Đội mũ đạt chuẩn để đường đến trường an toàn hơn

Từ ngày 1/7, quy định mới bắt buộc trẻ em phải đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn. Phụ huynh vi phạm sẽ bị xử phạt nghiêm nhằm tăng cường bảo vệ an toàn cho trẻ.

Trẻ dễ bị tổn thương nhất khi xảy ra tai nạn

Đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông là biện pháp quan trọng giúp bảo vệ vùng đầu – bộ phận quan trọng nhất của cơ thể con người. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chỉ ra rằng, đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn giúp giảm 6 lần nguy cơ tử vong và 74% nguy cơ chấn thương sọ não. Với trẻ nhỏ, việc bảo vệ phần đầu càng đặc biệt cần thiết để đảm bảo sự phát triển thể chất, tinh thần lâu dài.

Trao tặng mũ bảo hiểm cho học sinh lớp 1 toàn quốc năm học 2024 – 2025.

Trao tặng mũ bảo hiểm cho học sinh lớp 1 toàn quốc năm học 2024 – 2025.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy còn rất nhiều người, nhất là học sinh, thanh thiếu niên vẫn chủ quan, không đội mũ bảo hiểm hoặc sử dụng mũ kém chất lượng khi tham gia giao thông bằng xe máy, xe máy điện hay xe đạp điện.

Tình trạng phụ huynh chở con đi học mà không đội mũ bảo hiểm, hoặc cho đội mũ thời trang không đạt chuẩn vẫn diễn ra phổ biến, nhất là tại các trường mầm non, tiểu học ở Hà Nội.

Tại cổng Trường Tiểu học Láng Thượng (quận Đống Đa, Hà Nội), vào giờ tan học, không khó để bắt gặp hình ảnh các em học sinh ngồi phía sau xe máy của bố mẹ mà không đội mũ bảo hiểm, hoặc chỉ đội những chiếc mũ thời trang mỏng nhẹ, không có quai đeo.

Chị V.M.H, một phụ huynh đang đón con thừa nhận: "Nhà cách trường chỉ vài trăm mét, lại toàn đi đường trong ngõ nên tôi nghĩ không cần thiết phải cho con đội mũ, đi gần mà".

Một cán bộ CSGT thuộc Đội CSGT số 4, Phòng CSGT Công an Hà Nội) chia sẻ: "Chúng tôi từng xử lý nhiều trường hợp học sinh vi phạm ngay tại cổng trường, thậm chí có phụ huynh phản ứng khi bị nhắc nhở vì cho rằng các cháu còn nhỏ, không cần quá nghiêm".

Nhiều phụ huynh phớt lờ quy định

Thực tế, tại nhiều trường học, công tác tuyên truyền về an toàn giao thông, đặc biệt là đội mũ bảo hiểm đã được triển khai. Tuy nhiên, việc giám sát thực tế lại phụ thuộc phần lớn vào phụ huynh.

Không hiếm gặp phụ huynh không đội mũ bảo hiểm cho con khi lưu thông bằng xe máy.

Không hiếm gặp phụ huynh không đội mũ bảo hiểm cho con khi lưu thông bằng xe máy.

Cô Đào Thu Hương, giáo viên Trường Tiểu học Ngô Gia Tự (quận Long Biên, Hà Nội), chia sẻ: "Nhà trường thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở học sinh về đội mũ bảo hiểm, nhưng ngoài cổng trường, việc thực hiện còn phụ thuộc vào ý thức của phụ huynh".

Theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy (QCVN 2:2021/BKHCN), mũ đạt chuẩn phải có vỏ cứng chịu va đập mạnh; lớp xốp hấp thụ xung động; quai đeo chắc chắn, điều chỉnh được; lớp lót êm, thoáng; kính chắn gió đảm bảo tầm nhìn. Mũ phải chống va đập, cháy, trầy xước, tia UV; kích thước – trọng lượng phù hợp.

Để nhận biết mũ bảo hiểm đạt chuẩn, có thể căn cứ vào tem hợp quy CR do Bộ KH&CN cấp, có mã số, năm cấp; nhãn rõ ràng về thương hiệu, mã sản phẩm, ngày sản xuất và hướng dẫn sử dụng.

Ghi nhận của PV tại các điểm trường ở Hà Nội cho thấy, nhiều phụ huynh vẫn giữ tâm lý chủ quan như "đi gần không cần mũ", "trẻ nhỏ đi xe máy không sao". Mũ bảo hiểm cho trẻ được bán tràn lan với giá rẻ, chỉ từ 100.000 – 180.000 đồng, nhiều loại không nhãn mác, không có tem kiểm định, thậm chí là đồ chơi trá hình, không có chức năng bảo vệ.

Chị Hằng, chủ cửa hàng mũ bảo hiểm tại Hà Nội, cho biết: "Chúng tôi tư vấn cho phụ huynh chọn mũ đạt chuẩn có tem QR, nhưng nhiều người vẫn chọn mũ thời trang vì tiện và rẻ".

Theo đại diện Phòng CSGT Công an TP Hà Nội, trong quý I/2025, lực lượng chức năng đã xử lý hơn 2.280 trường hợp học sinh vi phạm trật tự an toàn giao thông, trong đó gần 2.000 trường hợp không đội mũ bảo hiểm, 470 trường hợp chưa đủ điều kiện điều khiển xe gắn máy và 173 phụ huynh bị xử lý vì giao xe cho người chưa đủ điều kiện.

Trung tá Nguyễn Văn Hải, Đội phó Đội CSGT số 2, nhận định: "Cần tiếp tục đẩy mạnh giáo dục, kết hợp giữa nhà trường và phụ huynh để ngăn ngừa vi phạm. Bên cạnh đó, học sinh cần được hướng dẫn cụ thể cách nhận biết và tránh các hành vi vi phạm phổ biến".

Thói quen an toàn cần được hình thành từ nhỏ

Theo các chuyên gia, bảo đảm an toàn giao thông không thể chỉ dừng lại ở những buổi tuyên truyền trên lớp. Đó phải là hành động thiết thực mỗi ngày từ chính phụ huynh và học sinh. Từ việc chọn một chiếc mũ bảo hiểm đạt chuẩn, đến việc đội mũ mỗi khi ra đường, nhất là với trẻ nhỏ - chính là cách đơn giản nhưng hiệu quả nhất để bảo vệ sự sống.

Nghị định 168 có hiệu lực từ ngày 1/1, tiếp tục khẳng định việc đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn là bắt buộc đối với người điều khiển và người ngồi trên mô tô, xe gắn máy, xe máy điện và các phương tiện tương tự.

Trẻ em dưới 6 tuổi được miễn đội mũ bảo hiểm, song các chuyên gia vẫn khuyến cáo nên đội mũ cho trẻ để đảm bảo an toàn.

Đặc biệt, từ ngày 1/7, quy định mới bắt buộc trẻ em phải đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn. Phụ huynh vi phạm sẽ bị xử phạt nghiêm nhằm tăng cường bảo vệ an toàn cho trẻ em.

Học sinh điều khiển xe đạp điện, xe máy điện không đội mũ hoặc đội không đúng cách sẽ bị phạt từ 400.000 – 600.000 đồng. Trường hợp chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hành chính, phụ huynh hoặc người giám hộ sẽ phải nộp phạt. Đồng thời, cơ quan công an sẽ thông báo đến nhà trường để phối hợp xử lý.

Phát động toàn dân đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn

Ngay từ đầu năm 2025, Ủy ban ATGT Quốc gia phối hợp cùng Ban ATGT TP Hà Nội, Thành đoàn Hà Nội và Công an TP Hà Nội phát động chương trình "Mũ chuẩn an tâm - Hành trình rộng mở" hưởng ứng Năm ATGT 2025. Hoạt động này nằm trong khuôn khổ Đề án "Tuổi trẻ Thủ đô tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông" giai đoạn 2022 – 2025.

Đồng hành cùng chương trình, Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) và Công ty Honda Việt Nam cũng đang tích cực triển khai các hoạt động tuyên truyền, đào tạo về ATGT, trao tặng hơn 1,7 triệu mũ bảo hiểm đạt chuẩn cho học sinh lớp một trong năm học 2024 - 2025.

Lê Mỹ Phượng

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.vn/doi-mu-dat-chuan-de-duong-den-truong-an-toan-hon-19225052019525959.htm