Đổi nếp nghĩ, thay cách làm
Gần 20 năm di dân tái định cư để Nhà nước xây dựng công trình Nhà máy Thủy điện Tuyên Quang là cả một chặng đường đầy nỗ lực trong xây dựng cuộc sống mới. Họ đã có nhiều thay đổi rõ rệt từ trong tư duy, nếp nghĩ, cách làm. Giờ đây, cuộc sống của người dân tái định cư đang từng ngày khởi sắc...
Nghề cũ - cách làm mới
Khi những hạt sương sớm còn vương trên các triền rừng, người dân tái định cư thôn Tiên Tốc đã lên nương cắt cỏ cho trâu, bò trở về nhà. Tiếng xe máy, tiếng trò chuyện xua tan sự tĩnh lặng buổi sớm. Anh Cháng A Bào, Trưởng thôn Tiên Tốc, xã Bình An (Lâm Bình) chia sẻ, những năm 2006, 2007, hơn chục hộ người Mông ở xã Thúy Loa cũ rời làng chuyển về nơi định cư mới ở thôn Tiên Tốc, xã Bình An (Lâm Bình) để Nhà nước xây dựng công trình thủy điện Tuyên Quang. Để giúp bà con nhanh chóng ổn định cuộc sống, Nhà nước hỗ trợ đất ở, đất ruộng, đất rừng và tiền làm nhà ở, hỗ trợ đào tạo nghề, chuyển đổi việc làm.
Trong ký ức của anh Bào vẫn còn vẹn nguyên những buổi theo đám bạn đưa trâu vào rừng chăn thả. Thời đó, chủ yếu bà con nuôi trâu sinh sản, nuôi cả năm được con nghé, có nhà chăm kém đến hai, ba năm mới cho một lứa. Trâu gầy khó bán, bán cũng không được giá. Thế nhưng giờ đã khác, năm 2014, dự án chăn nuôi trâu, bò nhốt chuồng ở thôn Tiên Tốc được triển khai, cán bộ Khuyến nông huyện về tận thôn, vào tận nhà “cầm tay chỉ việc”, thay đổi phương thức chăn nuôi từ cách làm chuồng giữ ấm cho trâu bò về mùa đông, làm chuồng thoáng mát vào mùa hè; cách trồng cỏ; kỹ thuật chăn nuôi, phòng trừ dịch bệnh. Nhờ thế trâu, bò lớn nhanh mang lại thu nhập ổn định cho mỗi gia đình. Thôn Tiên Tốc có 39 hộ tái định cư thì có đến 25 hộ nuôi trâu, bò vỗ béo. Nhiều hộ vươn lên trở thành hộ khá giàu như hộ Cháng A Mà, Cháng A Thư, Cháng A Dinh, Cháng A Linh…
Ông Cháng A Mà, thôn Tiên Tốc cho biết, được tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, ông đã mạnh dạn vay vốn đầu tư xây dựng chuồng trại chắc chắn, mua máy cắt cỏ, duy trì nuôi 10 - 15 con trâu/lứa theo hình thức vỗ béo từ 2 - 3 tháng là xuất chuồng. Ông Mà bảo, nuôi trâu, bò vỗ béo không khó. Ngoài cho trâu, bò ăn cỏ, ông còn cho trâu, bò ăn thêm thức ăn tinh ngô, khoai, sắn, bã bia, bã đậu, bỗng rượu…; phòng, chống một số bệnh dịch thường gặp. Nhờ đó mà trâu, bò của ông nhanh lớn, khỏe mạnh, thịt thơm ngon. Tính trung bình mỗi năm, gia đình ông xuất bán 3 - 4 lứa trâu vỗ béo, trừ chi phí thu lãi gần 100 triệu đồng/năm.
Nghề mới - cuộc sống mới
Khác với người dân ở Tiên Tốc, người dân tái định cư thôn Mường, xã Phù Lưu (Hàm Yên) vươn lên làm giàu từ cây cam. Một cây trồng hoàn toàn mới với người dân tái định cư khi đến nơi ở mới. Anh Nông Văn Thăng, thôn Mường chia sẻ, trước kia, ở bản cũ gia đình anh chỉ quanh quẩn với nương rẫy. Nhận thấy ở Phù Lưu đất đai màu mỡ, thích hợp với trồng cây có múi như cam, chanh. Nắm bắt được điều này, năm 2008, cùng số vốn tự có của gia đình, anh quyết định vay thêm Ngân hàng Chính sách xã hội 100 triệu đồng để đầu tư trồng 2 ha cam trên đất đồi; đồng thời, nuôi trâu, bò, lợn, gà để nhanh quay vòng vốn. Lúc đầu mới làm, đất đồi thiếu nước, cây cam còi cọc, tỷ lệ cây chết nhiều khiến anh mất ăn, mất ngủ vì đồi cam. Anh đăng ký tham gia thêm các lớp tập huấn trồng trọt cùng học hỏi kinh nghiệm trồng cam của người dân sở tại. Nhờ chăm chỉ, nhanh nhạy, hiện gia đình anh đang có 10 ha cam, gần 1 ha chanh tứ thì, 2 con trâu, 3 con bò, mỗi năm thu lãi từ 300 - 400 triệu đồng/năm. Thu nhập từ trồng cam, chanh giúp gia đình anh xây căn nhà khang trang, chăm lo cho các con ăn học. Năm 2017, anh Thăng được Hội Nông dân tỉnh Tuyên Quang khen thưởng là hộ sản xuất kinh doanh giỏi.
Là một trong những hộ di dân tái định cư, gia đình ông Phùng Xuân Sơn, thôn Nà Lạ, xã Sơn Phú (Na Hang) lựa chọn nghề nuôi cá đặc sản để khởi nghiệp trên quê mới. Ông Sơn bảo, ngày mới chuyển về khu tái định cư, gia đình ông rất hoang mang vì không biết làm gì. Trong khi đó, gạo, tiền Nhà nước hỗ trợ thì ăn mãi cũng sẽ hết. Về nơi ở mới, ông được cán bộ địa phương hướng dẫn tận dụng các eo, ngách hồ thủy điện để nuôi cá đặc sản. Năm 2010, ông Sơn và 4 hộ gia đình trong thôn đã đầu tư hệ thống lưới ngăn tạo thành một hồ nuôi cá với diện tích hơn 10 ha và được hỗ trợ 70 triệu đồng tiền mua cá giống. Nước hồ sạch, phù du nhiều, sẵn cỏ nên nuôi cá không tốn nhiều thức ăn và công lao động. Đến năm 2018, ông Sơn mạnh dạn vay vốn ngân hàng 100 triệu đồng đầu tư làm thêm 5 lồng nuôi cá đặc sản. Hiện, gia đình ông có 9 lồng nuôi cá có giá trị kinh tế cao như cá chiên, cá nheo, cá bỗng, trắm cỏ, cá lăng… mỗi năm xuất bán trên 3 tấn cá, trừ chi phí cho thu lãi gần 100 triệu đồng.
Không riêng anh Thăng, ông Sơn hay người dân ở thôn Tiên Tốc mà đến nay người dân tái định cư trên địa bàn tỉnh cũng đã bắt nhịp với cuộc sống mới. Từ những hỗ trợ trong đào tạo nghề, chuyển đổi việc làm cùng sự chăm chỉ, nhạy bén thay đổi tư duy, nếp nghĩ, cách làm, giờ đây, người dân tái định cư góp phần cùng các địa phương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hình thành vùng sản xuất, chuyên canh hàng hóa có tiếng như: trồng cam, chanh ở Phù Lưu (Hàm Yên), Trung Hà (Chiêm Hóa); trồng chè ở Mỹ Bằng (Yên Sơn); nuôi trâu, bò vỗ béo ở Bình An (Lâm Bình); chăn nuôi cá đặc sản ở Sơn Phú (Na Hang); nghề làm bún khô ở Kim Phú (TP Tuyên Quang), Đà Vị (Na Hang)...
Tiếp tục tạo sinh kế
Di chuyển tới nơi ở mới cũng tác động không nhỏ tới tập quán sản xuất, canh tác của người dân. Cùng với việc quan tâm đầu tư xây cơ sở hạ tầng, các công trình công cộng, tỉnh đã chú trọng đào tạo nghề, chuyển đổi việc làm cho người lao động vùng nông thôn bám sát nhu cầu thực tiễn, được tạo điều kiện nguồn vốn vay, tư vấn phát triển nghề… Các nghề được chú trọng đào tạo cho đồng bào di dân tái định cư là: đan lát, làm chổi chít, chăn nuôi gia súc, gia cầm, chăn nuôi cá, sửa chữa máy nông nghiệp và các lớp tập huấn ứng dụng kỹ thuật mới vào trồng nấm, chè, cam, rừng…
Vừa qua, Trung tâm Hỗ trợ nông dân - Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Ban Di dân tái định cư huyện Lâm Bình mở 3 lớp dạy nghề trồng nấm cho hơn 100 người dân tái định cư xã Bình An và Thổ Bình. Đồng chí Lê Hoàng, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ nông dân - Hội Nông dân tỉnh cho biết, khi tổ chức triển khai dạy nghề cho bà con tái định cư, Trung tâm không chỉ quan tâm đến chất lượng truyền dạy, mà còn hỗ trợ người dân duy trì nghề sau khi được đào tạo, giúp bà con có thu nhập thường xuyên từ nghề mới. Đồng thời, làm tốt công tác tuyên truyền, tư vấn và giới thiệu việc làm cho lao động nông thôn; liên hệ và giới thiệu việc làm cho lao động, đảm bảo người học có việc làm sau khi học nghề.
Thực hiện đề án di dân tái định cư, tỉnh đã đầu tư ổn định đời sống, phát triển sản xuất, đào tạo nghề gắn với tạo việc làm, khuyến khích chuyển đổi nghề từ sản xuất nông nghiệp sang phi nông nghiệp cho khoảng 2.500 lao động; hỗ trợ khuyến nông, khuyến lâm cho gần 4.000 hộ sản xuất nông nghiệp. Việc hỗ trợ đào tạo nghề, chuyển đổi việc làm góp phần giúp người dân tái định cư thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế, đời sống ngày một khấm khá. Mỗi năm trôi qua, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào tái định cư lại giảm bớt. Từ những ngày đầu, tỷ lệ các hộ nghèo tái định cư chiếm đến 77%, đến cuối năm 2021, tỷ lệ nghèo giảm còn 24,7%. Đồng chí Nguyễn Văn Định, Giám đốc Ban Di dân, tái định cư thủy điện Tuyên Quang cho biết, thời gian tới, Ban tiếp tục phối hợp với các ban, ngành, địa phương lồng ghép các nguồn lực từ chương trình mục tiêu, dự án, đề án để tập trung hỗ trợ đồng bào tái định cư; khảo sát, nắm bắt nhu cầu, tình hình thực tế của các hộ tái định cư để có phương thức hỗ trợ đào tạo nghề phù hợp, thiết thực. Đồng thời, nhân rộng các mô hình mang lại hiệu quả kinh tế đang hiện có.
Hình ảnh những đồi chè xanh ngát, cánh rừng trải dài, vườn cây ăn quả xum xuê, cùng những tuyến đường bê tông hóa phẳng lỳ, hai bên là những dãy nhà khang trang đã vẽ lên bức tranh về cuộc sống của người dân tái định cư trên vùng quê mới - cuộc sống mới đang dần ấm no, đủ đầy!
Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/phong-su/doi-nep-nghi-thay-cach-lam-159628.html