Đôi nét văn hóa dân tộc Tày ở Điện Biên

ĐBP - Người Tày ở Điện Biên có dân số không nhiều. Họ từ các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn chuyển đến sinh sống. Hiện nay họ sinh sống tập trung tại 4 bản của hai xã Thanh Chăn, Thanh Yên (huyện Điện Biên), mỗi bản có 50 - 60 hộ dân. Ngoài ra, còn một số hộ sống rải rác trên địa bàn các xã, phường của TP. Điện Biên Phủ. Người Tày ở Điện Biên cũng tự gọi mình là người Thổ. Trong đời sống hàng ngày họ còn giữ một số phong tục, tập quán thể hiện bản sắc riêng.

Từ những thập niên đầu của thế kỷ XX, một số hộ dân tộc Tày đã tìm đến lòng chảo Điện Biên định cư. Ngày nay người dân các bản Thanh Sơn, bản Pom Mỏ Thổ (xã Thanh Chăn), bản Yên Sơn, Phù Yên (xã Thanh Yên) vẫn sống bằng nghề gieo trồng lúa nước là chính. Bên cạnh đó họ còn chăn nuôi và trồng cây ăn quả. Đời sống no ấm, dân cư các bản người Tày ngày một đông lên. Gia đình ông Nông Thanh Xuân, bà Nguyễn Thị Chù có quê gốc ở tỉnh Lạng Sơn. Thời kỳ Pháp thuộc, bố đẻ bà Chù từ Lạng Sơn lên Điện Biên làm thợ mộc thuê cho tri châu Đèo Văn Ún rồi định cư tại đây. Bà Chù thuộc thế hệ người Tày đầu tiên được sinh ra, lớn lên trên vùng đất này. Năm 1952 - 1953, khi Chiến dịch Điện Biên Phủ bắt đầu, ông Nông Thanh Xuân đã xung phong đi bộ đội tại Điện Biên. Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, năm 1958 ông lại cùng đồng đội trở lại xây dựng Nông trường Điện Biên, rồi gặp gỡ và cùng xây dựng gia đình với bà Nguyễn Thị Chù. Tới nay gia đình ông bà đã có 4 thế hệ sinh sống tại bản Yên Sơn, xã Thanh Yên, huyện Điện Biên. Trải qua những biến động lịch sử cùng quê hương Điện Biên, họ cảm nhận rõ hơn ai hết sự thay đổi của bản làng nơi đây cũng như đời sống người dân tộc Tày ở Điện Biên trong mấy chục năm qua. Bà Nguyễn Thị Chù cho hay: “Tôi sinh ra ở đây. Trước khu vực này rậm rạp lắm, nhiều cây to cả người ôm, sau đó mới làm nông trường, chặt cây đi mới như bây giờ. Trước ở đây chỉ có 3 hộ, sau mọi người tới ở đông thêm. Người Tày ở đây vẫn giữ các phong tục như: Ăn Tết mùng 3, tháng 3; mùng 5, tháng 5... Trước bà con tự trồng bông, dệt vải may quần áo. Giờ thì không may nữa, chỉ các bà già vẫn mua vải về tự may”.

Do sống xen kẽ với cộng đồng dân tộc Kinh và Thái, nên một số nét văn hóa của người Tày Điện Biên đã có sự tiếp biến. Trước kia người dân tộc Tày ở nhà sàn gỗ, nhưng ngày nay họ ở nhà trệt, tường gạch, mái ngói hoặc mái tôn. Gia đình nào kinh tế khá thì xây nhà tầng, bê tông cốt thép. Trước đây trang phục truyền thống của người dân tộc Tày là quần áo vải bông nhuộm chàm. Phụ nữ có áo dài 5 thân, mặc với quần lụa, cổ đeo vòng bạc, thắt lưng thắt dải lụa màu hoặc đeo xà tích. Tuy nhiên ngày nay trang phục truyền thống của họ không còn được sử dụng thường xuyên trong đời sống hằng ngày. Chiếc áo dài của phụ nữ dân tộc Tày được may bằng vải nhung, chỉ dùng mặc trong những ngày lễ, Tết. Nghề trồng bông, dệt vải cũng đã mai một. Nhà ở, trang phục của người Tày Điện Biên có nhiều biến đổi, nhưng phong tục thờ cúng, lễ, Tết và một số nét văn hóa ẩm thực của họ vẫn được gìn giữ.

Ngày 5/5 âm lịch, các gia đình người dân tộc Tày ở bản Yên Sơn, xã Thanh Yên đều tổ chức ăn Tết Đoan Ngọ theo phong tục riêng. Tết Đoan Ngọ diễn ra đúng thời điểm lúa chiêm xuân vừa thu hoạch xong. Là cư dân nông nghiệp, sinh sống nhờ vào gieo cấy lúa nước, người Tày rất coi trọng việc đồng áng và các yếu tố tự nhiên phù trợ. Cúng Tết Đoan Ngọ là cảm tạ trời đất, tổ tiên phù trợ và cầu cho con người khỏe mạnh, cầu cho vụ mùa gieo cấy không bị thiên tai, bệnh dịch, sâu bọ gây hại. Vào ngày này họ thường mổ lợn, mổ vịt, đồ xôi tím và làm bánh gio để cúng ông bà, tổ tiên. Các món ăn này được làm theo phong cách truyền thống, vẫn giữ được hương vị riêng. Lợn sau khi mổ được đưa lên bếp lò quay cả con, cho đến khi lớp da bên ngoài vàng ươm, giòn rụm.

Người dân tộc Tày ở Điện Biên còn gìn giữ được những làn điệu hát then, đàn tính cổ xưa. Đến bản người Tày trong những ngày lễ, Tết hay vào dịp thôn bản có sự kiện vui, có thể được nghe những làn điệu dân ca trữ tình, mượt mà, đằm thắm, nói lên tình yêu quê hương, đất nước của người dân nơi đây.

Kông Thao

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/van-hoa/188248/doi-net-van-hoa-dan-toc-tay-o-dien-bien