Đối ngoại quốc phòng luôn cần sáng tạo, linh hoạt
Năm 2022 là năm mà các hoạt động hội nhập quốc tế (HNQT) và đối ngoại quốc phòng (ĐNQP) của Việt Nam diễn ra sôi động với nhiều dấu ấn. Nhân dịp Tết Quý Mão 2023, phóng viên Báo Quân đội nhân dân (QĐND) đã phỏng vấn Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.
Phóng viên (PV): Trước hết, đồng chí có thể chia sẻ những cảm nhận chung về công tác hội nhập quốc tế (HNQT) và đối ngoại quốc phòng (ĐNQP) của Việt Nam trong năm 2022?
Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến: Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và Chính phủ, trực tiếp là Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng (BQP), công tác HNQT và ĐNQP trong năm 2022 đã đạt nhiều thành tựu quan trọng, góp phần bảo vệ độc lập, chủ quyền, lợi ích quốc gia-dân tộc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng đất nước, nâng cao uy tín, vị thế của đất nước và QĐND Việt Nam trên trường quốc tế.
Bám sát tình hình thế giới, khu vực, chúng ta cũng đã tham mưu đúng, trúng và kịp thời với Đảng, Nhà nước về mức độ, nội dung quan hệ hợp tác quốc phòng với các đối tác; tham gia ý kiến vào các đề án, văn bản quan trọng, mang tính định hướng về công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước; lãnh đạo BQP tham gia các chuyến thăm cấp cao tới các nước của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, góp phần tăng cường sự tin cậy chính trị với các nước.
Về quan hệ hợp tác quốc phòng song phương, chúng ta đã thúc đẩy triển khai các hoạt động hợp tác quốc phòng với các nước, đặc biệt là với các nước láng giềng có biên giới liền kề, các nước lớn, bảo đảm cân bằng các mối quan hệ, trên nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng, cùng có lợi và tuân thủ luật pháp quốc tế. Việc triển khai các hoạt động hợp tác giữa Việt Nam với các nước được tích cực thúc đẩy và tăng cường sau gần 3 năm chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, với hình thức đa dạng, tập trung vào một số lĩnh vực trọng tâm, phù hợp với nhu cầu, khả năng của ta, đóng góp hiệu quả, thực chất cho nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, như: Trao đổi đoàn, nhất là các đoàn cấp cao; duy trì hiệu quả các cơ chế tham vấn, Đối thoại chính sách quốc phòng cấp Thứ trưởng; hợp tác đào tạo; hợp tác quân, binh chủng; đối ngoại biên giới; khắc phục hậu quả chiến tranh, cứu hộ-cứu nạn, nghiên cứu chiến lược, công nghiệp quốc phòng, quân y, gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc (GGHB LHQ)...
Trong năm 2022, đã có 8 Bộ trưởng Quốc phòng các nước sang Việt Nam thăm chính thức, thăm làm việc, cùng nhiều đoàn cấp lãnh đạo BQP các nước sang làm việc. Đồng chí Bộ trưởng BQP Phan Văn Giang thăm chính thức Lào; tháp tùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước thăm chính thức Trung Quốc, Singapore; dự các hội nghị đa phương ở nước ngoài (Đối thoại Shangri-La tại Singapore, các Hội nghị ADMM, ADMM+ tại Campuchia) cùng nhiều đoàn lãnh đạo BQP, Quân đội ta đi công tác nước ngoài. Ta cũng duy trì tốt các cơ chế hợp tác đã thiết lập với các nước như triển khai Đối thoại chính sách quốc phòng cấp Thứ trưởng Bộ Quốc phòng với 6 nước (Campuchia, Hoa Kỳ, Israel, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan) và phối hợp tổ chức Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới với cả 3 nước có biên giới liền kề là Trung Quốc, Lào, Campuchia.
Trên bình diện đa phương, ta tiếp tục khẳng định được uy tín, vị thế của đất nước và QĐND Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế khi tích cực, chủ động tham gia, đề xuất sáng kiến tại các diễn đàn hợp tác quốc phòng đa phương khu vực và quốc tế, nhất là trong khuôn khổ ASEAN. Bên cạnh đó, ta đã đăng cai tổ chức thành công một số hoạt động đa phương lớn như: Hội nghị Tư lệnh Lục quân ASEAN lần thứ 23, Giải bắn súng quân dụng lục quân các nước ASEAN lần thứ 30, Cuộc thi “Vùng tai nạn” trong khuôn khổ Hội thao Quân sự quốc tế (Army Games) 2022, Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022 và Chương trình Giao lưu “Cảnh sát biển Việt Nam và những người bạn” lần thứ nhất..., được bạn bè quốc tế đánh giá cao.
Trong lĩnh vực GGHB LHQ, năm 2022, Quân đội đã làm tốt công tác chuẩn bị và đưa Đội công binh số 1, Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 4 đi làm nhiệm vụ tại Phái bộ GGHB LHQ, phối hợp với Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) tại Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị quốc tế phụ nữ với hoạt động GGHB LHQ với sự đồng chủ trì của Phó tổng thư ký LHQ... Việt Nam trở thành một trong các quốc gia đi đầu trong nỗ lực tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào hoạt động GGHB, thể hiện rõ cam kết của Việt Nam đối với mục tiêu bình đẳng giới của LHQ.
PV: Vượt qua những khó khăn, ĐNQP đã chứng kiến những điểm nhấn quan trọng, điển hình là việc Việt Nam lần đầu tiên tổ chức các cuộc giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới với Lào, Campuchia và cũng lần đầu tiên đăng cai tổ chức Triển lãm Quốc phòng quốc tế, Chương trình Giao lưu “Cảnh sát biển Việt Nam và những người bạn” tại Hà Nội. Phải chăng đó là những chỉ dấu cho thấy hoạt động ĐNQP ngày càng phong phú và đi vào hiệu quả thực chất hơn?
Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến: Như đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói, “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Đây là điều kiện thuận lợi để chúng ta mở rộng và thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc phòng với các nước ngày càng đi vào chiều sâu, với các nội dung, hình thức hợp tác ngày càng phong phú và đạt hiệu quả thực chất, góp phần tích cực bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa; đồng thời đưa ra những sáng kiến đóng góp cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Đối ngoại biên giới tiếp tục là điểm sáng khi trong vòng 6 tháng, từ tháng 12-2021 đến tháng 5-2022, chúng ta tổ chức Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới với cả 3 nước Trung Quốc, Lào và Campuchia; trong đó, với Trung Quốc là lần thứ 7; với Lào và Campuchia là lần đầu tiên. Gần đây, chúng ta tiếp tục tổ chức Chương trình Giao lưu “Cảnh sát biển Việt Nam và những người bạn”, với sự tham gia của lực lượng thực thi pháp luật trên biển của 6 nước là láng giềng hoặc có vùng biển giáp ranh với Việt Nam, gồm: Trung Quốc, Campuchia, Thái Lan, Indonesia, Philippines, Malaysia. Những hoạt động này mang ý nghĩa chính trị sâu sắc, góp phần tăng cường tình cảm hữu nghị, đoàn kết giữa chính quyền địa phương, nhân dân khu vực biên giới và lực lượng bảo vệ biên giới trên bộ, lực lượng thực thi pháp luật trên biển của Việt Nam với các nước, đồng thời là biện pháp quan trọng để ta và các nước xây dựng lòng tin chiến lược, thúc đẩy hợp tác thiết thực, xây dựng biên giới trên bộ, trên biển hòa bình, hữu nghị, ổn định và phát triển, "phên giậu" để đất nước ổn định, hợp tác, phát triển.
Năm 2022 cũng là năm đánh dấu bước phát triển mới trong HNQT về quốc phòng của Việt Nam khi lần đầu tiên chúng ta đăng cai tổ chức Triển lãm Quốc phòng quốc tế tại Hà Nội. Trong dịp triển lãm, chúng ta đã đón 52 đoàn khách quốc tế là lãnh đạo BQP, quân đội của 28 nước và hơn 170 doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng đến từ 30 quốc gia trên thế giới có sản phẩm trưng bày tại triển lãm. Sự tham gia của các nước thể hiện sự ủng hộ của đối tác và bạn bè quốc tế đối với sự kiện mà Việt Nam lần đầu tổ chức. Đây là một trong những hoạt động HNQT về quốc phòng quan trọng của BQP, là cơ hội để chúng ta tăng cường hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, tìm kiếm cơ hội xuất khẩu các sản phẩm quốc phòng của Việt Nam; đồng thời cũng là dịp để Việt Nam nghiên cứu, tìm hiểu xu hướng phát triển của vũ khí, trang bị kỹ thuật trên thế giới; từ đó đa dạng hóa hợp tác, tiếp nhận chuyển giao công nghệ của nước ngoài phục vụ sản xuất vũ khí, trang bị kỹ thuật, hậu cần, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
PV: ĐNQP cần triển khai những gì nhằm tiếp tục đóng góp vào mục tiêu vừa thúc đẩy hợp tác, phát triển giữa Việt Nam và các nước, vừa đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, thưa đồng chí?
Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến: Môi trường chính trị, kinh tế, an ninh thế giới đang diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó dự báo. Chúng ta tự hào về những thành tựu đã đạt được, song đừng quên rằng ĐNQP vẫn còn nhiều việc phải làm, trong đó có những nguyên tắc bất biến, có những điều luôn đòi hỏi sự sáng tạo, linh hoạt tùy vào từng hoàn cảnh.
Trong triển khai công tác HNQT và ĐNQP, chúng ta tiếp tục nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa theo phương châm “thêm bạn, bớt thù”, kiên định chính sách “4 không” đã được xác định trong Sách trắng Quốc phòng năm 2019, thúc đẩy ĐNQP để góp phần tăng cường sự tin cậy về chính trị, xây dựng, củng cố quan hệ với các đối tác; vừa hợp tác, vừa đấu tranh nhằm bảo vệ độc lập, chủ quyền lãnh thổ, bảo vệ nhân dân và chế độ XHCN.
Thời gian tới, cần tiếp tục triển khai hoạt động HNQT, ĐNQP đồng bộ, toàn diện, theo đúng chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước. Nâng cao hiệu quả công tác ĐNQP song phương, tiếp tục đưa quan hệ hợp tác của ta với các nước đi vào chiều sâu, thực chất, góp phần củng cố lòng tin chiến lược, nâng cao vị thế, uy tín của đất nước và QĐND Việt Nam trên trường quốc tế. Theo đó, thúc đẩy quan hệ, hợp tác quốc phòng với các nước; xác định đúng những nội dung cần ưu tiên, đa dạng hóa hình thức quan hệ quốc phòng song phương, phù hợp với quan hệ chính trị, kinh tế, ngoại giao, bảo đảm cân bằng quan hệ, đan xen lợi ích, trên nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng, cùng có lợi và tuân thủ luật pháp quốc tế, tập trung vào một số lĩnh vực như: Trao đổi đoàn, đào tạo, khắc phục hậu quả chiến tranh, cứu hộ, cứu nạn, quân y, GGHB LHQ, nghiên cứu chiến lược, khoa học-công nghệ, công nghiệp quốc phòng, an ninh biển... Đẩy mạnh công tác đối ngoại biên giới, tập trung vào hoạt động giao lưu biên giới, tuần tra chung, hợp tác chống tội phạm qua biên giới, kết nghĩa đồn, trạm, hợp tác giải quyết các vấn đề về biên giới... Tiếp tục vận động các nguồn lực từ bên ngoài phục vụ công tác khắc phục hậu quả chiến tranh tại Việt Nam.
Chủ động, tích cực tham gia các cơ chế, diễn đàn an ninh khu vực và quốc tế, nhất là cơ chế hợp tác quốc phòng trong khuôn khổ ASEAN, do ASEAN giữ vai trò trung tâm, đóng góp tích cực vào duy trì hòa bình, ổn định, phát triển của khu vực và thế giới; đẩy mạnh tham gia hoạt động GGHB LHQ theo hướng mở rộng lĩnh vực, địa bàn và quy mô; chủ động đăng cai và tích cực tham gia các sự kiện đối ngoại đa phương về quốc phòng, như: Hội thao quân sự, hội nghị, hội thảo, giao lưu quân sự, triển lãm công nghiệp quốc phòng...
Bên cạnh đó, cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác nắm tình hình, nghiên cứu, dự báo chiến lược, coi đây là một trong những giải pháp trọng tâm, mang tính quyết định để nâng cao hiệu quả tham mưu chiến lược về HNQT và ĐNQP, trong hoạch định chiến lược, sách lược đối ngoại nói chung, ĐNQP nói riêng. Đổi mới công tác thông tin tuyên truyền ĐNQP theo hướng chủ động, tích cực, sáng tạo, hiệu quả, đa dạng hóa hình thức, nâng cao chất lượng nội dung và phương thức thông tin. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến ĐNQP bảo đảm phù hợp luật pháp, thông lệ quốc tế và đồng bộ, thống nhất với văn bản pháp luật đối ngoại của Nhà nước, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; nâng cao hiệu quả công tác phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương trong thực hiện HNQT và ĐNQP; tiếp tục bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ cán bộ làm công tác ĐNQP có bản lĩnh chính trị vững vàng, ý thức tổ chức kỷ luật nghiêm, phẩm chất, đạo đức, lối sống lành mạnh, trong sạch, có kiến thức toàn diện, thành thạo nghiệp vụ chuyên môn, trình độ ngoại ngữ giỏi, đáp ứng yêu cầu mở rộng và nâng tầm công tác HNQT và ĐNQP trong tình hình mới.
PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!
VŨ HÙNG (thực hiện)