Đối phó cháy rừng mùa khô 2020

Theo dự báo của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, hiện nay cấp cháy rừng trên địa bàn tỉnh đang ở cấp V - cấp cực kỳ nguy hiểm. Nhằm hạn chế những vụ việc đáng tiếc có thể xảy ra, trong thời gian qua các đơn vị chủ rừng trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp cấp bách về phòng cháy chữa cháy (PCCC) rừng trong thời điểm mùa khô. Tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Quao, huyện Hàm Thuận Bắc, ngay khi bước vào thời điểm mùa khô, đơn vị đã xây dựng và triển khai phương ánpccc theo kế hoạch đã được phê duyệt. Theo đó, đơn vị đã tiến hành thu gom lớp thực bì, thổi gió, cào cỏ, lá khô và đốt chần có kiểm soát, thực hiện gần 40 km đường băng cản lửa nhằm ngăn ngừa đám cháy có thể lan rộng nếu xảy ra cháy. Tại các khu vực có nguy cơ xảy ra cháy cao, đơn vị tổ chức khoanh vùng và thường xuyên tổ chức lực lượng kiểm tra tình hình. Đặc biệt, trong những ngày nắng nóng hanh khô như hiện nay, cấp độ cháy rừng được cảnh báo ở cấp V – cấp cực kỳ nguy hiểm, ông Phan Văn Chiến – Trưởng banquản lý rừng phòng hộ Sông Quao cho biết: 'Nhờ thực hiện tốt công tác PCCC rừng nên từ đầu mùa khô đến nay trên lâm phần đất rừng do đơn vị quản lý vẫn đảm bảo an toàn, chưa xảy ra vụ cháy nào, đơn vị cũng đã phối hợp với các xã trên địa bàn tăng cường tuyên truyền, nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong công tác PCCC rừng. Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Quao đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho lực lượng bảo vệ, PCCC rừng gồm 36 người của 4 trạm cùng với gần 300 hộ nhận khoán tăng cường tuần tra, túc trực để xử lý tình huống phát sinh.

Đối phó cháy rừng mùa khô 2020

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, từ đầu mùa khô đến nay, toàn tỉnh xảy ra 24 vụ cháy rừng với diện tích 27,55 ha. Nhờ phát hiện và xử lý kịp thời nên không gây hại tài nguyên rừng, chủ yếu là cháy trảng cỏ, thực bì. Trước nguy cơ cháy rừng đang ở mức báo động, cấp V - cấp cực kỳ nguy hiểm, UBND tỉnh đã chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh, Chi cục Kiểm lâm triển khai các giải pháp cấp bách, tăng cường công tác PCCC rừng mùa khô. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương, đơn vị liên quan phải làm tốt công tác tuyên truyền đến người dân về bảo vệ, PCCC rừng; thực hiện tốt việc quản lý, giám sát chặt chẽ hoạt động của các hộ dân canh tác gần rừng, tuyệt đối không sử dụng lửa để đốt nương rẫy trong thời điểm hanh khô; tăng cường lực lượng tuần tra, trực chốt 24/24h tại các trạm, chốt bảo vệ, chuẩn bị phương tiện và dụng cụ sẵn sàng ứng cứu khi xảy ra cháy rừng. Những trường hợp cố ý đốt lửa gây cháy và làm thiệt hại tài nguyên rừng sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật

Tính đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng gần 220.000 km đường băng cản lửa; trang bị hơn 460 máy móc thiết bị và gần 4.100 công cụ thủ công, sẵn sàng ứng phó khi có tình huống cháy khẩn cấp xảy ra.

ĐÌNH HÒA

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/doi-song/doi-pho-chay-rung-mua-kho-2020-126391.html