Đội mưa cứu vườn Thanh trà trăm triệu đang 'thoi thóp' sau lũ

Người dân tại phường Hương Vân (Hương Trà, Thừa Thiên Huế) đang hàng ngày đội mưa đục thân, cạo vỏ và quét thuốc lên những cây thanh trà còn ít lá xanh để mong giữ lại cây thêm vài vụ.

Khối U TUYẾN GIÁP đã TEO NHỎ mà không cần phẫu thuật. Xem ngay cách chị Phương đã áp dụng!

Vườn thanh trà 3 đến 5 “tuổi” chết sạch sau lũ

Từ lâu nay, thanh trà được biết đến là cây đặc sản có giá trị kinh tế cao của tỉnh Thừa Thiên Huế được trồng trên đất phù sa bồi hàng năm ven các dòng sông như sông Hương, sông Bồ, sông Ô Lâu, sông Truồi... Tuy nhiên, đợt mưa lũ liên tục vừa qua đã nhấn chìm, làm chết hàng trăm héc ta thanh trà đang độ tuổi thu hoạch khiến người dân điêu đứng.

Về phường Hương Vân (thị xã Hương Trà) những ngày này, thay vì nhìn thấy những mảnh vườn xanh thẳm, nhiều người không khỏi xót xa trước cảnh tan hoang, trơ trọi khi những cây thanh trà 3 đến 5 năm tuổi đã chết sạch khi nước lũ rút.

Những vườn thanh trà có độ tuổi từ 3 đến 5 năm ở phường Hương Vân (Hương Trà) chết sạch sau đợt mưa lũ vừa qua

Những vườn thanh trà có độ tuổi từ 3 đến 5 năm ở phường Hương Vân (Hương Trà) chết sạch sau đợt mưa lũ vừa qua

Tranh thủ những lúc trời tạnh mưa, ông Trần Công Văn (trú tổ Sơn Công 1, phường Hương Vân) lại vội vã ra vườn thanh trà có diện tích hơn 1000 mét vuông để cắt, tỉa, đục bỏ đi những phần vỏ trên cây bị hỏng, thối do đã ngâm trong nước hơn 1 tuần qua những mong có thể giữ lại cây thêm 3 đến 4 năm nữa.

Hơn 2 sào thanh trà đang ra quả chuẩn bị thu hoạch của ông Văn đều chết sạch do phải ngâm nước trong nhiều ngày.

Hơn 2 sào thanh trà đang ra quả chuẩn bị thu hoạch của ông Văn đều chết sạch do phải ngâm nước trong nhiều ngày.

Ông Văn cho biết, mấy năm trở lại đây chưa có trận lũ nào lại lớn và kéo dài như đợt lũ vừa qua. Nước lũ dâng cao, nhấn chìm vườn thanh trà chỉ còn thấy mỗi chóp cây. Trong vườn, những cây thanh trà nào được 7 đến 8 năm thì vẫn còn sống sót còn những cây mới 3 đến 5 năm thì chết sạch vì phải ngâm nước quá lâu.

“Gia đình tôi có hơn 2 sào thanh trà với gần 25 gốc, cây đã trồng được gần 4 năm đang ra quả chuẩn bị thu hoạch. Một sào bình quân khi bán khoảng 30 triệu nhưng đợt lũ vừa rồi đã chết sạch, công lao chăm sóc ròng rã mấy năm trời giờ đã tiêu tan”, ông Văn ngậm ngùi.

Chung cảnh ngộ, ông Phan Đắc (78 tuổi, trú Sơn Công 2, Hương Vân) chia sẻ, nếu năm nay không xảy ra lũ dữ thì gia đình ông có thể bán được hơn 100 triệu đồng từ 4 sào thanh trà đã trồng được 3 năm đang cho ra quả bói. Tuy nhiên nước lũ đã nhấn chìm không còn cây nào sống sót. Thời gian tới, ông chỉ biết gieo hạt để trồng bầu và mướp trên mảnh vườn trơ gốc để có cái mà ăn.

Ông Đắc chỉ còn biết gieo hạt để trồng bầu và mướp trên mảnh vườn trơ những cây thanh trà đã chết

Ông Đắc chỉ còn biết gieo hạt để trồng bầu và mướp trên mảnh vườn trơ những cây thanh trà đã chết

“Lâu nay, người dân ở đây đều sống dựa vào cây thanh trà nhưng giờ tiền của và công sức đã trôi theo dòng nước lũ. Tôi và nhiều người dân trong thôn ai cũng mong Nhà nước sớm hỗ trợ để khôi phục lại số diện tích cây trồng bị chết”, ông Đắc khẩn cầu.

Đục vỏ, quét thuốc cứu những cây thanh trà lâu năm còn sống sót

Đến nay, chưa có con số thống kê cụ thể nhưng diện tích cây thanh trà bị chết do mưa lũ ở phường Hương Vân là rất lớn. Để có được một vườn thanh trà đến lúc cho ra quả, người dân phải mất 4 đến 5 năm chăm sóc. Giá cây giống khi mua cũng đã hơn 70 nghìn đồng/ 1 cây.

Theo người dân ở đây, những vườn thanh trà 3 đến 5 năm tuổi đều chết sạch, chỉ những vườn nào có cây trồng lâu năm (từ 10 – 15 năm) thì may ra sống sót nhưng giờ cây cũng bắt đầu có bệnh hư rễ, thối vỏ vì ngâm nước trong thời gian dài.

Người dân đục vỏ, quét thuốc vào gốc nhằm cứu cây thanh trà

Người dân đục vỏ, quét thuốc vào gốc nhằm cứu cây thanh trà

Là một trong những người trồng thanh trà gần 20 năm nay ở phường Hương Vân, anh Trần Văn Anh (47 tuổi) cho biết, ở đây hơn 80% hộ dân sống nhờ cây thanh trà, nhà nào cũng có khoảng từ 2 đến 4 sào. Vườn thanh trà nhà anh đa số là những cây đã trồng lâu năm nên may còn sống sót nhưng mưa lũ đã làm cây thối rễ, hư da nếu không có biện pháp xử lý thì chỉ cần khi nắng lên khoảng nữa năm cây sẽ chết.

“Bây giờ trước mắt mình sẽ đục bỏ đi những phần vỏ bị hư thối trên những cây lá còn xanh, sau đó tiến hành quét thuốc đặc trị vào những phần đã được đục vỏ thì cây sẽ sống được thêm 3 đến 4 năm nữa”, anh Anh chia sẻ.

Anh Nguyễn Văn Túy (trú Sơn Công 1, Hương Vân) cũng cho hay, sau lũ nhiều người tìm cách cứu cây nhưng số lượng cây quá nhiều, họ làm không kịp. Nếu năm nay không lũ, cây không bệnh chết thì quả sẽ nhiều hơn và gia đình sẽ có nguồn thu lớn.

Trao đổi với báo Gia đình Việt Nam, ông Hoàng Anh Tuấn – Chủ tịch UBND phường Hương Vân, thị xã Hương Trà cho biết, đợt vừa rồi mưa bão đã làm hư hại hơn 100 héc ta thanh trà trên địa bàn. Đa phần những cây bị chết đều nằm trong độ tuổi từ 3 đến 5 năm, gây thiệt hại kinh tế nặng nề cho người dân.

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhvietnam.com/doi-mua-cuu-vuon-thanh-tra-tram-trieu-dang-thoi-thop-sau-lu-d163454.html