Đời sống công nhân dịp cuối năm - Bài 3: Xoay xở tìm việc cuối năm
Mặc dù đang bị thất nghiệp nhưng thay vì ngồi than vãn, chờ đợi được hỗ trợ, không ít công nhân tại TP Hồ Chí Minh đã tìm kiếm cơ hội việc làm cho mình.
"Hai tay, ba việc"
Tại khu chợ tự phát trên lề đường Hồ Học Lãm (phường An Lạc, quận Bình Tân), một giọng chào mời "đặc" miền Trung cất lên: “Mua chả cá Phú Yên đi chị ơi, tươi và ngon lắm. Em để rẻ cho!”. Chị chủ hàng chả cá có vóc người nhỏ nhắn, tính tình cởi mở, giới thiệu tên mình là Lê Thị Thùy Trang năm nay 35 tuổi, quê ở Phú Yên và hiện đang làm công nhân cho một công ty ở quận Bình Tân.
Thùy Trang cho biết, do cắt giảm, không còn tăng ca nữa nên ngoài thời gian làm việc tại công ty, từ 16 giờ, Trang bắt đầu kiếm thêm công việc mới để tăng thu nhập. Có người nhà ở Phú Yên giới thiệu mối chả cá ngon, đảm bảo an toàn thực phẩm, Trang lấy vài ký rồi ra chợ bán thử. Không ngờ công việc này cũng cho Trang thêm chút thu nhập để trang trải các chi phí cuộc sống.
"Lúc đầu chỉ có chị em trong công ty mua ủng hộ, sau nhiều người ăn thấy ngon nên em mạnh dạn đặt thêm hàng. Cứ sau giờ làm ở nhà máy, em lại ra chợ vào ca 3, kiếm thêm đồng ra đồng vào phụ gia đình”, Trang tâm sự.
Tâm sự về hoàn cảnh của mình, Thùy Trang kể, chồng làm thợ hồ, nay đây mai đó, thu nhập bấp bênh, bữa có bữa không. Ngoài con trai 8 tuổi đang gửi ở quê, Trang còn nuôi thêm hai cháu đang học lớp 10 và lớp 3. Dành dụm được khoản nào, chị lại gửi về quê cho con ăn học. Thùy Trang bán nào là chả chiên, chả lụa, cá bào… mỗi món cũng kiếm lời được vài chục ngàn. Ngày chủ nhật, Trang còn ra chợ Tân Bình (quận Tân Bình) lấy thêm quần áo về và đăng bán trên mạng xã hội để kiếm thêm.
“Mặc dù kiếm việc làm vào dịp cuối năm khó khăn, nhưng dù khó khăn thế nào thì thu nhập ở TP Hồ Chí Minh cũng cao hơn ở quê nên hai vợ chồng cũng quyết bám trụ thành phố. Vì vậy, những ngày này, hễ ai thuê mướn gì hai vợ chồng tôi cũng nhận, miễn sao kiếm thêm nhiều tiền hơn để lo cho các con ăn học nên người”, chị Trang thổ lộ.
Cũng giống như Thùy Trang, dù chưa đến nỗi mất việc, nhưng anh Nguyễn Văn Tâm (quê An Giang) đang làm công nhân tại công ty Pouyuen cũng bị giảm việc, không tăng ca. “Thu nhập không đủ nuôi vợ con, tôi đăng ký hãng xe ôm công nghệ để làm thêm. Từ chở khách, vận chuyển hàng hóa đến giao thức ăn… tôi đều nhận làm hết, miễn sao có thêm thu nhập. Nửa năm qua, bất kể mưa gió, tôi đều bắt đầu ra đường vào “ca 3” từ 17 giờ đến 22 giờ, mỗi ngày kiếm thêm khoảng 100.000 đồng”, anh Tâm cho biết.
Khoác chiếc áo của hãng xe công nghệ bên ngoài bộ đồ công nhân, anh Tâm tạm biệt chúng tôi để nhận một đơn hàng giao thức ăn khách vừa đặt qua ứng dụng. Anh vui vẻ bảo, nhiều bạn bè của anh cũng “hai tay, ba việc” như thế từ khi công ty gặp khó. “Vợ mình sau giờ tan ca cũng nhận chân dán lịch Tết tại một cơ sở gần khu trọ. Các con đều chuyển về quê nhờ ông bà trông hộ từ lúc dịch đến nay. Lắm lúc nhớ con nhưng vì cuộc sống, vì mưu sinh, mình đều cố nén lại. Hy vọng có thêm thu nhập để Tết này về quê, mua cho con tấm áo mới và món đồ chơi yêu thích”, anh nói nhanh rồi lao vút xe, hòa vào dòng người tấp nập của TP Hồ Chí Minh.
Học nghề kiếm thêm thu nhập
Khu trọ công nhân trong con hẻm nhỏ trên đường Hồ Học Lãm (quận Bình Tân) có hơn 50 phòng trọ, chia thành nhiều khu. Đây là nơi ở của rất nhiều công nhân Công ty Pouyuen, Nhựa Chợ Lớn, Tỷ Hùng… Khu này còn có một khoảng đất trống, chủ nhà chưa xây thêm phòng đã trở thành sân chơi cho trẻ con mỗi chiều về.
Tưởng có người đến hỏi thuê phòng, bà Vũ Kim Mỹ đang thuê trọ ở đây cho biết, vừa qua có rất nhiều công nhân bị thất nghiệp nên về quê sớm, còn nhiều phòng trống. "Vì tôi đã lớn tuổi nên tôi ở đây trông cháu nội cho các con đi làm. Chúng tôi cứ tưởng rằng sau dịch COVID-19, mọi việc sẽ tươi sáng hơn khi công việc nhiều hơn, nhưng không ngờ các công ty lại khó khăn khiến cuộc sống của công nhân cũng khó khăn hơn", bà Mỹ nói.
Trong khi đó, vừa đút cơm cho con, vừa tranh thủ liên hệ với người quen để tìm việc làm thêm, chị Lý Kim Nhạn (quê Kiên Giang) đang làm công nhân tại Công ty TNHH 3Q Vina (Quận 8) cho biết, may mắn là công ty vẫn còn có đơn hàng, công nhân làm việc suốt tuần. “Tuy không tăng ca nhưng có việc đều đặn, thu nhập 6 triệu đồng/tháng cũng đủ để em nuôi con, trả tiền nhà trọ. Như vậy là mừng rồi. Trong xóm trọ này, nhiều công nhân bị sa thải, thất nghiệp vì công ty không có đơn hàng”, chị Nhạn tâm sự.
Căn phòng trọ bình dân rộng khoảng 6m2 có giá thuê 1,7 triệu đồng/tháng này là “tổ ấm” của gia đình Nhạn suốt 4 năm qua. Trong phòng không có gì quý giá ngoài chiếc xe máy cũ. Chồng của Nhạn cũng là công nhân chuyên sản xuất bao bì nhựa, cũng phải nghỉ luân phiên. “Thu nhập bấp bênh nên chúng em phải co kéo dữ lắm mới đủ chi phí sinh hoạt, gửi con đi trẻ, thuê nhà… Em cũng tính học thêm nghề “lận lưng” nhưng lại không có tiền. Mấy tháng trước có mối gia công dán kẹp tóc giao làm tại nhà, nhưng giờ hàng ít đi nên họ cũng không kêu mình nữa”, chị Nhạn thở dài.
"Nếu có tiền thưởng Tết, tôi sẽ mua thêm chiếc máy may để nhận hàng về gia công, kiếm thêm thu nhập", chị Lê Thị Quyên, công nhân Công ty Nhựa Chợ Lớn nói. Đầu tư một chiếc máy may cũng tầm 7 - 8 triệu đồng. Số tiền tuy không quá lớn nhưng lại vượt quá khả năng của chị Quyên, nhất là không biết Tết này có được thưởng hay không, bởi công ty chỉ còn cho công nhân làm việc từ 3 - 4 ngày/tuần. Chị Quyên trầm tư nói, 20 năm bươn chải ở Sài Gòn, đến bệnh chị cũng không dám nhưng chưa bao giờ thấy có một việc làm ổn định khó khăn như lúc này.