Đối phó với nhà 'siêu mỏng, siêu méo': Không để xảy ra 'việc đã rồi'
Ngoài những trường hợp nhà 'siêu mỏng, siêu méo' tồn tại từ nhiều năm trước chưa được xử lý dứt điểm thì nay lại mọc lên không ít các ngôi nhà mỏng và méo hơn ở các tuyến đường mới mở.
Những hình thù kỳ quặc
Được biết, dự án xây dựng đường nối khu đô thị Đồng Tàu - Tam Trinh tại quận Hoàng Mai, Hà Nội có chiều dài 1,9km, mặt cắt ngang 30m với 4 làn đường. Tổng mức đầu tư cho tuyến đường dài gần 2km này là 500 tỷ đồng, trong đó có 100 tỷ đồng dành cho xây lắp, số còn lại chủ yếu dành cho đền bù, giải phóng mặt bằng và một số hạng mục liên quan. Dù chưa kịp hoàn thiện, nhưng hai bên đường đã xuất hiện hàng loạt căn nhà có diện tích khiêm tốn, với hình thù kỳ dị, méo mó; thậm chí có căn nhà chỉ 17 mét vuông, với một cạnh chỉ rộng 1 gang tay (20cm). Thậm chí, có căn nhà hình tam giác với mặt tiền 9m nhưng chiều sâu một bên chỉ 22cm, bên còn lại hơn 3m.
Theo bà Lê Thị Thanh Ngà, Phó Chủ tịch UBND phường Thịnh Liệt, trước đây căn nhà có diện tích hơn 47m, nhưng sau khi giải tỏa chỉ còn lại 17m, chủ nhà không nằm trong diện tái định cư. Hiện chính quyền đang giúp đỡ gia đình tiến hành hợp khối với nhà bên cạnh. Khi đã hoàn thiện hợp khối thì hai nhà sẽ về cùng màu sơn, gia tăng thêm kết cấu để đảm bảo an toàn và mỹ quan đô thị.
Vị Phó Chủ tịch UBND phường Thịnh Liệt cho biết, sau khi giải tỏa, nhiều hộ còn lại một phần nhà cũ đã sửa để ở tạm, chờ đến khi có giấy phép xây dựng sẽ đập đi xây lại.
"Đối với các nhà này, chúng tôi đang yêu cầu hạ hết phần mái tôn xuống cho đồng bộ, chỉnh trang", bà Ngà chia sẻ và nói rằng việc sửa chữa lại nhà của các hộ diễn ra rất nhanh, có nhà chỉ làm trong 2 tuần là xong. Phó Chủ tịch UBND phường Thịnh Liệt thừa nhận việc xử phạt đối với các hộ sai phạm là rất khó, bởi trước đó địa phương đã vận động họ đồng ý nhượng lại đất để làm đường, giờ không thể quay lại xử phạt vì sửa nhà sai phép.
Một điều đặc biệt là có nhiều ngôi nhà chủ nhà không xây để ở mà chỉ cho thuê mặt bằng làm văn phòng. Có lẽ cũng đúng vì ngôi nhà quá mỏng chỉ có thể đủ kê bộ bàn ghế nhỏ làm văn phòng, không thể ở được. Thậm chí, một ngôi nhà vừa mỏng lại được xây dựng góc cạnh nên tầng 1 cũng chỉ vừa đủ kê một quầy thuốc nhỏ.
Một đặc điểm chung của những ngôi nhà “siêu mỏng, siêu méo” này là cao, nhiều tầng. Người ta vẫn nói “móng có chắc thì nhà mới bền,” vậy móng mỏng manh trên một diện tích nhỏ, trong khi nhà lại cao vút thì liệu có an toàn?
Ảnh hưởng mỹ quan đô thị
Kỹ sư Nguyễn Ngọc Anh (GĐ Cty CP Tư vấn xây dựng ANG Việt Nam) cho biết, nhiều công trình kiểu này xuất hiện sau mỗi dự án mở đường giao thông, khi giải phóng mặt bằng, diện tích đất ít ỏi còn lại có khi chỉ vài mét vuông được người dân xây nhà, thậm chí xây cao tầng, tạo nên những căn nhà rất mỏng, có hình thù xấu xí. Ngoài ra, những ngôi nhà được xây dựng kiểu như thế cũng có thể gây mất an toàn bởi không theo quy chuẩn xây dựng. Thực tế, nhiều gia đình để “che mắt” chính quyền địa phương đã lén lút xây dựng vào những thời điểm như trời tối, thi công vội vàng, cẩu thả,... gây nguy hiểm đối với không chỉ những người trực tiếp tham gia xây dựng mà còn những người sống chung quanh.
TS. Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch kiến trúc TP Hà Nội nhận định, giải pháp để giải quyết nhà “siêu mỏng, siêu méo” là quận, huyện phải tổ chức vận động người dân chuyển nhượng cho nhau với giá hợp lý để tạo nên mảnh đất có diện tích đủ điều kiện xây dựng. Nếu việc hợp thửa không thể đi đến thống nhất thì cơ quan quản lý phải tiếp tục vận động nhân dân ở những nhà giáp ranh nhau hợp khối khi xây dựng tạo nên một công trình thống nhất.
“Trong Luật Thủ đô 2012 đã hướng dẫn cụ thể khi lập quy hoạch chi tiết trục đường giao thông mới trên địa bàn Thủ đô phải bảo đảm phạm vi lập quy hoạch mở rộng mỗi bên kể từ phía ngoài chỉ giới đường đỏ của tuyến đường dự kiến theo quy định. Quyết định 16/2015 của UBND TP Hà Nội về việc sửa đổi, bổ sung một số điều, khoản của quyết định 15/2011 của UBND TP Hà Nội cũng đã quy định diện tích đất thu hồi có thể sử dụng vào mục đích công cộng. Nghĩa là hành lang pháp lý đã rộng mở cho việc xử lý nhà “siêu mỏng, siêu méo” nhưng cơ quan Nhà nước chưa quyết liệt làm”, TS. Nghiêm nói.
Theo thông tin từ Sở Xây dựng TP Hà Nội, hiện tại, toàn TP còn khoảng 130 trường hợp công trình xây dựng là nhà siêu mỏng, siêu méo phát sinh từ trước năm 2019 nhưng chưa thể xử lý dứt điểm. Đây là các trường hợp nhà, đất không đủ điều kiện xây dựng sau giải phóng mặt bằng.
Hiện cơ sở pháp lý để giải quyết trường hợp nhà, đất không đủ mặt bằng xây dựng cơ bản đã đầy đủ, Sở Xây dựng đã ban hành văn bản đôn đốc, hướng dẫn UBND các quận, huyện xử lý dứt điểm những trường hợp nêu trên. Sở cũng đã có công văn gửi UBND các quận, huyện cần khẩn trương xử lý trường hợp nhà siêu mỏng, siêu méo tồn đọng, có báo cáo cụ thể phương án, tiến độ, kết quả giải quyết và khó khăn, vướng mắc, gửi về Sở Xây dựng TP Hà Nội để tổng hợp, báo cáo UBND TP.
Để giải quyết tình trạng nêu trên, các chuyên gia kiến nghị cần tính toán ngay cách xử lý từ khi lập phương án mở đường đối với các khu đất quá nhỏ, méo mó. Những mảnh đất đó cần được thu hồi cho mục đích công cộng. Bên cạnh đó, các địa phương cần tăng cường hơn nữa trong công tác quản lý trật tự xây dựng tại địa bàn, không để xảy ra “việc đã rồi”, hoặc “phạt cho tồn tại” đồng thời tích cực tuyên truyền nâng cao ý thức người dân trong việc bảo đảm cảnh quan đô thị.
Theo một số luật sư và chuyên gia bất động sản, sở dĩ vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo tại các TP lớn là bởi rất khó để hợp thửa, hợp khối các diện tích đất quá nhỏ còn lại sau giải phóng mặt bằng. Không ít gia đình muốn giữ lại phần đất nhỏ sau khi bị cắt xén để kinh doanh, nhất là khi mảnh đất đó được ra mặt đường. Cũng có nhiều trường hợp không muốn hợp thửa, hợp khối vì không đủ điều kiện tài chính để mua lại mảnh đất còn lại của hộ liền kề do giá đất lúc đấy đã tăng cao.