Đội phản ứng nhanh chống... bạo lực gia đình

Để phòng chống bạo lực gia đình, tại 4 xã của Nghệ An và Yên Bái, các đội phản ứng nhanh được thành lập với thành phần là cán bộ chủ chốt cấp xã, thôn và những người có uy tín trong cộng đồng. Những thành viên đội phản ứng nhanh sẽ thường xuyên thăm hỏi, có mặt khi xảy ra bạo lực và thông tin kịp thời để cơ quan chức năng vào cuộc.

 Hỗ trợ sinh kế cho người dân

Hỗ trợ sinh kế cho người dân

Sau ngày làm việc ở trụ sở, ông Hồ Diên Cảnh, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Quỳnh Thắng (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An), về nhà. Chập tối, mâm cơm vừa được bày ra, chưa kịp cầm đũa thì điện thoại lại hối hả đổ chuông. Ông Cảnh bật máy, một giọng nói hối hả, vội vã. Vừa tắt máy, ông lại khoác áo nhảy lên xe nổ máy vội vã lên đường. Biết công việc của chồng, vợ ông không ngăn cản mà chỉ thở dài không quên dặn với theo: "Anh đi cẩn thận, xong việc thì về ăn cơm ngay nhé".

Lễ ra mắt CLB Người đàn ông trách nhiệm xã Quỳnh Thắng

Lễ ra mắt CLB Người đàn ông trách nhiệm xã Quỳnh Thắng

Việc dặn là vậy chứ những công việc thế này, lần nào ông Cảnh về đến nhà thì cơm canh cũng đã nguội ngắt, vợ ông lại phải hâm lại rồi ngồi bên mâm nghe chồng vừa ăn vừa kể một câu chuyện "ly kỳ" đã xảy ra không phải chỉ tối hôm ấy của một cặp vợ chồng có tiền sử "bạo lực gia đình".

Tháng 6 năm 2020, đội phản ứng nhanh xã Quỳnh Thắng được thành lập. Với cương vị là chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã và cũng là người có uy tín ở địa phương nên ông Cảnh được biên chế vào đội.

Ông Cảnh chia sẻ: Bạo lực gia đình thì mình làm nhiều rồi, phòng chống cũng nhiều rồi. Nhưng trước đây mình có làm thì cũng chỉ là vì trách nhiệm chung chung thôi. Ở cơ sở, tư tưởng vẫn nặng tính bảo thủ, coi chuyện gia đình là chuyện riêng mỗi nhà. Nhưng từ ngày đội phản ứng nhanh ra đời, có quyết định thành lập, có quy chế hẳn hoi thì việc mình làm cũng danh chính ngôn thuận và rõ ràng chủ động hơn rất nhiều.

Bạo hành 3 đời vợ

Trường hợp nặng nề nhất ở địa phương là một người đàn ông chưa đến 40 tuổi đã kịp qua 3 “lần đò”. Và điều đặc biệt là cả 3 người vợ đều bị bạo lực gia đình. Hai người vợ trước cũng không chịu được những trận đòn chồng nên đã ly hôn. Cuộc hôn nhân thứ 3 này cũng không khác gì hai lần trước.

Nhận được tin báo, ông Cảnh đến tận nhà nắm tình hình. Điều đặc biệt là người đàn ông này đánh vợ thường xuyên nhưng cũng vô cùng khéo léo trong cách ăn nói. Anh ta phủ nhận tất cả những gì mình làm và nếu không phải là người địa phương nắm được "lịch sử" thì sẽ rất nhiều người sẽ tin vào những lời anh ta nói.

Đội phản ứng nhanh xã Quỳnh Lương

Đội phản ứng nhanh xã Quỳnh Lương

Nhưng ông Cảnh sau thời gian trao đổi thuyết phục yêu cầu chấm dứt bạo lực, đã nói thẳng với người chồng: Nếu chú không thay đổi, tôi không còn cách nào khác là phải báo cơ quan chức năng.

Lần bạo hành sau đó, ông Cảnh gọi điện cho Công an xã đến mời người chồng lên trụ sở giải quyết và xử phạt vi phạm hành chính.

Sau lần đó, người đàn ông tỏ ra bất bình, hằn học với ông Cảnh. Ông vẫn điềm tĩnh giải thích: Không phải chỉ với chú mà với ai, tôi cũng làm vậy. Đây không phải là tôi muốn mà là trách nhiệm của tôi. Việc chú làm cũng không phải là việc riêng nhà chú mà là việc của cả cộng đồng xã hội, của luật pháp...

Dùng biện pháp mạnh nhưng ông Cảnh cũng không kỳ thị người đàn ông ấy. Ông chia sẻ, vì ở cùng địa phương nên tôi biết chú ấy cũng có một tuổi thơ không yên bình, chú ấy cũng từng là nạn nhân của bạo hành gia đình. Những điều đó ám ảnh và biến chú ấy trở thành người gây bạo lực.

Cùng với việc vận động người gây bạo lực thay đổi hành vi, ông Cảnh và đội phản ứng nhanh thường xuyên thăm hỏi, đưa gia đình vào danh sách nhận hỗ trợ từ dự án, tạo sinh kế.

Đổi đời cho những người sống trong bạo lực

Vừa là thành viên đội phản ứng nhanh ông Cảnh cũng là thành viên của Ban chủ nhiệm câu lạc bộ Sức sống mới. CLB gồm có 21 thành viên, ngoài 3 người là ban chủ nhiệm, số còn lại đều là những phụ nữ từng trải qua bạo hành.

Ông Cảnh kể lại, những ngày đầu, việc tiếp cận với những nạn nhân cũng rất khó khăn. Sau nhiều năm sống trong bạo hành, hầu hết nạn nhân đều mang tâm lý tự ti, khép kín ngại giao tiếp và rất nhạy cảm với nỗi đau của chính mình. Phải mất 2-3 buổi sinh hoạt đầu của CLB, chị em mới dần dần hòa nhập cởi mở hơn. Với phương châm không chỉ nói về bạo lực, kết hợp sinh hoạt CLB với việc quan tâm hỗ trợ sinh kế, tạo điều kiện cho chị em vươn lên, sự tự tin dần trở lại với những người phụ nữ một thời là nạn nhân của bạo lực gia đình.

Từ những người phụ nữ sống trong bóng tối triền miên của cãi vã, đánh đập, cách "đối phó" của họ là im lặng, là lao vào công việc để quên đi tất cả, họ bỏ quên cả chính mình. Nhưng khi đã hiểu về bạo lực gia đình, họ dần tìm lại được ý thức về bản thân. Những người phụ nữ đã nhiều năm chỉ quen với tiếng quát mắng và tiếng khóc thầm giờ đã tìm lại, đã gọi tên và hiểu về cảm xúc của chính mình. Và họ đã nhận ra dù cuộc sống thế nào thì họ không được bỏ quên chính mình.

Song song với CLB Sức sống mới, Ban quản lý dự án cũng thành lập CLB Người đàn ông trách nhiệm. Ngoài Ban chủ nhiệm, các thành viên còn lại đều là những người từng gây bạo lực gia đình. Để "tập hợp" được các thành viên cũng là một kỳ công, bởi không ai muốn thừa nhận mình là người gây bạo lực. Nội dung hoạt động ban đầu của CLB đều là tuyên truyền pháp luật, bàn phương án phát triển kinh tế, hỗ trợ sinh kế... Cùng với thời gian CLB lồng ghép những nội dung có liên quan đến Bạo lực gia đình.

Mưa dầm thấm lâu, những người đàn ông dần hiểu ra bạo lực gia đình không chỉ gây hại cho nạn nhân mà cho chính người gây bạo lực. Nói cách khác, tất cả những người sống trong cuộc sống có bạo lực đều trở thành nạn nhân.

Một thành viên sau thời gian sinh hoạt CLB đã khoe với mọi người về khái niệm: Hết giờ. Đó là mỗi lần khi cuộc nói chuyện của vợ chồng bắt đầu căng thẳng, anh sẽ tự mình bỏ ra ngoài. Khi cảm xúc bình ổn, anh mới trở về nhà. Bên cạnh đó, các CLB cũng tổ chức trò chơi, các hoạt động giao lưu tăng tính tương tác đoàn kết giữa các thành viên trong gia đình.

Hagar là tổ chức phi chính phủ quốc tế được thành lập năm 1994 để đáp ứng nhu cầu của nhóm phụ nữ và trẻ em dễ bị tổn thương. Năm 2009, Hagar Việt Nam được thành lập để hỗ trợ những người chịu ảnh hưởng của mua bán người, xâm hại tình dục và bạo lực gia đình thông qua văn phòng đại diện ở Hà Nội và các dự án vào cộng đồng và các khóa tập huấn. Các dịch vụ miễn phí Hagar cung cấp bao gồm: Nhà ở an toàn; Chăm sóc y tế; Hỗ trợ pháp lý; Tham vấn và trị liệu tâm lý; Hỗ trợ học nghề và kết nối việc làm; Giáo dục và đào tạo kỹ năng sống. Từ năm 2020 Haga thực hiện dự án "Nâng cao năng lực cán bộ và nhận thức người dân để cải thiệp tiếp cận dịch vụ cho phụ nữ và trẻ em chịu ảnh hưởng bởi bạo lực giới" tại hai tỉnh Yên Bái và Nghệ An.

PV

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/doi-phan-ung-nhanh-chong-bao-luc-gia-dinh-20220406154532965.htm