Đội nữ dân quân Nghĩa Hòa năm xưa
Từ năm 1965, bị thua đau ở miền Nam, đế quốc Mỹ đã tăng cường đánh phá miền Bắc. Tại Bắc Giang, quốc lộ (QL) 1A và nhiều nơi khu vực sân bay Kép là địa điểm bắn phá ác liệt. Chung sức cùng với bộ đội, ở xã Nghĩa Hòa (Lạng Giang - Bắc Giang), có một đội nữ dân quân vừa sản xuất, vừa chiến đấu, kịp thời có mặt cấp cứu thương binh, giữ cho tuyến đường huyết mạch luôn thông suốt.
Nhằm chặt đứt nguồn chi viện cho chiến trường miền Nam của quân và dân ta, năm 1972, máy bay Mỹ liên tục vần vũ trên bầu trời Lạng Giang. Chúng đánh phá nhằm vào khu vực sân bay quân sự Kép, QL1A và các trận địa pháo phòng không.
Ngày ấy, để hỗ trợ, chung sức cùng bộ đội, nhiều xã trong huyện thành lập Đội dân quân, trong đó Đội dân quân xã Nghĩa Hòa có gần 40 người đa số là nữ vì các nam thanh niên đều đã vào chiến trường. Các chị em cùng với nhân dân trong xã dành nhiều ngày công giúp bộ đội làm lán trại; mang vác vũ khí, đạn dược; quét dọn đường băng, sửa gấp sân bay; ủng hộ lương thực, thực phẩm, vật liệu tre gỗ. Chị em còn thường xuyên chặt cành lá mang đến cho bộ đội che chắn pháo, ngụy trang trận địa, pháo đài. Họ bất chấp hiểm nguy, không sợ bom rơi, đạn lạc để sát cánh cùng bộ đội.
Tại xã Nghĩa Hòa có một trận địa pháo phòng không mang tên đồi Đồng Dưa. Nhắc đến trận địa này, người dân trong xã không thể quên được ngày đẫm máu 13/9/1972, máy bay Mỹ oanh tạc vô cùng ác liệt, chúng liên tục thả bom nhằm vào các trận địa pháo. Trận đó, 8 đồng chí thuộc Trung đoàn 240, Sư đoàn 363 đã anh dũng hy sinh ở đồi Đồng Dưa.
Cụ Trần Đình Ước ở thôn Đình Cẩu, xã Nghĩa Hòa nay đã ở tuổi 91 (60 năm tuổi Đảng), nguyên xã đội trưởng Nghĩa Hòa nhớ lại: "Buổi trưa hôm đó, máy bay Mỹ đen sì như những con quạ, chúng quần thảo trên bầu trời Lạng Giang, thả bom, bắn phá ác liệt nhiều địa điểm trong đó có trận địa pháo cao xạ đồi Đồng Dưa. Khi biết tin có người bị thương, Đội nữ dân quân nhanh chóng có mặt, tổ chức một đội cứu thương cơ động đưa thương binh đi cấp cứu trước, sau đó mới quay lại cùng anh em củng cố trận địa, dọn dẹp đổ nát để nhanh chóng vào vị trí chiến đấu".
Mắt đỏ hoe, bà Nguyễn Thị Hường nay đã gần 80 tuổi hồi tưởng: "Khi đó tôi làm y tá ở xã, tham gia Đội nữ dân quân. Trong số 9 đồng chí bị trúng bom ở trận địa đồi Đồng Dưa, còn duy nhất một đồng chí tên là Hưng bị thương rất nặng, không nói, không kêu, chỉ nằm im lặng. Kiểm tra thấy mạch còn đập, chưa giãn đồng tử nên mọi người tiếp tục hô hấp, băng bó vết thương để cầm máu. Khoảng 30 phút sau anh ấy rên “Ôi đau quá!”.
Ngay tức khắc anh Hưng được đưa đi điều trị kịp thời nên sống sót. 8 đồng chí còn lại đã anh dũng hy sinh. Nén đau thương, chị em lau nước mắt rồi lặng lẽ chuyển các anh về hội trường của xã, phân công nhau lấy lá bưởi để đun nước thơm tắm rửa cơ thể, mua đồ để khâm liệm cho từng người, chuẩn bị hoa tươi, đồ cúng để làm lễ viếng chôn cất các anh ngay tại nghĩa trang địa phương".
Bà Đào Thị Bốn-một nữ dân quân tiếp lời "Ngày ấy chồng và em trai tôi đã vào chiến trường, tôi đang là Hội phó Hội Phụ nữ xã. Nghe tin địch bắn phá ác liệt vào trận địa đồi Đồng Dưa, nhiều bộ đội bị thương. Chúng tôi kịp thời huy động chị em đưa những thương binh vào Trạm xá xã để sơ cứu ban đầu, băng bó vết thương". Việc làm của những nữ dân quân xã Nghĩa Hòa đã đóng góp vào “rừng” chiến công của các nữ dân quân miền Bắc trong những năm chiến đấu chống giặc Mỹ, góp phần đáng kể vào chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” năm 1972.
Cựu chiến binh Nguyễn Văn Cương ở xã Tân Dĩnh (Lạng Giang) là đồng đội cùng đơn vị Trung đoàn 240, Sư đoàn 363 với 8 liệt sĩ ngậm ngùi: Nghĩa trang liệt sĩ xã Nghĩa Hòa hôm nay còn duy nhất liệt sĩ Nguyễn Văn Hồng quê ở xã Hương Vỹ, huyện Yên Thế nằm lại theo nguyện vọng của gia đình. 7 liệt sĩ khác gồm: Lương Văn Cồ, quê ở huyện Lục Nam; Hoàng Văn Oai ở xã Cao Xá (Tân Yên); Đồng Văn Vượng, xã Liêm Hưởng, huyện Phú Xuân (Hà Nội); Đỗ Văn Cường, xã Thanh Sơn, huyện Kiến Thụy (TP Hải Phòng); Nguyễn Quang Khang, xã Tứ Dân, huyện Khoái Châu (Hưng Yên); Nguyễn Đức Quốc, xã Trung Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) và Lê Xuân Phùng, TP Vinh (Nghệ An) sau thời gian nằm lại ở Nghĩa Hòa đã được đưa về nghĩa trang liệt sĩ quê hương.
Thời gian đã trôi xa, mảnh đất Lạng Giang từng là túi bom của đế quốc Mỹ giờ đây đổi thay rất nhiều, những vết tích của chiến tranh đã được hàn gắn bằng những cánh đồng màu mỡ, những ngôi khang trang, cao tầng, những con đường bê tông sạch, rộng rãi. Địa điểm trận chiến đồi Đồng Dưa-nơi 8 chiến sĩ hy sinh trong loạt bom Mỹ năm xưa nay nằm trong khuôn viên Công ty cổ phần May BGG Lạng Giang thuộc Cụm công nghiệp Nghĩa Hòa.
Trao đổi với ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Tổng Giám đốc được biết, Công ty luôn tạo điều kiện cho việc hương khói, tưởng nhớ, tri ân các liệt sĩ. Thể theo nguyện vọng, chúng tôi đang phối hợp với chính quyền, Hội Cựu chiến binh và những nữ dân quân năm xưa để khắc tên ghi danh 8 liệt sĩ và dựng bia tại chính nơi này, coi đây là một địa chỉ để giáo dục truyền thống yêu nước, ghi nhớ công ơn những người đã ngã xuống vì nền độc lập của dân tộc.
Bài, ảnh: Tuấn Minh