Đối nhân xử thế qua ca dao tục ngữ người Tày
Ca dao, tục ngữ là nơi kết tinh, lắng đọng vốn sống và những kinh nghiệm quý báu trong dân gian. Đây là loại hình văn nghệ truyền miệng từ đời nay qua đời khác được đồng bào Tày Tuyên Quang giữ gìn, trân quý.
Người Tày có kho tàng tục ngữ, thành ngữ để khuyên răn dạy bảo con người. Tục ngữ của người Tày có số lượng phong phú, chủ đề đa dạng, đề cập đến nhiều vấn đề của cuộc sống. Dù chân thực, giản dị nhưng ca dao, tục ngữ Tày cho thấy người dân nơi đây có những lối suy nghĩ khá sâu sắc. Câu nói vần vè, giản di góp phần định hướng nhân cách: “Chắc pậu chắc rà, dà tải vả lang lai” (Biết người biết ta, đừng ba hoa làm gì) hay câu tục ngữ: “Hết cần dá pác van thấy thốm, hết cần dá thấy thốm thim chan” (Làm người chớ miệng ngọt ruột đắng, làm người chớ ruột đắng lòng gian).
Cũng như các dân tộc khác, người Tày đặc biệt coi trọng lòng hiếu nghĩa của con cháu với cha mẹ, ông bà. Người Tày Nà Hang, Chiêm Hóa thường răn dạy con cháu: “Cần hâu án đáy bâu mạy trang đông, cần hâu án đáy công pỏ mẻ” (Ai đếm được lá rừng, ai kể được công ơn cha mẹ); “Liệng lục chắng chắc công pỏ mẹ” (Nuôi con mới biết công cha mẹ). Câu tục ngữ nói về sự gắn bó tình cảm anh chị em trong gia đình được đúc kết tinh tế: “Pi noọng tọng phiăc kheo” (Anh em liền bụng rau xanh);”Tàng bấu pây rộc nhá khà, pi nojoong bấu pây mà pền lác” (Đường không đi cỏ tranh mọc, anh em không đi lại thành người lạ).
Bản chất người dân tộc Tày sống ngay thẳng và thật thà. Chính vì vậy, người Tày không thích những lời nói và cách sống giả dối, hai lòng. Giáo dục con cháu phải sống chân chính, họ dạy con cháu rằng: “Dù chính bấu lao ngày páy, cần đây bấu lao phít xá” (Đứng thẳng không sợ lệch bóng/Người tốt không sợ sai lầm) hay câu: “Dú đây kin bấu lẹo, cột quẹo kin bấu đo” (Ở ngay ăn không hết, cong queo ăn không đủ).
Ngày nay, tại một số bản làng người Tày trong đời sống hàng ngày người già vẫn răn dạy người trẻ bằng ca dao tục ngữ. Trong các dịp lễ Tết người Tày đến chơi nhà nhau cũng sử dụng các câu tục ngữ để chúc gia chủ ăn một năm bình an, làm ăn thuận lợi, suôn sẻ. Người Tày thường nói: “Slam bươn kha sộc, slốc bươn kha loỏng” được hiểu là nuôi lợn 3 tháng to bằng chiếc cối giã gạo, 6 tháng to bằng chiếc loỏng đập lúa. Hay câu chúc “Pất cáy têm cai, mò vài têm lảng”, nghĩa là: gà, vịt đầy sàn nhà, trâu, bò đầy chuồng.
Đặc điểm của tục ngữ nói chung và tục ngữ Tày là ngắn gọn, súc tích, tuy chứa đựng những nội dung tương đối lớn nhưng hình thức mỗi câu lại rất nhỏ: Ép chặt thành từng từ như ép ngón tay thành quả đấm, dè sẻn từng tiếng sao cho lời nói cô đọng giàu ý nghĩa. Trải qua bao biến thiên cuộc sống, trong thời đại hôm nay nó vẫn còn vẹn nguyên giá trị răn dạy con người về cách đối nhân xử thể trong cuộc sống.