Đời riêng cha đẻ 'Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh'
Tác giả của những ca khúc đi cùng năm tháng: Bài ca may áo, Tiếng chày trên sóc Bom Bo, Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh… được đồng bào S'tiêng ở sóc Bom Bo vô cùng yêu mến. Hay tin nhạc sĩ về thăm sóc Bom Bo dân làng đánh chiêng loan báo ông sắp về. Khi Xuân Hồng về miền mây trắng, già làng lặn lội từ Bình Phước xuống thành phố đưa tiễn người chiến sĩ, nhạc sĩ tài danh.
Đoàn trưởng tài năng, vui tính
Những đồng nghiệp thân thiết của cha đẻ Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh hầu hết đã đi xa: Nhạc sĩ Ca Lê Thuần, nhạc sĩ Lư Nhất Vũ, nhạc sĩ Phan Nhân, nhạc sĩ Hoàng Hiệp… Chỉ còn một người duy nhất gắn bó với nhạc sĩ Xuân Hồng từ những năm bom rơi đạn nổ đến khi đất nước yên vui là Đại tá, NSƯT, Nhạc sĩ Vũ Thành, nguyên Phó Đoàn Văn công Quân giải phóng, Trưởng Đoàn Nghệ thuật Quân khu 7. Ông gọi nhạc sĩ Xuân Hồng là anh Ba.

Cố nhạc sĩ Xuân Hồng và NSND Lệ Thủy. Ảnh tư liệu: Con gái nhạc sĩ cung cấp
“Anh Ba đi chiến dịch Đồng Xoài, xuống sóc Bom Bo chứng kiến phong trào giã gạo nuôi quân nên đã viết Tiếng chày trên sóc Bom Bo. Sóc Bom Bo gắn bó với anh Ba và cũng gắn với Đoàn Văn công Quân Giải phóng.
Tôi về Đoàn năm 1962, từ đó về sau tôi làm với anh Ba, anh Ba làm trưởng đoàn, tôi phó đoàn. Tôi từng theo anh Ba về sóc Bom Bo, hòa cùng dân làng trong những đêm ca múa. Nhớ một lần, chúng tôi về sóc, già làng ra đón. Hôm ấy gió lạnh, anh Ba cởi áo tặng luôn già làng”, nhạc sĩ Vũ Thành nhớ lại.
Người quản lý gia tài âm nhạc giàu có của nhạc sĩ Xuân Hồng sau khi ông khuất núi chính là con gái út của ông. Chị Hồng Loan cho biết: Nhạc sĩ Xuân Hồng để lại cho đời hơn 200 ca khúc, trong số đó có những ca khúc nổi tiếng, có những ca khúc vẫn nằm trong kho. Sáng tác của nhạc sĩ Xuân Hồng bắt nguồn từ cảm xúc nên dễ dàng chạm trái tim người nghe.
Nhạc sĩ Xuân Hồng dễ chiếm được cảm tình của đồng nghiệp, bạn bè vì ông vui tính lại hay tán dóc, giúp xua tan không khí lo lắng của thời bom đạn.
Trong mắt đồng nghiệp, ông là một trưởng đoàn toàn diện: “Xuân Hồng rất đa dạng, anh học ca cổ rồi chuyển sang nhạc mới. Anh sáng tác tốt. Điều đó đã chứng minh bằng gia tài âm nhạc anh để lại cho đời. Nhưng ít ai biết tài lẻ của anh Ba. Anh rành tất cả loại cây rừng.
Khi khát nước, anh vào rừng chặt cây có nước cho chúng tôi giải khát. Anh thích săn bắn và săn bắn rất giỏi. Vì thế đời sống của anh em trong Đoàn cũng được cải thiện, có thức ăn ngon.
Đi với Xuân Hồng chúng tôi không sợ thiếu ăn, thiếu uống. Anh sẵn sàng bỏ quần áo, xuống bắt cá với anh em. Nói về anh là nói về một đoàn trưởng xuất thân từ nông dân, sống tình cảm, vui vẻ, cũng là nói về một người đại đội trưởng anh hùng, uy tín với anh em”, Phó Đoàn Văn công Quân giải phóng nhớ về quá khứ ăm ắp kỷ niệm.
Tháng 12 năm 2014, cố nhạc sĩ Xuân Hồng được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân.
Đằng đẵng tháng năm xa vợ con
Cố nhạc sĩ Xuân Hồng có 3 người con trai và một con gái. Vợ ông đã khuất núi 9 năm nay. Trong ký ức của chị Hồng Loan, con gái út của vợ chồng cố nhạc sĩ, hình ảnh của cha sống mãi.
Sinh ra ở thời khói bom, chị cùng các anh của mình chịu cảnh ly biệt với cha hơn 10 năm trời: “Do chiến tranh nên chúng tôi không được ở gần nhau. Để ba yên tâm công tác, mẹ tôi đưa chúng tôi về quê sống với ông bà ngoại, ở thị xã Tây Ninh (bây giờ là thành phố Tây Ninh). Đến ngày đất nước thống nhất gia đình mới được đoàn tụ”.

Nhạc sĩ Xuân Hồng về thăm sóc Bom Bo lần cuối, khoảng năm 1994 - 1995
Một trong những nhạc phẩm thai nghén lâu nhất của nhạc sĩ Xuân Hồng chính là Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh với hành trình hơn 10 năm. Ông hoàn thành ca khúc vào mùa xuân 1975.
Tròn 50 năm đã trôi qua, bài hát vẫn khiến người nghe nghẹn ngào về giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc: “Ngày đi như trong đêm mơ tuổi lớn rồi mà như ngây thơ. Ôi ta đang đi, đi giữa rừng hoa, hay ta đi giữa rừng cờ”.
Khi Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh được phát trên đài phát thanh, chị Hồng Loan mới biết đó là sáng tác của cha mình, nhạc sĩ Xuân Hồng. “Mẹ nói cho tôi biết. Vì lúc đó chúng tôi vẫn chưa được gặp cha. Ngày gặp cha, tôi ngỡ ngàng khi nhìn thấy cha trong quân phục bộ đội, đầu đội nón cối”.
Chị Hồng Loan kể, mẹ chị là một y tá nhưng phải làm đủ thứ việc để có tiền lo cho gia đình. Ngoài chích thuốc theo toa của bác sĩ, mẹ tôi còn làm thêm nghề may vá, chằm nón lá… Mẹ nặng gánh lắm nhưng chưa bao giờ phàn nàn hay than thở. Bà là người phụ nữ tuyệt vời, hi sinh tất cả vì chồng con.
Nhạc sĩ Xuân Hồng say mê lao động sáng tạo, ngay cả khi nằm trên giường bệnh, sắp tạ từ nhân thế, ông vẫn hoàn thành những ca khúc cuối cùng, trong đó có Gương mặt mùa xuân. Nhạc sĩ đã dành cả đời để vĩnh cửu hóa mùa xuân của đất nước, của tình yêu bằng âm nhạc: Xuân chiến khu, Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh, Mùa xuân bên cửa sổ…
“Chúng tôi đi học mang họ mẹ, trong giấy khai sinh phần cha ruột để trống. Đến ngày đất nước ca khúc khải hoàn, làm lại giấy khai sinh, không còn phải giấu cha đi làm cách mạng.
Đằng đẵng hơn 10 năm, mẹ không dám đi thăm ba vì lo bị bắt không còn ai chăm con cái cùng cha mẹ già”, chị Hồng Loan rưng rưng kể.
Những người con của nhạc sĩ Xuân Hồng không có ai nối nghiệp cha. Chị Loan nói: “Anh em tôi không được sống gần cha, đó là một thiệt thòi. Một người anh của tôi có năng khiếu âm nhạc, đáng tiếc, anh mất sớm”.

Đất nước thanh bình, gia đình đoàn tụ, giấc mơ đã thành hiện thực, nhạc sĩ Xuân Hồng lại bận rộn với những nhiệm vụ mới. Ông từng đảm đương vị trí Tổng thư ký Hội Nhạc sĩ TPHCM, Phó Tổng Thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam: “Ba tôi đi thực tế sáng tác hoài, không có nhiều thời gian cho gia đình”, chị Loan kể.
Xuân Hồng là bút danh của nhạc sĩ, tên thật của ông là Hồng Xuân. Chị Loan được nghe bạn bè của nhạc sĩ kể lại, Hồng Xuân hay bị nhầm là tên con gái. Đã có những khán giả gửi thư bày tỏ tình cảm mến yêu với nhạc sĩ, nên ông quyết định sử dụng bút danh.
Là người nổi tiếng song nhạc sĩ Xuân Hồng sống giản dị: “Ba tôi không cầu kỳ, không đua đòi, luôn biết sống vậy là đủ. Quần áo của ba chỉ có vài bộ. Ba bảo: May làm chi nhiều, mặc có hết đâu? Thỉnh thoảng bạn bè, đồng nghiệp tặng cái áo, ba vui lắm. Ba cũng may bộ vest chỉ để dành mặc trong những sự kiện”.
Đi qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, nhạc sĩ Xuân Hồng đã quen ăn uống đạm bạc. Con gái út của nhạc sĩ kể lại sinh hoạt hàng ngày của cha: “Buổi sáng ba ăn cơm nguội cùng mấy miếng chiên khô, đĩa dưa leo và chén nước mắm”.
Các nhạc sĩ thường có sáng tác tặng riêng vợ, Xuân Hồng thì không. Tình yêu của ông dành cho vợ không diễn tả bằng lời. Chị Hồng Loan nhớ lại: “Ba có thể chơi đàn mandolin và piano nhưng ba thích mandolin hơn.
Mandolin của ba chỉ có 6 dây, ba thường sáng tác bằng cây đàn thiếu dây này. Mẹ yếu tim, nhạc ồn ào khiến bà khó chịu nên ba thường sáng tác về khuya, khi cả nhà đã đi ngủ. Ba để mandolin bên tai, đàn nhè nhẹ, để không ảnh hưởng đến mẹ”.