Đội ngũ giảng viên có đáp ứng được nhu cầu đào tạo ngành vi mạch bán dẫn?
Là người được đào tạo và nghiên cứu về lĩnh vực thiết kế vi mạch bán dẫn, TS. Nguyễn Đức Minh, Phó Hiệu trưởng Trường Điện - Điện tử (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho rằng, nhu cầu về nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn là cơ hội đi cùng những thách thức với Việt Nam.
Thưa ông, xin ông cho biết, chúng ta có nền tảng đào tạo công nghệ bán dẫn như thế nào?
Đại học Bách Khoa đã có truyền thống nghiên cứu và đào tạo trong lĩnh vực bán dẫn, thiết kế, chế tạo vi mạch và thiết bị điện tử. Từ những năm 1970, Bộ môn Vật lý chất rắn thuộc Khoa Toán Lý, Đại học Bách khoa Hà Nội (tiền thân của Khoa Vật lý kỹ thuật) đã bắt đầu đào tạo sinh viên ngành Vật lý chất rắn, trong đó có định hướng chuyên sâu lĩnh vực bán dẫn.
Năm 1992, với sự giúp đỡ của Chính phủ Hà Lan và sự chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đại học Bách Khoa Hà Nội đã thành lập Viện Đào tạo Quốc tế về Khoa học Vật liệu (ITIMS). Viện có mục tiêu đào tạo nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực khoa học vật liệu và đặc biệt là định hướng đào tạo, nghiên cứu vật liệu điện tử - bán dẫn.
Từ năm 2009, Trường Điện - Điện tử đã đưa chuyên ngành Thiết kế vi mạch vào giảng dạy trong chương trình ngành Điện tử - Viễn thông. Đại học Bách khoa Hà Nội phối hợp với doanh nghiệp mở ngành Đào tạo kỹ sư vi mạch.
Trước nhu cầu nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu, năm 2023, Đại học Bách khoa Hà Nội đã mở Chương trình kỹ thuật Vi điện tử và Công nghệ nano thuộc Trường Vật Liệu để đào tạo kỹ sư chế tạo vi mạch.
Hiện nay, tổng số sinh viên theo học 2 ngành đúng về chip bán dẫn là Điện tử - Viễn thông (chuyên ngành thiết kế vi mạch) và Kỹ thuật vi điện tử có khoảng 120 sinh viên.
Với xu hướng có thể sẽ có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào ngành chip bán dẫn tại Việt Nam, nhu cầu nhân lực ngành chip bán dẫn có thể tăng. Để đáp ứng được nhu cầu nhân lực của thị trường, Đại học Bách khoa Hà Nội đang tập trung tăng cường chất lượng của các ngành đúng với mục tiêu hàng năm cung cấp được khoảng 120 - 150 kỹ sư vi mạch bán dẫn ra thị trường.
Nếu nhu cầu nhân lực tiếp tục tăng, Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ tổ chức các khóa học chuyên sâu ngắn hạn theo nhu cầu doanh nghiệp, để đào tạo chuyển đổi cho các kỹ sư ngành gần sang làm việc trong lĩnh vực chip bán dẫn.
Các chương trình đào tạo ngành gần của Đại học Bách Khoa Hà Nội đang đào tạo khoảng 3.000 kỹ sư mỗi năm, có thể chuyển đổi sang lĩnh vực chip bán dẫn sau 1 năm đào tạo chuyên sâu. Để tích lũy kinh nghiệm cho sinh viên mới ra trường, Đại học Bách khoa Hà Nội có chiến lược hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp thông qua các chương trình thực tập, đồng hướng dẫn tốt nghiệp trong đó với chương trình đào tạo kỹ sư chuyên sâu đặc thù sinh viên cần có 1 học kỳ thực tập tại doanh nghiệp. Điều đó giúp cho sinh viên có thể được tính là kỹ sư có từ 6 tháng đến 1 năm kinh nghiệm khi mới ra trường.
Việt Nam nên chọn phân khúc nào trong chuỗi cung ứng nhân lực của ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu, thưa ông?
Chuỗi công nghiệp bán dẫn có tính toàn cầu hóa rất cao với các trung tâm nghiên cứu phát triển, thiết kế vi mạch và các nhà máy sản xuất đóng gói trải rộng trên toàn thế giới dẫn đầu là Mỹ, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc và Châu Âu. Trong đó, các khâu thiết kế tập trung ở Mỹ, sản xuất ở Đài Loan, Hàn Quốc trong khi Nhật Bản và Châu Âu cung cấp các công cụ, máy móc, nguyên vật liệu quan trọng.
Tuy nhiên, sau các căng thẳng về chuỗi cung ứng bán dẫn liên quan đến thiên tai, dịch bệnh và xung đột địa chính trị gần đây, các nước và các công ty hàng đầu đang có xu hướng tìm cách đa dạng hóa nguồn cung bằng cách đầu tư xây dựng các cơ sở sản xuất, thiết kế mới ở các nước bản địa hoặc các nước khác ngoài Đài Loan. Làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng của công nghiệp bán dẫn này sẽ là cơ hội cho Việt Nam để từng bước tham gia vào chuỗi công nghiệp bán dẫn.
Ngành công nghiệp chip bán dẫn với các khâu Thiết kế tạo ra 50% giá trị gia tăng sản xuất. Bao gồm sản xuất Phiến bán dẫn tạo ra 24% giá trị gia tăng và Đóng gói kiểm tra tạo ra 6% giá trị gia tăng
Trong đó sản xuất Phiến bán dẫn đòi hỏi vốn đầu tư lớn, trình độ khoa học công nghệ và quản trị phát triển cao. Khâu thiết kế đòi hỏi khả năng đổi mới sáng tạo lớn, tạo ra giá trị gia tăng lớn vì sở hữu các sản phẩm cuối cùng tạo ra doanh thu.
Trong giai đoạn hiện nay, ngành này có thể làm chủ được một số quy trình sản xuất bán dẫn đơn giản và thế mạnh trong các mắt xích quan trọng sản xuất bán dẫn công nghệ cao. Do vậy, cần phân loại thế mạnh để lựa chọn các quy trình sản xuất quốc tế, hiện đại.
Vậy, ông cho rằng số lượng người nghiên cứu, giảng dạy, làm việc trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn hiện nay có đáp ứng được nhu cầu đào tạo?
Thực tế, số lượng người Việt nghiên cứu, giảng dạy, làm việc trong lĩnh vực bán dẫn không hề ít. Đặc biệt là các chuyên gia người Việt Nam tại nước ngoài. Có một số người có nhiều đóng góp và có tiếng trong cộng đồng chip bán dẫn như GS. Đặng Lương Mô, bà Nguyễn Bích Yến, bà Lê Duy Loan... Các chuyên gia này có thể tư vấn xây dựng đội ngũ giảng dạy, nghiên cứu tại các trường Đại học.
Ngoài ra, các đề án đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Bộ Giáo dục và Đào tạo như đề án 322, đề án 89 cũng sẽ góp phần xây dựng đội ngũ giảng viên trong lĩnh vực bán dẫn.
Đại học Bách khoa Hà Nội có các chính sách liên quan đến đào tạo tạo nguồn giảng viên để thúc đẩy và tăng cường cả số lượng, chất lượng cho giảng viên trong ngành bán dẫn. Đồng thời, Đại học Bách Khoa phối hợp với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia và phối hợp với các hãng lớn để thực hiện các khóa học để đào tạo các giảng viên, chuyển đổi các giảng viên đang hoạt động trong lĩnh vực về vật lý, kỹ thuật, vật liệu điện tử để chuyển đổi thành các giảng viên để dễ dàng giảng dạy trong lĩnh vực thiết kế vi mạch bán dẫn.
Tuy nhiên, nhu cầu về nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn là cơ hội đi cùng những thách thức trong việc đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực cho lĩnh vực chip bán dẫn.
Thứ nhất, Việt Nam đứng trước sự cạnh tranh của các nước như Singapore, Malaysia, Indonesia, Philipine, Trung Quốc. Đây là những nước đã có các chiến lược đầu tư dài hạn với nguồn vốn lớn trong lĩnh vực chip bán dẫn.
Thứ hai, chuỗi công nghiệp chip bán dẫn là chuỗi hoạt động rất chặt chẽ với nhiều rào cản về trình độ công nghệ, vốn và trình độ quản lý. Không dễ để nhân lực Việt nam có thể được trọng dụng, thăng tiến trong ngành công nghiệp này, nơi người Ấn Độ, Trung Quốc đang chiếm ưu thế về kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng.
Thứ ba, nguồn lực về con người, cơ sở vật chất, công cụ phần mềm và máy móc và học liệu trong lĩnh vực chip bán dẫn của Việt Nam còn thiếu và yếu. Điều đó dẫn tới sự giới hạn về kỹ năng thực hành, kiến thức thực tế của sinh viên mới tốt nghiệp.
Trân trọng cảm ơn ông!