Đời sống Cho con
TTH - Xem chương trình thời sự lúc 19 giờ trên VTV1 vừa qua, hình ảnh các cháu nhỏ vùng cao ngày đầu vào lớp 1 trường nội trú, bịn rịn rồi òa khóc nức nở khi mẹ ra về, tôi không cầm được nước mắt. Mới 6 tuổi, các cháu phải rời xa tổ ấm, không có cha mẹ bên mình hàng ngày với bao lạ lẫm của cuộc sống tự lập, thật thương cảm. Bước đường đến với con chữ của các cháu quá đỗi gian nan!
Chợt nhớ hồi con gái đầu lòng đang học tiểu học, năm lớp 3, lớp 4 gì đó được chọn đi thi học sinh giỏi ở huyện, tôi chở cháu ra thị trấn Tứ Hạ. Tới điểm thi, cháu và các bạn vào phòng, tôi cũng như các phụ huynh tìm chỗ tránh nắng, đứng chờ ngoài cổng. Tiếng trống báo hết giờ vang lên, con tôi chạy ùa ra sân, mắt hướng về phía cổng, nơi ban sáng tôi dừng xe, mặt có vẻ ngơ ngác, thất thần rồi cất tiếng gọi ba. Thấy thế, tôi vội giơ tay vẫy, cao giọng trả lời. Thỉnh thoảng, cảnh tượng ấy tái hiện đầy ám ảnh trong tôi. Có thể hồi bé tôi cũng trông cha ngóng mẹ, chờ đợi người thân như vậy, song có lẽ là theo bản năng nên chẳng lưu giữ lại chút nào trong ký ức, chỉ đến lúc làm cha mới ngộ ra, cảm nhận được.
Năm tháng dần trôi, con tôi giờ đã tốt nghiệp đại học, đang tìm việc. Mấy hôm nay, cháu ngỏ lời vào thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng tìm cơ hội, tôi chưa biết phải nói sao cho cháu hiểu những khó khăn, vất vả khi xa nhà, từ nơi ăn, chốn ở, đi lại, điều kiện làm việc, nhất là thân gái dặm trường. Thâm tâm không muốn cháu đi, dẫu biết rằng không thể giữ cháu mãi. Nghĩ tới một ngày nào đó mở mắt không thấy con, chẳng biết tôi sẽ thế nào.
Con đường học hành của con tôi hanh thông hơn các em nhỏ vùng cao, còn hành trình vào đời, kiếm công ăn việc làm phù hợp chắc cam go, gập ghềnh, khúc khuỷu tựa bàn chân cha mẹ các em lúc trèo đèo lội suối để lên nương, vào rẫy. Tuy nhiên, ánh mắt của con trên sân trường Tứ Hạ ngày nào là động lực giúp tôi tự tin vững bước đồng hành cùng con.
Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/cho-con-a118404.html