Đội ngũ trí thức Trà Vinh tích cực đóng góp vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa kinh tế tỉnh nhà

Trí thức là người lao động trí óc, có trình độ học vấn cao về lĩnh vực chuyên môn nhất định, có năng lực tư duy độc lập, sáng tạo, truyền bá và làm giàu tri thức, tạo ra những sản phẩm tinh thần và vật chất có giá trị đối với xã hội. Lịch sử phát triển của thế giới đã chứng minh bất cứ một quốc gia, dân tộc nào muốn phát triển nhanh và bền vững thì vai trò của nguồn nhân lực trong đó đội ngũ trí thức giữ vai trò hết sức quan trọng mang tính quyết định.

Trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, đội ngũ trí thức ở Trà Vinh đã có những đóng góp quan trọng, nhiều trí thức được Đảng tuyên truyền, vận động đã giác ngộ, dấn thân vào cuộc đấu tranh đầy hy sinh, gian khổ trong các Cao trào cách mạng từ năm 1930 - 1945, làm nên thắng lợi cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945; tiếp tục tham gia hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đầy hy sinh, gian khổ như: Từ Bá Đước, Bác sĩ Mạch Dùng, Luật sư Nguyễn Văn Trí; các Nhà giáo: Nguyễn Duy Khâm, Huỳnh Nhật Thăng, Nguyễn Trí Tài, Đỗ Văn Nại, Cao Phát Thành, Dư Nhật Thăng, Vương Nghiễn, Nguyễn Văn Tân, Dương Văn Vinh; Bác sĩ Nguyễn Thiện Thành; các nhân sĩ, trí thức người Khmer như: Lâm Phái, Maha Sơn Thông, Sơn Ngọc Minh, Sơn Vọng, Thạch Som, Thạch Sa Bút, Luis Sa Rát...

Trong đó, có nhiều vị được Đảng tin tưởng giao đảm nhận nhiều vị trí chủ chốt trong bộ máy Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể như: Từ Bá Đước, Chủ tịch Ủy ban Hành chính lâm thời tỉnh; Nguyễn Duy Khâm, Chủ tịch UBND tỉnh; Lâm Phái, Phó Chủ tịch Ủy ban Hành chính kháng chiến tỉnh; Vương Nghiễn, Chủ tịch Mặt trận Việt minh tỉnh; Dương Văn Vinh, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Dân tộc giải phóng khu Tây Nam Bộ; Maha Sơn Thông, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Dân tộc giải phóng khu Tây Nam Bộ, Phó Chủ tịch UBND cách mạng Khu Tây Nam Bộ; bà Bùi Thị Mè, Ủy viên Ủy ban Mặt trận Dân tộc giải phóng Khu Tây Nam Bộ; Luis Sa Rát, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Dân tộc giải phóng tỉnh; Hòa thượng Sơn Vọng, Phó Chủ tịch Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Bảo vệ hòa bình thế giới miền Nam Việt Nam; Hòa Thượng Thạch Som, Ủy viên Ủy ban Mặt trận Dân tộc giải phóng khu Tây Nam Bộ, Chủ tịch Hội sư sãi yêu nước (nay là Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước) khu Tây Nam Bộ ...

Tên tuổi của các trí thức có công với nước, với tỉnh nhà trong cách mạng giải phóng dân tộc mãi mãi trường tồn trong lòng dân tộc, đất nước, Đảng bộ, quân và dân Trà Vinh.

Sau 48 năm tỉnh nhà được giải phóng, đặc biệt là sau hơn 30 tái lập tỉnh, đội ngũ trí thức của tỉnh Trà Vinh không ngừng phát triển cả số lượng và chất lượng. Hiện nay, tỉnh có 16.672 trí thức có trình từ đại học trên đại học (chỉ tính trong cán bộ, công chức, viên chức); trong đó: tiến sĩ và chuyên khoa II có 148 người; thạc sĩ và chuyên khoa I là 1.915 người; đại học 14.619 người.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X (2015 - 2020) và thứ XI (2020 - 2025), trong giai đoạn 2016 - 2020, tốc độ tăng tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn tỉnh đạt 9,41%/năm; 02 năm 2021, 2022 và 6 tháng đầu năm 2023, trong điều kiện bị tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, thiên tai, dịch bệnh... nhưng tăng trưởng kinh tế vẫn đạt bình quân 3,12%/năm.

Tổng sản phẩm trên địa bàn theo giá hiện hành đến tháng 6/2023 đạt 77.475 tỷ đồng; tổng số vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2016 - 2020 là 114.707 tỷ đồng, 02 năm 2021, 2022 và 6 tháng đầu năm 2023 đạt 78.342 tỷ đồng; GDP bình quân đầu người đến tháng 6/2023 đạt 75,97 triệu đồng/người/năm.

Hoạt động khoa học và công nghệ (KH-CN) có những chuyển biến tích cực, các đề tài, dự án nghiên cứu đi vào chiều sâu, tập trung vào phát triển ngành, lĩnh vực tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, triển khai như: nông nghiệp hữu cơ, sinh học, giống với gần 100 đề tài nghiên cứu, ứng dụng KH - CN (từ 2016 đến tháng 6/2023), góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Những thành tựu trên đây có sự đóng góp to lớn của đội ngũ trí thức Trà Vinh: Trí thức giữ các cương vị lãnh đạo đã phát huy tốt vai trò nòng cốt trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội.

Trí thức là cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng được các yêu cầu nhiệm vụ, tích cực tham mưu và thực hiện các chủ trương, cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh. Nhiều trí thức trẻ thể hiện tính năng động sáng tạo, thích ứng nhanh với kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế.

Trí thức trong lĩnh vực KH-CN thường xuyên quan tâm học tập, nâng cao trình độ mọi mặt, đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu KH-CN, đổi mới sáng tạo. Số đội ngũ trí thức tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học ngày càng tăng, đã thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội.

Trí thức trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội, giáo dục, y tế, an ninh - quốc phòng cũng không ngừng phấn đấu vươn lên, có nhiều đóng góp quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Nhìn chung, bức tranh kinh tế - xã hội của tỉnh trong những năm qua có nhiều khởi sắc và những thành tựu đáng ghi nhận. Tuy vậy, nhiều tiềm năng và lợi thế của tỉnh vẫn chậm được khai thác; hoạt động nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu KH-CN trên nhiều lĩnh vực chưa đạt theo yêu cầu. Sản lượng, năng suất, chất lượng của nhiều sản phẩm hàng hóa và dịch vụ trên nhiều lĩnh vực thiếu tính cạnh tranh, liên kết vùng chưa chặt chẽ. Quy mô kinh tế còn nhỏ, tăng trưởng chưa bền vững, đặc biệt 2,5 năm đầu nhiệm kỳ Đại hội XI, tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm đáng kể so nhiệm kỳ trước, trong đó năm 2021 tăng trưởng âm (-1,28%). Việc xây dựng và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm được quan tâm chỉ đạo, nhưng thực hiện còn chậm so yêu cầu. Hoạt động quản lý nhà nước đối với lĩnh vực KH-CN còn nhiều bất cập; cơ chế, chính sách đối với trí thức chưa thật sự thu hút trí thức tham gia nghiên cứu khoa học, tư vấn, phản biện. Đội ngũ cán bộ trên lĩnh vực KH-CN của tỉnh còn hạn chế cả về trình độ và năng lực, ít được tiếp cận với các lĩnh vực công nghệ mới ở cả trong nước và trên thế giới.

Từ những kết quả đạt được cũng như những hạn chế, yếu kém, đồng thời trước yêu cầu đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng cường ứng dụng KH-CN, đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số, xã hội số, kinh tế tuần hoàn,... theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Trà Vinh lần thứ XI nhiệm kỳ 2020 - 2025 và Kết luận tại hội nghị giữa nhiệm kỳ đang đặt ra những yêu cầu mới đối với Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh nói chung và đội ngũ trí thức của tỉnh Trà Vinh nói riêng.

Ý thức được vai trò, trách nhiệm trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế của tỉnh, đội ngũ trí thức tỉnh Trà Vinh đang ra sức học tập, rèn luyện, nghiên cứu, sáng tạo, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà. Trí thức Trà Vinh trước đây đã đồng hành cùng Đảng bộ và Nhân dân tỉnh nhà trong cuộc đấu tranh giành độc lập cho Tổ quốc, tự do cho Nhân dân. Trí thức ngày nay đang tích cực tham gia vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế của tỉnh.

Bên cạnh sự nỗ lực của đội ngũ trí thức, rất cần sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội tạo điều kiện và phối hợp để trí thức phát huy được công sức, trí tuệ của mình vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế của tỉnh. Trong đó, cần tập trung vào một số giải pháp sau:

Một là, tiếp tục đổi mới và nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và mọi người dân về vị trí, vai trò của đội ngũ trí thức theo Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 (khóa XIII) về “Tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới”. Trong đó cần chú trọng quán triệt các quan điểm:

(1) Trí thức Việt Nam là lực lượng lao động sáng tạo đặc biệt; có trình độ học vấn cao, kiến thức sâu, rộng về một lĩnh vực chuyên môn; có trí tuệ, có năng lực, tư duy độc lập, sáng tạo, khả năng tạo ra sản phẩm vật chất hoặc tinh thần chất lượng cao; có phẩm chất đạo đức trong sáng, tinh thần yêu nước, tiên phong, dấn thân, sẵn sàng cống hiến vì nước vì dân; có vinh dự và bổn phận cống hiến xây dựng, phát triển đất nước, nâng cao dân trí, đào tạo nhân tài trên các lĩnh vực, góp phần quan trọng nâng tầm trí tuệ và sức mạnh của dân tộc, thúc đẩy đất nước phát triển nhanh, bền vững; làm cơ sở củng cố, nâng cao chất lượng liên minh công - nông - trí, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

(2) Xây dựng đội ngũ trí thức ngày càng lớn mạnh, chất lượng cao, có cơ cấu hợp lý trở thành lực lượng quan trọng của đất nước,... là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

(3) Phát huy các giá trị tinh hoa văn hóa, truyền thống trọng dụng trí thức, truyền thống "tôn sư trọng đạo", coi "hiền tài là nguyên khí quốc gia". Tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để phát triển và phát huy đội ngũ trí thức,... Tôn trọng, phát huy tự do tư tưởng, học thuật, thực hành dân chủ trong hoạt động nghiên cứu sáng tạo; có cơ chế, chính sách đặc biệt trọng dụng nhân tài, trí thức tinh hoa, chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành, nhà khoa học có khả năng chủ trì các nhiệm vụ KH-CN đặc biệt quan trọng; các văn nghệ sĩ tài năng.

Tổ chức tốt việc học tập quán triệt Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII), xây dựng Chương trình hành động của các cấp ủy, chính quyền; Mặt trận và các đoàn thể sát hợp với tình hình, địa phương, đơn vị để góp phần xây dựng phát triển đội ngũ trí thức tỉnh nhà có trí tuệ, năng lực, tư duy độc lập, có tinh thần đổi mới, sáng tạo, có khả năng tạo ra sản phẩm vật chất hoặc tinh thần chất lượng cao; có phẩm chất đạo đức trong sáng, tinh thần yêu nước, tiên phong, dấn thân, sẵn sàng cống hiến vì nước vì dân, vì sự phát triển của tỉnh nhà.

Hai là, cần quan tâm nâng cao năng lực hoạt động thực tiễn của đội ngũ trí thức gắn với nhiệm vụ thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế của tỉnh; đội ngũ trí thức phải tiên phong trong chuyển đổi số và phát triển kinh tế số trên mọi ngành, lĩnh vực của tỉnh.

Ba là, cần quan tâm thực hiện các cơ chế, chính sách đãi ngộ tương xứng với giá trị sức lao động của đội ngũ trí thức, tạo điều kiện thuận lợi trong hoạt động nghiên cứu khoa học, hoạt động tư vấn, phản biện theo Quyết định số 27/2018/QĐ-UBND, ngày 08/8/2018 của UBND tỉnh Quy định thực hiện nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp các Hội KH-KT tỉnh. Quan tâm xây dựng đội ngũ chuyên gia đầu ngành trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội trọng yếu của tỉnh.

Bốn là, nâng cao hiệu quả thực hiện các chương trình đào tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý trẻ tuổi, có trình độ sau đại học. Triển khai thực hiện việc đưa cán bộ, công chức, viên chức, sinh viên có phẩm chất, đạo đức, triển vọng đi đào tạo ở nước ngoài theo Kết luận số 39-KL/TW, ngày 18/7/2022 của Bộ Chính trị “Về chủ trương bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước”.

Năm là, triển khai tổ chức thực hiện Kết luận số 93-KL/TW, ngày 20/11/2020 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW, ngày 16/4/2010 của Bộ Chính trị khóa X “về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Liên hiệp các Hội KH-KT Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, tạo mọi điều kiện thuận lợi để Liên hiệp các Hội KH-KT tỉnh hoạt động, làm tốt vai trò, chức năng là tổ chức chính trị - xã hội của đội ngũ trí thức KH-CN tỉnh nhà.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, đội ngũ trí thức Trà Vinh sẽ gặp không ít khó khăn, thử thách. Nhưng chúng ta tin chắc rằng, đội ngũ trí thức Trà Vinh sẽ phát huy truyền thống của các thế hệ cha, anh trong cách mạng giải phóng dân tộc, không ngừng học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau, góp phần đưa Trà Vinh đạt chuẩn nông thôn mới trước năm 2025, là tỉnh phát triển trong nhóm đầu của khu vực đồng bằng sông Cửu Long trước năm 2030.

TRẦN BÌNH TRỌNG

(Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH-KT tỉnh)

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/xay-dung-dang/doi-ngu-tri-thuc-tra-vinh-tich-cuc-dong-gop-vao-su-nghiep-cong-nghiep-hoa-hien-dai-hoa-kinh-te-tinh-nha-33528.html