Đợi mùa nhãn ngọt

YBĐT - 920 cây nhãn ghép chín muộn đưa lên đồi, ông Chủ tịch UBND xã An Bình muốn làm thay đổi vị thế của cây nhãn ở địa phương mình bằng chính nỗ lực của bản thân ông. Ông Tuynh thẳng thắn và tự tin: 'Tôi xác định rõ ràng rồi, một là thắng lớn, hai là thua to. Nói vậy chứ tôi tin nhất định sẽ thắng lớn'.

Lãnh đạo UBND xã, cán bộ địa chính - kinh tế, cán bộ khuyến nông viên xã An Bình kiểm tra mắt ghép trên cây nhãn cải tạo.

Lãnh đạo UBND xã, cán bộ địa chính - kinh tế, cán bộ khuyến nông viên xã An Bình kiểm tra mắt ghép trên cây nhãn cải tạo.

Cơn mưa đầu tháng Năm mau chóng xua tan bầu không khí oi ngạt và đưa đến nguồn nước mát lành cho vạn vật. Ông Nguyễn Trọng Tuynh - Chủ tịch UBND xã An Bình, huyện Văn Yên cười luôn cả ánh mắt: “Thật đúng là cơn mưa “vàng” đây! Thế này á, lúa tốt, ngô tốt bời bời cầm chắc...”.

Trong nỗi hả lòng, hả dạ “ơn trời mưa nắng phải thì” của ông Chủ tịch xã, đủ hiểu bao âu lo lặng thầm cho cây lúa, cây ngô trên đồng đất quê nhà. Đi qua những mùa lúa, mùa ngô không ai nhớ để tính kể nhưng mong ước mưa thuận gió hòa vẫn mùa nào hệt mùa nấy mà thôi.

Anh Lý Văn Thắng - cán bộ khuyến nông viên xã chợt quay sang phía ông Tuynh: “Gần nghìn cây nhãn của chú cũng không cần phải tưới trong một tuần rồi đấy!”. Cây nhãn bấy giờ mới thật sự trở về đúng vị trí chủ đề chính của nó trong câu chuyện của tất cả mọi người.

Thật sự khó nói chính xác một điều cây nhãn có mặt ở đất An Bình này từ khi nào dù cũng là một loại cây quen thuộc với bao người qua bao tháng năm như cây ổi, cây mít, cây dứa... Và cũng không khác gì những loại cây ấy, nhãn chưa bao giờ trở thành hàng hóa, cho nguồn thu ra tấm, ra món đối với người An Bình.

Chắc rằng cũng nên nhắc lại khoảng thời gian những năm 90 của thế kỷ trước, khi rầm rộ phong trào làm long nhãn, có chút quan tâm hơn đến cây nhãn trong ý thức của người dân. Tuy vậy, lúc phong trào xuống dần, mối quan tâm của họ cũng dần trở về con số không với cây nhãn. Thế nên cây nhãn có đấy mà cũng như không. Có chăng là chỉ tuần tự theo thời gian, nhãn ra hoa, đơm trái, được mùa thì nhà có quả ăn chơi, nhiều hơn thì đem chợ bán nhặt vài đồng... Nhãn năm nào chẳng đậu trái cũng chả khiến ai buồn bận tâm.

Nếu cứ thế thì cây nhãn nơi đồng đất An Bình đây đâu có gì để nói trong câu chuyện hôm nay. Xem ra, cây nhãn của ngày hôm nay đã khác hôm qua và hẳn rồi cây nhãn của ngày mai cũng sẽ không giống hôm nay. Chắc chắn vậy bởi từ tháng 10 năm ngoái, 2.788 cây nhãn ghép chín muộn đã có mặt ở hai thôn Khe Ly và Cầu Cao. Có 9 hộ dân tham gia thực hiện mô hình trồng mới giống nhãn ghép chín muộn này.

Trong đó, gia đình ông Nguyễn Trọng Tuynh - Chủ tịch UBND xã trồng nhiều nhất với 920 cây, tiếp đến hộ bà Nguyễn Thị Thu Hiền có 780 cây, hộ ông Lê Cao Tấn có 320 cây... và hộ ông Trần Đức Sơn - Trưởng thôn Cầu Cao trồng 80 cây là ít nhất. Tất cả các hộ tham gia mô hình đều được hỗ trợ 100% giá cây giống và kinh phí hỗ trợ không quá 50.000 đồng cho mỗi cây giống.

Theo ông Trần Đức Sơn - Trưởng thôn Cầu Cao thì trong thôn có khoảng 50 - 60 hộ trồng nhãn. “Số gia đình trồng nhãn của Cầu Cao không phải là nhỏ nhưng trước đây, hiệu quả kinh tế từ cây nhãn chưa rõ nét, làm long nhãn bốc lên đôi ba năm thì cũng xẹp nên dân chặt bỏ hết, chỉ để lại một vài cây to” - ông Sơn kể.

Năm ngoái, có hộ ông Nguyễn Xuân Long, hộ ông Trần Quang Hóa thu hoạch nhãn từ những cây nhãn địa phương ghép mắt giống nhãn Hưng Yên cho hiệu quả khá. Bởi thế, khi xã triển khai mô hình trồng giống nhãn ghép chín muộn, gia đình ông Sơn và ba hộ khác ở Cầu Cao đã đăng ký tham gia. Ước lượng diện tích đất vườn đồi của nhà, ngoài 80 cây nhãn được hỗ trợ toàn bộ tiền cây giống, vợ chồng ông Trưởng thôn đã mua thêm 20 cây nữa về trồng. Ông Sơn khoe, cây nhãn đã cao 70 - 80 cm, sống khỏe và tỷ lệ sống gần 100%.

920 cây nhãn ghép chín muộn đưa lên đồi, ông Chủ tịch UBND xã An Bình muốn làm thay đổi vị thế của cây nhãn ở địa phương mình bằng chính nỗ lực của bản thân ông. Ông Tuynh thẳng thắn và tự tin: “Tôi xác định rõ ràng rồi, một là thắng lớn, hai là thua to. Nói vậy chứ tôi tin nhất định sẽ thắng lớn”.

Niềm tin của ông cũng có cả yếu tố ông quyết định đầu tư khác với tất cả các hộ thực hiện mô hình. Ông đã bỏ thêm 46 triệu đồng cộng với 46 triệu đồng tiền được hỗ trợ 920 cây nhãn giống để mua cây giống đã 2 năm tuổi có giá 100.000 đồng mỗi cây.

Cây nhãn trên đồi giờ một số đương nở hoa, một số quả non đã đậu. Ông Tuynh còn thuê người từ Sơn La sang thực hiện kỹ thuật ghép mắt cho những cây nhãn lâu năm. Giá một mắt ghép 10.000 đồng và ông cho biết, cả xã thực hiện khoảng 2.900 mắt ghép đều đã nhú chồi.

Theo tính toán của ông Tuynh, tới thời điểm hiện nay, vị chi mỗi cây nhãn ông đã đầu tư 100.000 đồng không kể tiền giống được hỗ trợ: “Vận chuyển cây giống về bằng ô tô, công thuê làm đất, đào hố, trồng cây... là cũng phải tốn ngần đó, chẳng thể kém đồng nào”.

Sau khi nhãn đã lên đồi, ông Tuynh làm luôn một bể bạt chứa nước 6 mét khối ngay dưới chân đồi. Mỗi tuần, ông dùng máy bơm tưới nước cho đồi nhãn một lần mà một người phải mất hai ngày mới tưới xong. Có cán bộ khuyến nông viên xã hướng dẫn, cây lạc được ông trồng xen canh trên đồi nhãn.

Những luống lạc dập dờn giỡn cùng gió và mướt mát xanh bên chân gốc nhãn... Cây lạc chẳng những tận dụng khoảnh đất trống, giúp làm tơi xốp đất, tạo nguồn phân hữu cơ cho cây nhãn sau thu hoạch mà còn mang lại đôi lần nguồn thu nhập trong năm.
Cụ bà Nguyễn Thị Kỷ - mẹ đẻ của ông Tuynh ngồi cuối giường cũng bị cuốn theo chuyện cây nhãn. Cụ đã 83 tuổi, minh mẫn, giọng sảng vang:

- Ngó ô tô chở nhãn về, tôi là phát hoảng, gần ngàn cây chứ ít gì đâu. Tôi nói lên: “Ôi giời ơi, con ơi là con, sao con không muốn sống tử tế mà cứ thử nghiệm rồi đi đầu làm gì cho cực! Tay trắng lại hoàn tay không, con không hiểu sao hả Tuynh ơi?”. Nó chỉ cười: “Mẹ ơi, con đã trót làm nên mẹ cứ tin ở con!”. Vậy thì tôi phải nói chi? - cụ Kỷ tay vẫn mải miết nghiền cối trầu góp lời.

- Cụ không ủng hộ và không tin là con trai mình sẽ làm được sao ạ? - tôi hỏi.

- Thì xưa nay, đất này, đã ai giàu với nhãn đâu. Chỉ là quả ăn chơi ăn bời, đôi chùm bán chợ quê. Tôi thương nó vì mẹ khó, em khó, bản thân nó cũng còn khó. Mong lắm cho con làm thật tốt! - cụ thủng thẳng.

Căn nhà gỗ của bà cụ Kỷ rợp bóng cây xanh, nằm bên mé đồi nhãn. Ông Tuynh bảo mẹ mình nhất định không chịu ra ở cùng vợ chồng ông vì không muốn rời xa căn nhà ấy. Lúc trước, lý do là vậy. Lúc này, qua tâm sự của cụ, tôi nghĩ, cụ đã có thêm lý do khác.

Cụ đợi mùa nhãn ngọt đầu tiên của ông Tuynh, đợi để biết con trai mình đã thành công cùng cây nhãn. Từ đồi nhãn quay về trụ sở UBND xã An Bình, ông Tuynh háo hức giới thiệu cho tôi những bức ảnh trong đợt thăm quan mô hình trồng nhãn tại huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La cuối tháng Tám năm trước do UBND huyện Văn Yên tổ chức. Ngắm nhìn ông Tuynh rạng rỡ trong ảnh, tôi cũng mong nụ cười ông sẽ tươi nở bên những cây nhãn trĩu cành sai quả trên đồi lộng gió. Rồi mùa nhãn ngọt sẽ đến với ông Tuynh như cơn mưa “vàng” buổi sáng nay về với An Bình. Nhất định thế!

Đến hết năm 2015, huyện Văn Yên có 170 ha nhãn, vải; trong đó, riêng nhãn 110 ha. Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XV, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra mục tiêu khôi phục, phát triển vùng cây ăn quả nhãn, vải ở các xã vùng thượng huyện. Tháng 10 năm 2015, huyện đã triển khai mô hình trồng mới giống nhãn ghép chín muộn Hưng Yên ở địa bàn 4 xã: An Bình, Đông An, Lâm Giang, Châu Quế Hạ.

Tổng diện tích thực hiện mô hình là 15 ha, 6.000 cây; trong đó, xã An Bình chiếm diện tích lớn nhất gần 7 ha, 2.788 cây. Tất cả các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 100% giá cây giống, kinh phí không quá 50.000 đồng/cây, mức hỗ trợ không quá 20 triệu đồng/ha. Tổng số kinh phí hỗ trợ mô hình là 300 triệu đồng từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất nông - lâm nghiệp năm 2015 của UBND tỉnh Yên Bái. Hiện nay, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Yên đã hoàn thành việc nghiệm thu tại các xã, tỷ lệ cây sống đạt trên 90%.

Nguyễn Thơm

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/239/136924/doi-mua-nhan-ngot.aspx