Đổi mới và 'đổi ngôi'
35 năm đổi mới giúp Việt Nam từ một nước phải 'chạy gạo' đầu thập niên 1980 trở thành nước có thu nhập trung bình, lọt tốp 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới về thương mại quốc tế. Đổi mới biến nhiều vùng quê nghèo khó thành đô thị công nghiệp, nông dân thành thị dân, hộ nghèo giảm mạnh, tầng lớp trung lưu tăng nhanh… Nhưng quá trình đổi mới cũng dẫn tới cả sự 'đổi ngôi' giữa các địa phương, vùng miền.
Đà Nẵng và khoảng cách xa địa chính trị
Sau ngày đất nước thống nhất, khi nói đến các thành phố lớn ở nước ta, sau TPHCM, Hà Nội, người ta thường gọi tên Đà Nẵng. Nhưng thực tế, có tiếng mà chưa có miếng, xét về quy mô kinh tế (GRDP), vị trí thứ 3 của Đà Nẵng không tồn tại. Ở thời điểm trước khi xảy ra đại dịch Covid-19, GRDP của Đà Nẵng ở mức gần 5 tỉ đô la, chỉ bằng khoảng 7,9% TPHCM, 11% Hà Nội, 40% Hải Phòng, 28,4% Đồng Nai, 29% Bình Dương, 54% Bắc Ninh, 65,4% Quảng Ninh và thấp hơn cả Thanh Hóa, Vĩnh Phúc. Thậm chí GRDP của Đà Nẵng cũng chỉ tương đương 25% thành phố Thủ Đức ở TPHCM.
Hẳn nhiều người thắc mắc vì sao một địa phương luôn là cái tên hàng đầu các danh hiệu “thành phố thông minh”, “chính phủ điện tử”, được cho là năng động nhất khu vực miền Trung, nơi đáng sống ở Việt Nam, tương lai sánh với các đô thị lớn khu vực châu Á, hơn nữa nhiều năm quán quân Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) mà quy mô kinh tế khiêm tốn thế?
Nhưng đó là thực tế, thể hiện không chỉ GRDP mà còn ở kết quả thu hút vốn đầu tư thấp, nhất là vốn FDI (năm 2021 chỉ 150 triệu đô la, chiếm 0,48% trong 31 tỉ đô la của cả nước) cũng như thu hút nhân lực.
Năm 2021, thu ngân sách trên địa bàn Đà Nẵng chỉ hơn 21.000 tỉ đồng so với Hải Phòng hơn 90.000 tỉ đồng, Quảng Ninh hơn 51.000 tỉ đồng, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Thanh Hóa mỗi tỉnh 32.000 tỉ đồng và cả Quảng Nam 23.772 tỉ đồng… chưa kể những địa phương cao hơn nhiều lần như TPHCM, Hà Nội, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương.
Rõ ràng, về mặt kinh tế Đà Nẵng không chỉ thua kém chín tỉnh thành trong tốp 10 mà có khoảng cách xa so với vị thế địa chính trị của chính Đà Nẵng khi luôn được xướng tên sau Hà Nội, TPHCM và trước Hải Phòng? Nguyên nhân đầu tiên là do thu hút đầu tư FDI và trong nước thấp, dẫn đến quy mô công nghiệp nhỏ bé nhất các địa phương trong tốp 10.
Như tỉnh Bình Dương là trung tâm công nghiệp lớn nhờ 4.016 dự án FDI (hơn 37 tỉ đô la) và 48 khu – cụm công nghiệp (KCN); tỉnh Đồng Nai có 35 KCN với diện tích 12.000 héc ta, vốn trên 30 tỉ đô la; tỉnh Vĩnh Phúc vốn FDI đạt gần 8 tỉ đô la, có 14 KCN hay Quảng Ninh riêng năm 2021 thu hút hơn 361.000 tỉ vốn đầu tư tư nhân… Trong khi đó, tổng vốn đầu tư FDI tại Đà Nẵng 25 năm qua chưa bằng riêng năm 2021 của Hải Phòng (5,26 tỉ đô la) và hiện mới chỉ có 6 KCN tập trung…
Một số nguyên nhân tăng trưởng không cao của Đà Nẵng đã được Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ ra trong buổi làm việc với lãnh đạo thành phố vào tháng 12 vừa qua: chưa có nhiều doanh nghiệp lớn, thu hút FDI thấp, chưa có nhiều dự án công nghệ cao, công nghệ nguồn. Thủ tướng chỉ đạo: “Cần đẩy mạnh nghiên cứu, cơ cấu lại nền kinh tế hài hòa, cân đối, phù hợp hơn”.
Mặt khác, dù dịch vụ du lịch được coi là chủ lực nhưng thực tế Đà Nẵng cũng chưa vượt qua Khánh Hòa, Quảng Ninh, Kiên Giang… Cũng có ý kiến rằng những thứ hạng cao chưa được minh chứng bằng kết quả thu hút đầu tư, nhân lực, quy mô kinh tế… cộng với “lối mòn đánh giá cao” mà Đà Nẵng luôn được nhận cũng làm thành phố này “chậm bước”?
Phải chăng, Đà Nẵng đang đứng trước thực tế khó giữ được vị trí thứ 10 trên 63 tỉnh thành về quy mô GRDP khi nhiều tỉnh đứng sau đang vươn lên mạnh mẽ. Đó là Thanh Hóa (với khu kinh tế và lọc hóa dầu Nghi Sơn), Thái Nguyên (trung tâm đầu tư mới của Samsung), Long An (đứng thứ hai toàn quốc về vốn FDI năm 2021), Bắc Giang và Hưng Yên (liên tục có làn sóng đầu tư lớn FDI và trong nước)…
Cũng phải kể đến lợi thế mà hai tỉnh bên cạnh Đà Nẵng đang phát huy mạnh mẽ: Quảng Ngãi (với Khu liên hợp lọc hóa dầu Dung Quất năm 2021 đóng góp 46% tổng thu ngân sách tỉnh và thép Hòa Phát), Quảng Nam (với Khu kinh tế Chu Lai và “ông lớn” Thaco)…
Nhiều địa phương khát vọng chưa thành
Thời bao cấp trước đây, Nam Định là trung tâm công nghiệp dệt may lớn nhất phía Bắc, vị thế chỉ đứng sau Hà Nội, Hải Phòng, không thua kém trung tâm gang thép Thái Nguyên. Thế nhưng hiện nay, khi Nam Định dẫn đầu toàn quốc về xây dựng nông thôn mới thì trớ trêu, lại là tỉnh “nghèo nhất” đồng bằng sông Hồng xét trên tiêu chí thu ngân sách trên địa bàn và GRDP.
Hàng năm tỉnh nổi tiếng về giáo dục này vẫn phải nhận trợ cấp từ Trung ương trên 50% tổng chi ngân sách địa phương. Như năm 2019 trước đại dịch Covid-19, dự toán thu ngân sách Trung ương giao Nam Định chỉ 4.690 tỉ đồng, thấp hơn nhiều hai tỉnh cùng tách ra từ Hà Nam Ninh cũ là Hà Nam (7.716 tỉ đồng), Ninh Bình (9.843 tỉ đồng) và cả Thái Bình kế bên (7.412 tỉ đồng). Năm 2021, dự toán thu của tỉnh Nam Định cũng mới 5.700 tỉ đồng. Con số 5.700 tỉ đồng có lẽ chỉ tương đương lợi nhuận ròng năm 2021 mà hệ thống Thế Giới Di Động của doanh nhân quê Nam Định Nguyễn Đức Tài đạt được?!
Không khó nhận ra nguyên nhân Nam Định trở nên “nghèo nhất” đồng bằng sông Hồng, đó là trong khi các “tỉnh lúa” trong vùng thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, du lịch rần rần thì cơ cấu kinh tế Nam Định vẫn chủ yếu nông nghiệp. Vị thế trung tâm công nghiệp dệt những năm 1960-1980 biến mất do không cạnh tranh được trong cơ chế mới; các ngành, cơ sở công nghiệp khác nhỏ bé, manh mún, năng suất kém và hiệu quả không cao…?
Cũng chưa biết khi nào sẽ không còn phụ thuộc trợ cấp ngân sách từ Trung ương như Nam Định, tỉnh Nghệ An lại nhiều năm còn phải nhận cả gạo hỗ trợ giáp hạt của Chính phủ. Đó là một nghịch lý, bởi Nghệ An vốn hội đủ “rừng vàng, biển bạc”, sân bay quốc tế, ga đường sắt, cảng biển và yếu tố “địa linh nhân kiệt” không mấy nơi sánh bằng mà sao vẫn nghèo.
Với dân số hơn 3,3 triệu người nhưng tổng thu ngân sách trên địa bàn Nghệ An năm 2021 dù tăng khá nhưng mới chạm mức 18.000 tỉ đồng, trong khi đó láng giềng Nghệ An hướng Bắc là Thanh Hóa đang bứt lên với khu kinh tế, Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn, năm 2021 thu ngân sách đạt hơn 32.000 tỉ đồng. Còn láng giềng hướng Nam là Hà Tĩnh cũng lên nhanh nhờ thu hút đầu tư Khu kinh tế Vũng Áng, Thép Formosa, nhà máy pin xe điện 4.000 tỉ đồng của Vingroup… Thực trạng ấy, chưa thể nói chắc khi nào Nghệ An mới hiện thực hóa được “Khát vọng sông Lam” xây dựng Nghệ An thành tỉnh khá nhất như lời Bác Hồ dạy lúc sinh thời!
Tỷ lệ đảo ngược giữa ĐBSCL và TPHCM
Một minh chứng “đổi ngôi” khác là sự đảo ngược tỷ lệ về quy mô kinh tế (GRDP) giữa đầu tàu TPHCM và vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), gồm 13 tỉnh thành. Theo công bố tại hội nghị vùng năm 2021, năm 1990 quy mô kinh tế của TPHCM chỉ bằng hai phần ba của khu vực ĐBSCL nhưng đến nay vị thế đã đảo ngược, GRDP của 13 tỉnh này chưa bằng hai phần ba TPHCM.
Là vùng đồng bằng châu thổ chiếm 12% diện tích, 19% dân số nhưng ĐBSCL đóng góp tới 50% sản lượng lúa, 95% lượng gạo xuất khẩu, 70% sản lượng trái cây, gần 50% sản lượng thủy sản cả nước. Đương nhiên đây cũng là địa bàn cung ứng nguyên liệu chế biến, hàng hóa xuất khẩu, lực lượng lao động và cũng là thị trường tiêu thụ lớn của TPHCM và khu vực Đông Nam bộ.
Tuy nhiên, trái ngược với thế mạnh sản xuất nông sản hàng hóa, ĐBSCL đang là vùng yếu kém nhất nước về hạ tầng giao thông. Sản lượng hàng hóa lớn và liên tục tăng nhưng vì chưa có cảng lớn nên đa phần hàng hóa nông thủy sản phải xuất khẩu qua TPHCM và Bà Rịa – Vũng Tàu, chuyển ra miền Trung, miền Bắc hay xuất sang Trung Quốc bằng đường bộ với chi phí cao. Đó là chưa kể vận tải đường bộ thường xuyên ách tắc do nhiều yếu tố, kể cả “sự nóng lạnh thất thường” của đối tác tiểu ngạch nước ngoài.
Mặt khác, hiện ĐBSCL cũng “trong tình trạng” thấp nhất nước về các chỉ số giáo dục, dạy nghề, còn người trẻ thì phải ly hương tìm việc làm nơi khác… Vì những khó khăn kể trên, đến nay khu vực ĐBSCL chỉ có thành phố Cần Thơ và tỉnh Long An cân đối được ngân sách, có đóng góp (không nhiều) về Trung ương và vào tốp 20 địa phương dẫn đầu thu nhập bình quân đầu người (Cần Thơ thứ 11, Long An thứ 14).
Trong cạnh tranh phát triển, có lẽ “Đổi mới – đổi ngôi” cũng là câu chuyện nhân – quả đương nhiên và đáng quan tâm. Trên bình diện toàn cầu, với quyết tâm tiếp tục đổi mới, cải cách mạnh mẽ, gần 100 triệu người Việt Nam mong muốn sẽ sớm có sự đổi ngôi để Việt Nam trở thành nước công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, thu nhập cao như mục tiêu đang hướng tới.
Nguyễn Văn Hùng
Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/doi-moi-va-doi-ngoi/