ĐỔI MỚI VÀ ĐẨY MẠNH GIÁM SÁT, NÂNG CAO HIỆU LỰC, HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA QUỐC HỘI

Bàn về hoạt động giám sát của Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định năm 2022 tiếp tục 'đổi mới và đẩy mạnh giám sát là khâu trọng tâm, then chốt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội'.

PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN KHẮC ĐỊNH THĂM, CHÚC TẾT NGUYÊN PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN VĂN YỂU

Bàn về hoạt động giám sát của Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, cùng với nhiệm vụ xây dựng pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội góp phần quan trọng vào việc tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, khắc phục các tồn tại, hạn chế trong khâu tổ chức thực hiện. Vì vậy, Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định năm 2022 tiếp tục “đổi mới và đẩy mạnh giám sát là khâu trọng tâm, then chốt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội”.

Có thể thấy rõ điều đó trong việc lựa chọn chuyên đề và kết quả giám sát chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022 về việc chấp hành chính sách, pháp luật trong các lĩnh vực quy hoạch, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã và công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề về công tác quy hoạch đã chỉ ra nhiều bất cập, vướng mắc trong thực hiện Luật Quy hoạch và nguyên nhân, từ đó kiến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết số 61/2022/QH15 về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập và nâng cao chất lượng quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định

Tương tự, kết quả giám sát chuyên đề việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2019 - 2021 đã cung cấp thêm cơ sở thực tiễn để Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết số 26/2022/UBTVQH15 sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 về phân loại đô thị; Nghị quyết số 27/2022/UBTVQH15 sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính cũng như phục vụ việc xây dựng, ban hành nghị quyết mới trong thời gian tới, làm cơ sở triển khai thực hiện chủ trương của Đảng về tiếp tục sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2022 - 2030.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, để nâng cao hiệu quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 560/NQ-UBTVQH15 ngày 22/7/2022 hướng dẫn việc tổ chức thực hiện hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội. Trong đó, đã thống nhất về kỳ giám sát, cách thức triển khai hoạt động giám sát, quy trình xử lý văn bản qua giám sát phát hiện có dấu hiệu trái pháp luật, việc tổng hợp, báo cáo kết quả giám sát… Việc tăng cường giám sát trong lĩnh vực này có ý nghĩa quan trọng, bảo đảm các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các nội dung được giao tại luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội được ban hành kịp thời, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, góp phần thiết thực đưa luật vào cuộc sống. Các cơ quan của Quốc hội cũng đẩy mạnh hoạt động giám sát chuyên đề, tổ chức các phiên giải trình để làm rõ các vấn đề đặt ra trong công tác thi hành pháp luật, được cử tri, dư luận quan tâm.

Chia sẻ về kết quả hoạt động lập pháp của Quốc hội trong năm 2022, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, yêu cầu xây dựng, hoàn thiện thể chế đòi hỏi phải rất khẩn trương, nhưng đồng thời phải coi trọng chất lượng, không chạy theo số lượng. Chỉ những dự án luật được chuẩn bị kỹ lưỡng, có căn cứ khoa học, thực tiễn, có cơ sở chính trị, pháp lý và đáp ứng được yêu cầu thực tiễn mới được xem xét, ban hành; dự án luật nào mặc dù cần thiết nhưng chuẩn bị chưa kỹ, còn nhiều ý kiến khác nhau, chưa đạt đồng thuận thì kiên quyết chưa trình Quốc hội thông qua để tiếp tục nghiên cứu, chuẩn bị. Đây chính là bước chuyển biến mạnh mẽ, tinh thần quyết liệt trong hoạt động lập pháp, vừa bảo đảm thực hiện chương trình, kế hoạch hàng năm và nhiệm kỳ, nhưng đặt yêu cầu cao về chất lượng, bảo đảm hiệu quả.

Hội nghị triển khai chương trình giám sát năm 2023

Hội nghị triển khai chương trình giám sát năm 2023

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, tại 3 kỳ họp trong năm 2022, Quốc hội đã thông qua 12 luật, trong đó có những đạo luật rất quan trọng nhằm tiếp tục hoàn thiện đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát huy quyền làm chủ, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, tăng cường cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước, bảo đảm quốc phòng an ninh, như: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ; Luật Dầu khí (sửa đổi); Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi); Luật Thi đua, Khen thưởng (sửa đổi); Luật Thanh tra (sửa đổi); Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở... Quốc hội cũng thông qua nhiều nghị quyết quan trọng hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch, thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của một số địa phương (thành phố Cần Thơ, tỉnh Khánh Hòa, thành phố Buôn Ma Thuột thuộc tỉnh Đắk Lắk)...

Đặc biệt, tại Kỳ họp thứ 4 vừa qua (tháng 10/2022), Quốc hội đã cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) nhằm kịp thời thể chế hóa Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XIII) về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Đây là đạo luật rất quan trọng, tác động toàn diện đến đời sống kinh tế - xã hội, được cử tri và nhân dân rất quan tâm. Chủ tịch Quốc hội chỉ đạo sát sao, nhiều lần làm việc trực tiếp với cơ quan soạn thảo, lắng nghe ý kiến chuyên gia, nhà khoa học. Các cơ quan của Quốc hội vào cuộc từ sớm, phối hợp chặt chẽ ngay từ quá trình soạn thảo để bảo đảm chất lượng nhất dự án Luật trình Quốc hội. Với tính chất quan trọng của dự án luật này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật, sau đó sẽ tiếp thu, hoàn thiện để trình Quốc hội tiếp tục cho ý kiến lần 2 tại Kỳ họp thứ Năm và thông qua tại Kỳ họp thứ Sáu vào cuối năm 2023.

Nhấn mạnh Quốc hội đã quyết liệt tuân thủ chặt chẽ kỷ cương, kỷ luật lập pháp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, quy trình làm luật đã được hoàn thiện qua nhiều nhiệm kỳ của Quốc hội đòi hỏi nghiên cứu, chuẩn bị kỹ lưỡng, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan ngay từ bước đầu sáng kiến lập pháp. Một dự án luật, dù là ban hành lần đầu hay sửa đổi luật hiện hành đều bắt buộc phải qua các bước rà soát, tổng kết, đề xuất chính sách, lấy ý kiến, đánh giá tác động… mới đủ cơ sở để xem xét, đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh…

Minh Hùng

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=72668