nhóm, làm bài tập để hiểu sâu, mở rộng kiến thức hơn.
Thầy Long đánh giá, so với phương pháp dạy truyền thống, điểm khác biệt lớn nhất là học sinh trở thành trung tâm của quá trình học, không còn thụ động tiếp thu thông tin từ giáo viên mà trở thành người tìm kiếm, phân tích và chia sẻ kiến thức cùng bạn bè trong môi trường học tích cực. Giáo viên không bó buộc trong chương trình giảng dạy nên phát huy tính sáng tạo, hấp dẫn, hiệu quả cho tiết học.
Thầy Phạm Hoàng Hưng, Hiệu trưởng Trường THPT Hồng Bàng chia sẻ, để đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá, trước tiên, người thầy phải đổi mới về tư duy, nhận thức. Trong xu hướng phát triển của giáo dục hiện đại, vai trò của người thầy rất quan trọng. Người thầy là người mở đường, tích cực đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá để các tiết dạy học hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, theo cô Hồ Thị Dinh, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh, quá trình thực hiện còn gặp một số khó khăn nhất định do kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin của một số giáo viên còn hạn chế, dẫn đến ứng dụng công nghệ vào dạy học chưa hiệu quả. Bên cạnh đó, tâm lý ngại đổi mới của một số cán bộ quản lý và giáo viên cũng như điều kiện trang thiết bị của học sinh tại gia đình, chi phí đầu tư cho cơ sở vật chất, trang thiết bị của các phòng học thông minh, hiện đại không phải trường nào cũng đáp ứng được.
Ông Phạm Quốc Hiệu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng cho biết: Sở cũng tích cực chỉ đạo Phòng GD&ĐT các quận, huyện, nhà trường tổ chức hội thảo, chuyên đề. Đây là các hoạt động bồi dưỡng chuyên môn với mục tiêu giúp cán bộ quản lý, giáo viên các nhà trường có cơ hội học tập, chia sẻ, trao đổi chuyên môn, kinh nghiệm trong công tác giảng dạy. Từ đó rút ra được cách làm hay, hiệu quả, phù hợp đội ngũ giáo viên và học sinh nhà trường để nâng cao hiệu quả giáo dục.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/doi-moi-tu-mo-hinh-lop-hoc-dao-nguoc-post718130.html