Đối phó với Nga, Mỹ thúc đẩy đột phá sức mạnh Hải quân Ukraine
Washington đang nỗ lực củng cố sức mạnh cho lực lượng hải quân Ukraine, vốn đã suy giảm nghiêm trọng kể từ khi Nga sáp nhập Crimea năm 2014.
Theo CNN, động thái này diễn ra khi Moscow tăng cường lực lượng của họ trong khu vực – điều một số quan chức phương Tây coi là mối đe dọa đối với sườn đông nam của NATO.
Các động thái hỗ trợ Ukraine này bao gồm một cuộc tập trận quân sự bắt đầu hôm thứ Hai có tên là "Gió biển", diễn ra vài ngày sau khi Nga tiến hành các cuộc tập trận quân sự lớn trong khu vực với gần 150 nghìn binh sĩ. Đây có thể là một động thái đối trọng tay đôi cho thấy sự căng thẳng giữa NATO và Moscow.
Sự căng thẳng đó càng được thúc đẩy trong những ngày gần đây khi Mỹ cáo buộc Moscow có nhiều hoạt động, bao gồm các cuộc tấn công mạng vào các tổ chức liên quan đến phát triển vắc-xin virus corona, cáo buộc Nga sử dụng lính đánh thuê để gây bất ổn cho Libya hay những thông tin liên quan tới việc Nga nhắm đến quân đội Mỹ ở Afghanistan. Hôm thứ Hai, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng đã tuyên bố trừng phạt một đồng minh chủ chốt của Tổng thống Nga Vladimir Putin là lãnh đạo Cộng hòa Chechen Nga, Ramzan Kadyrov.
Theo CNN, sau khi Nga sáp nhập Crimea năm 2014 – một vị trí chiến lược trên Biển Đen, Kiev chỉ còn lại một tàu khu trục duy nhất.
Ông Putin đã đến thăm Crimea hôm thứ Hai, tham quan một xưởng đóng tàu hải quân ở Kerch. Sau khi quan sát việc đóng một tàu tấn công mới, ông Putin đã có bài phát biểu trước các công nhân nhà máy đóng tàu, nói với họ rằng Nga "sẽ tiếp tục tập trung vào phát triển một lực lượng Hải quân hiện đại và sẵn sàng chiến đấu, chế tạo các tàu được trang bị vũ khí và thiết bị tiên tiến."
"Các tàu mới sẽ có vũ khí, hệ thống điều khiển và liên lạc tiên tiến. Chúng sẽ tăng cường đáng kể tiềm năng chiến đấu của Hải quân và tăng cường khả năng chiến lược của nó", ông Putin nói.
Ukraine xây dựng lại Hải quân từ tay trắng
Do việc Nga kiểm soát hạm đội và các đầu não hải quân ở Crimea, Ukraine phải xây dựng lại cơ bản Hải quân của mình từ đầu và Mỹ cũng tìm cách giúp đỡ quá trình đó. Trọng tâm của nỗ lực này là sử dụng các tàu nhỏ hơn, hoạt động gần bờ hơn, mang lại cho Ukraine khả năng kiểm soát vùng biển duyên hải gần bờ.
Mỹ đã cung cấp hai xuồng ca nô lớp Island đã nghỉ hưu của lực lượng tuần duyên nước này và các tàu tuần tra Mark VI mới cho lực lượng Ukraine để hoạt động trong vùng nước nông của Biển Azov.
Một quan chức quốc phòng Mỹ nói với CNN rằng Kiev đang trong quá trình đón ba xuồng ca nô lớp Island của Lực lượng tuần duyên Mỹ và chính phủ Ukraine đang chi trả tiền cho việc trang bị thêm các thiết bị cho những con tàu được chuyển giao.
Lầu Năm Góc gần đây đã công bố kế hoạch cung cấp cho Kiev một số tàu tuần tra Mark VI và Bộ Ngoại giao gần đây cũng đã phê duyệt việc bán 16 tàu tuần tra bổ sung cho Ukraine, sáu trong số đó sẽ được thanh toán thông qua chương trình hỗ trợ của Hoa Kỳ và phần còn lại được Ukraine mua bằng quỹ quốc phòng riêng.
Trong khi các tàu tuần tra được trang bị đại bác điều khiển từ xa, các quan chức quốc phòng Mỹ nói với CNN rằng Hoa Kỳ đang tích cực xem xét việc trang bị cho các tàu có nhiều hỏa lực hơn, các tên lửa trên tàu có khả năng nhắm vào tàu chiến của đối phương.
"Chúng tôi quan tâm đến việc trang bị cho các tàu tuần tra của họ bằng tên lửa", một quan chức quốc phòng Mỹ nói với CNN.
Các vũ khí được tăng cường được coi là đặc biệt quan trọng do căng thẳng của Ukraine với Nga ở Biển Đen và Biển Azov.
Năm 2018, các lực lượng Nga đã bắt giữ ba tàu Ukraine và bắt giữ 24 thủy thủ Ukraine sau một sự cố ở eo biển Kerch -nối liền Biển Đen và Biển Azov và là tuyến đường tiếp cận duy nhất cho các tàu đi đến các thành phố cảng phía đông Ukraine.
Biển Azov có độ sâu tối đa chỉ 14 mét và do đó quá nông cho hầu hết các tàu chiến hoạt động, điều khiến nơi đây trở thành môi trường lý tưởng cho các tàu tuần tra kiểu Mark VI hoạt động.
Các tên lửa "không được thiết kế để leo thang mà để phòng thủ, giúp những con tàu đó có thể tự vệ nếu xảy ra sự cố như eo biển Kerch", quan chức quốc phòng trên nói.
Ukraine phát triển tên lửa
Ukraine cũng đang theo đuổi việc phát triển tên lửa chống hạm của riêng mình, tên lửa hành trình Hải Vương phát triển nội địa. Đây là một vũ khí lớn hơn có thể được bắn từ bờ nhưng có thể sẽ quá lớn đối với các tàu do Mỹ cung cấp.
Chuẩn Đô đốc Oleksii Neizhpapa, chỉ huy Lực lượng Hải quân Ukraine, nói với các phóng viên hôm thứ Hai rằng việc sở hữu được các tên lửa chống hạm là ưu tiên hàng đầu của quân đội nước ông.
Các quan chức Mỹ từ lâu đã cáo buộc Nga phát triển lực lượng quân sự ở Crimea, đóng thêm máy bay, tàu chiến và tên lửa – điều có thể đe dọa các nước trong khu vực. Bối cảnh này khiến nỗ lực của Mỹ nhằm hỗ trợ các đồng minh trong khu vực trở nên cấp bách hơn.
Các cố vấn quân sự Mỹ cũng đang tư vấn cho các quan chức hải quân Ukraine về cách duy trì và tuyển dụng lực lượng hải quân.
"Họ đang chuyển từ mô hình dịch vụ bắt buộc cũ của Liên Xô sang mô hình phương Tây hoàn toàn tự nguyện và phải mất một thời gian, họ phải vượt qua điều đó", quan chức quốc phòng Mỹ trên nói với CNN.