Đội ngũ an ninh quốc gia Mỹ thót tim khi bị ông Trump 'thanh lọc'

Tổng thống Trump vừa cho nghỉ việc hàng loạt nhân vật hàng đầu trong cộng đồng tình báo, an ninh và quân sự Mỹ. Dư luận Mỹ lo ngại việc ông Trump chú ý đến sự trung thành của những người này đối với bản thân ông hơn là đối với Hiến pháp Mỹ.

Tuần trước, Tổng thống Trump sa thải Giám đốc Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) và Bộ chỉ huy tác chiến mạng (USCyberCom). Mặc dù hiện ông Trump đang vận động tinh gọn bộ máy chính phủ, động thái cách chức viên tướng 4 sao Timothy Haugh vẫn là điều ít người ngờ tới.

Tướng Haugh đã được Hạ viện Mỹ nhất trí phê chuẩn vào năm 2023 làm người đứng đầu NSA và USCyberCom. Mặc dù được cựu Tổng thống Mỹ Biden bổ nhiệm, ông Haugh về cơ bản vẫn được coi là nhân vật trung lập, không nghiêng về đảng nào.

Tổng thống Trump. Ảnh: Forbes.

Tổng thống Trump. Ảnh: Forbes.

Tướng Haugh công tác trong lĩnh vực tình báo tín hiệu và là một sĩ quan chuyên nghiệp với hiểu biết sâu về các thách thức của Mỹ trong lĩnh vực an ninh mạng trước các đối thủ ngang tầm hoặc các nhóm tội phạm.

Với bối cảnh đó, không có gì ngạc nhiên khi giới lập pháp Mỹ bày tỏ tức giận và quan ngại về việc ông Haugh bị cách chức.

Liên quan đến vấn đề trên, Thượng nghị sĩ Angus King - thành viên các Ủy ban Quân vụ và Tình báo của Thượng viện Mỹ, nói với các phóng viên vào ngày 3/4/2025 rằng “Chúng ta đang bị tấn công, Tổng thống đã cách chức một cách thiếu trách nhiệm đối với viên tướng quan trọng của chúng ta trong lĩnh vực này… Đây là một quyết định gây phẫn nộ”.

Sĩ quan quân đội Mỹ thường bị tước quyền chỉ huy do mất tín nhiệm, như với trường hợp Đại úy David Snowden, sĩ quan chỉ huy tàu sân bay hạt nhân lớp Nimitz của hải quân Mỹ sau khi tàu này va chạm với một tàu thương mại ở Địa Trung Hải hồi tháng 2.

Trong khi đó, trường hợp của ông Haugh được cho là do thiếu trung thành với ông Trump.

Vì sao ông Haugh chịu búa rìu?

Người ta cho rằng việc cách chức Haugh cùng với Phó Giám đốc NSA Wendy Noble là do sự hối thúc của một nhân vật cực hữu đứng đằng sau rèm, đó là bà Laura Loomer.

Không chỉ Thượng nghị sĩ King phản ứng tức giận trước việc các ông Haugh và Noble bị miễn nhiệm chức vụ. Chủ tịch Tiểu ban an ninh mạng thuộc Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ, Don Bacon, giãi bày trên mạng xã hội X vào ngày 4/4 vừa qua: “Ông ấy bị cách chức mà không có sự giải thích công khai nào. Hành động này làm thụt lùi hoạt động của tình báo tín hiệu và an ninh mạng chúng ta”.

Sự giải thích rõ ràng nhất mà công chúng Mỹ nhận được lại đến từ bà Loomner, người đã lên mạng xã hội ngay sau khi hai ông Haugh và Noble bị cách chức.

Bà Loomer đăng tải lên mạng X: “Giám đốc NSA Tim Haugh và viên phó Wendy Noble đã bất trung với Tổng thống Trump. Đó là lý do họ bị sa thải”… Tướng Haugh không có chỗ để phục vụ trong chính quyền Trump khi mà ông ấy là người do Biden bổ nhiệm, động thời lại được đích thân tướng Milley lựa chọn, trong khi tướng Milley đã bị Tổng thống Trump tố phạm tội phản quốc”.

Thanh lọc trong Hội đồng An ninh quốc gia (NSC)

Việc thanh lọc nói trên diễn ra sâu hơn, không dừng lại ở NSA và USCyberCom. Ông Trump còn sa thải ít nhất 6 thành viên của Hội đồng An ninh quốc gia, những người đã cố vấn cho Tổng thống về an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại. Chiều 7/4, trang chính thức của NSC trong web Nhà Trắng đã bị lỗi “404 (không tìm thấy trang)”.

NSC có nhiệm vụ cố vấn cho tổng thống Mỹ về các vấn đề an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại, điều phối các chính sách với các cơ quan của chính phủ.

Trên chiếc chuyên cơ Không lực Một, Tổng thống Trump nói với các phóng viên rằng thông lệ ở đây là sa thải “những ai mà chúng tôi không thích hoặc chúng tôi cho rằng không làm được việc hoặc chỉ trung thành với ai đó khác”.

Ông Trump không giải thích cụ thể những người bị ông sa thải là trung thành với ai. Tuy nhiên các sĩ quan như tướng Haugh đã phải tuyên thệ trung thành với Hiến pháp Mỹ, chứ không phải với một cá nhân, bao gồm cả tổng thống Mỹ.

Nhà phân tích địa chính trị Irina Tsukerman - Chủ tịch hãng đánh giá mối nguy chính trị Scarab Rising, nhận định: “Các vụ cách chức mới đây đối với các quan chức chủ chốt của NSA cũng như USCyberCom đánh dấu một thời khắc quan trọng trong quản trị của nước Mỹ - những diễn biến này cần phải được xem xét từ góc độ chiến lược và những hậu quả an ninh tiềm tàng”.

Irina Tsukerman nói tiếp: “Việc ông Trump viện dẫn lý do trung thành đã đặt ra nhiều vấn đề nghiêm trọng, khi sự trung thành với cá nhân tổng thống là điều quan trọng hơn trung thành với Hiến pháp Mỹ”.

Cơ quan nào của Mỹ sẽ bị “xử lý” tiếp?

Ít nhất 8 cá nhân trong các cơ quan an ninh chủ chốt đã bị cách chức. Trong số này có Brian Walsh - giám đốc cấp cao về tình báo; Thomas Boodry - giám đốc cấp cao về các vấn đề pháp lý; và David Feith - giám đốc cấp cao về công nghệ và an ninh quốc gia.

Đáng chú ý, việc cách chức nói trên diễn ra chỉ 2 tuần sau khi một số quan chức tỏ ra trung thành với ông Trump không vấp phải sự trừng phạt nào vì đã bất cẩn chia sẻ các chi tiết mật về một cuộc tấn công vào vị trí của nhóm vũ trang Hồi giáo Houthi thông qua ứng dụng tin nhắn Signal.

Jeffrey Goldberg - Tổng biên tập tờ Atlantic, đã vô tình được đưa vào một nhóm chat do Cố vấn An ninh quốc gia Mike Waltz lập ra, trong đó có cả Ngoại trưởng Marco Rubio và Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth.

Trong chiến dịch tranh cử của ông Trump năm 2024, ông Waltz đã lưu nhầm số của Goldberg.

Thượng nghị sĩ Mark Warner viết: “Đáng ngạc nhiên là Tổng thống Trump lại đi sa thải vị lãnh đạo giàu kinh nghiệm và phi đảng phái của NSA trong khi không bắt bất cứ thành viên nào trong đội ngũ của ông ấy phải chịu trách nhiệm về việc rò rỉ thông tin mật trên ứng dụng tin nhắn thương mại”.

Trong khi đó, Tsukerman bổ sung: “Nhiều người lo ngại về sự xói mòn trong tính chuyên nghiệp, khách quan và liêm chính vốn là nền tảng cho các nỗ lực tình báo của Mỹ… Khi giới tình báo và an ninh mạng cấp cao bị thanh lọc, còn những người thế chỗ lại thiếu kinh nghiệm an ninh quốc gia cần thiết thì tính liên tục và tính hiệu quả của tình báo Mỹ trong phát hiện và răn đe các mối đe dọa sẽ bị tổn hại”.

Tầm ảnh hưởng đặc biệt của bà Loomer

Những vụ cách chức nói trên cho thấy ảnh hưởng của Laura Loomer trong Nhà Trắng. Chính Tổng thống Mỹ Trump đã thừa nhận rằng bà Loomer có được quyền tiếp cận với ông .gần như chưa từng có tiền lệ. Ngay cả tỷ phú công nghệ Elon Musk - Bộ trưởng Bộ Hiệu quả chính phủ Mỹ (DOGE) dường như cũng không được ông Trump lắng nghe nhiều như bà Loomer.

Chính ông Trump thừa nhận: “Cô ấy đưa ra những khuyến nghị về công việc, con người và đôi lúc tôi lắng nghe những khuyến nghị ấy.. Cô ấy luôn có điều gì đó để nói, thường là rất mang tính xây dựng. Cô ấy đề xuất vài người cho một số vị trí công việc”.

Dường như ông Trump đón nhận các gợi ý của bà Loomer về sự bất trung của một số quan chức mà không tìm kiếm thêm thông tin sâu về những chuyện như vậy.

Tiến sĩ Matthew J. Schmidt - phó giáo sư về an ninh quốc gia và chính trị học tại Đại học New Haven đã so sánh tầm ảnh hưởng của Loomer với tầm ảnh hưởng của Grigori Rasputin - nhân vật bí hiểm thân quen với Sa hoàng Nicholas II và Hoàng hậu Nga Alexandra Feodorovna. Bà Loomer hôm 6/4 thừa nhận mục tiêu của mình là làm việc trong chính quyền.

Trung Hiếu/VOV.VN biên dịch Nguồn: National Interest

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/ho-so/doi-ngu-an-ninh-quoc-gia-my-thot-tim-khi-bi-ong-trump-thanh-loc-post1191117.vov