Đổi nơi đăng ký BHYT hộ gia đình, quyền lợi có bị ảnh hưởng?
Bạn đọc quan tâm việc chuyển đổi nơi khám chữa bệnh ban đầu từ BV Thống Nhất, BV Quân y 175 sang tuyến quận, huyện có ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia BHYT hay không.
Cuối tháng 2, Bảo hiểm xã hội TP.HCM (BHXH) có thông báo danh sách các cơ sở khám chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế (BHYT) nhận đăng ký KCB ban đầu trong quý II năm 2021 trên địa bàn TP.HCM.
Trong đó, BV Thống Nhất, BV Quân y 175 là hai BV tuyến trung ương sẽ không nhận đăng ký, gia hạn tiếp; đồng thời sẽ thay đổi nơi KCB của người tham gia thuộc đối tượng hộ gia đình (mã GD). Nghĩa là trong quý II năm 2021, những đối tượng hộ gia đình có thẻ BHYT ở hai BV trên phải đổi thẻ đến cơ sở KCB ban đầu ở nơi khác.
Vì sao đối tượng BHYT hộ gia đình lại không được đăng ký mới và phải đổi thẻ đi nơi khác? Khi chuyển đổi nơi KCB ban đầu thì quyền lợi của bệnh nhân có thay đổi không?... Đó là những thắc mắc bạn đọc gửi đến Pháp Luật TP.HCM.
Bà Nguyễn Thị Thu Hằng (ảnh), Phó Giám đốc BHXH TP.HCM, sẽ giải đáp những thắc mắc trên của bạn đọc.
Nguyên nhân phải đổi nơi KCB ban đầu
. Phóng viên: Thưa bà, theo danh sách các cơ sở KCB BHYT nhận đăng ký KCB ban đầu trong quý II năm 2021 trên địa bàn TP.HCM thì hai BV Thống Nhất, Quân y 175 sẽ không tiếp nhận mới và đổi nơi KCB ban đầu với đối tượng BHYT hộ gia đình có đúng không và vì sao?
+ Bà Nguyễn Thị Thu Hằng: Hiện nay, cơ quan BHXH TP.HCM đã có thông báo đổi nơi KCB ban đầu đối với đối tượng hộ gia đình ở BV Thống Nhất và BV Quân y 175. Bởi hai BV này là BV tuyến trung ương. Theo quy định Thông tư 40/2015 của Bộ Y tế thì chỉ có một số đối tượng được đăng ký KCB ban đầu ở hai BV Thống Nhất và Quân y 175 mà thôi.
Do đó, BHXH TP.HCM đang thực hiện việc điều chỉnh một số đối tượng hộ gia đình có nơi KCB ban đầu ở hai BV trên về các BV tuyến quận, huyện và các phòng khám đa khoa trên địa bàn TP.HCM.
Hiện tại ở BV Thống Nhất có khoảng 30.000 thẻ BHYT hộ gia đình. BV Quân y 175 có 200 thẻ BHYT hộ gia đình.
(Theo BHXH TP.HCM)
. Liên quan đến việc chuyển đổi nơi KCB ban đầu BHYT với đối tượng hộ gia đình, hai BV Thống Nhất và Quân y 175 có ý kiến phản hồi gì đến BHXH TP.HCM?
+Đối với BV Thống Nhất, sau khi có thông báo về việc chuyển đổi, BV này có một văn bản gửi đến BHXH TP.HCM. Theo đó, BV đề nghị cho các đối tượng tham gia BHYT hộ gia đình tiếp tục thực hiện đăng ký KCB ban đầu ở đây. Tuy nhiên, việc này ngoài thẩm quyền của cơ quan BHXH vì quy định tại Thông tư 40/2015 do Bộ Y tế ban hành nên chúng tôi phải thực hiện theo.
Ngoài ra, BV Quân y 175 cũng có văn bản đề nghị BHXH TP.HCM cho thân nhân của người lao động đang làm việc tại BV là những đối tượng hộ gia đình đăng ký KCB ban đầu ở đây. Tuy nhiên, việc này cũng nằm ngoài thẩm quyền của cơ quan BHXH TP.
Việc đổi thẻ BHYT được thực hiện ra sao?
. Việc chuyển đổi thẻ BHYT đối với đối tượng hộ gia đình ở hai BV Thống Nhất và Quân y 175 sẽ được thực hiện như thế nào?
+Liên quan đến việc chuyển đổi nơi KCB ban đầu tại hai BV trên, BHXH TP.HCM đã có thông báo đến các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, đại lý thu để các cơ quan này thông báo đến người tham gia BHYT hộ gia đình biết.
Sau đó, những người tham gia BHYT sẽ tự liên hệ các đại lý thu BHYT, cơ quan BHXH quận, huyện để đổi thẻ theo danh sách mà cơ quan BHXH đã thông báo.
Trường hợp người tham gia BHYT không thực hiện việc đổi thẻ, cơ quan BHXH sẽ chuyển thẻ của họ về các BV quận, huyện hoặc phòng khám gần địa chỉ mà người tham gia BHYT đang cư trú.
Chuyển đổi để giảm tải cho các BV tuyến trung ương
Việc chuyển đổi nơi KCB ban đầu với đối tượng tham gia BHYT hộ gia đình phù hợp với việc phân tuyến của ngành y tế. Ngoài ra, việc chuyển đổi các đối tượng này từ tuyến trung ương sang tuyến quận, huyện nhằm giảm tải việc KCB tuyến trên và đưa các bệnh nhân về tuyến cơ sở.
Trên thực tế, với những bệnh thông thường thì các bệnh nhân không cần thiết phải đến BV tuyến trung ương bởi các BV tuyến dưới cũng được bố trí bác sĩ chuyên khoa cùng máy móc, thiết bị chữa bệnh đầy đủ.
Hơn thế, việc chuyển đổi này giúp cho các BV tuyến trên sẽ tập trung khám, chữa trị những trường hợp bệnh nặng và dành thời gian nghiên cứu chuyên khoa sâu.
Cũng cần lưu ý rằng việc chuyển đổi này sẽ không ảnh hưởng gì đến quyền lợi của người tham gia BHYT. Bởi nếu các bệnh nhân bệnh nặng thì cũng có thể thực hiện chuyển tuyến lên các BV tuyến trung ương để tiếp tục điều trị.
Bà NGUYỄN THỊ THU HẰNG, Phó Giám đốc BHXH TP.HCM
. Nhiều người băn khoăn việc chuyển đổi nơi KCB ban đầu thì những hồ sơ bệnh án trước đây có được cập nhật không? Các bệnh nhân có phải thực hiện các xét nghiệm lại để tiếp tục điều trị bệnh?
+Việc chuyển đổi nơi KCB ban đầu từ BV tuyến trung ương sang BV tuyến quận, huyện sẽ không ảnh hưởng gì đến hồ sơ bệnh án cũng như quá trình điều trị bệnh của bệnh nhân.
Hiện nay các dữ liệu về bệnh án của bệnh nhân đã được lưu trữ và cập nhật trên hệ thống thông tin giám định của ngành BHXH. Nghĩa là khi các cơ sở KCB nhập thông tin cá nhân bệnh nhân thì sẽ biết được những thông tin trước đây bệnh nhân đã KCB ở đâu, sử dụng thuốc gì, đã thực hiện các xét nghiệm nào,... Việc thực hiện quản lý dữ liệu này đã được thực hiện từ năm 2017.
. Xin cám ơn bà.•