Đời sống của người Yurok dọc hạ lưu sông Klamath

Bộ tộc Yurok là những người da đỏ Bắc Mỹ sống ở bang California, Mỹ - khu vực dọc theo hạ lưu sông Klamath và bờ biển Thái Bình Dương. Do lãnh thổ sinh sống truyền thống nằm trên biên giới giữa các khu vực văn hóa và sinh thái khác nhau, người Yurok đã kết hợp các tập quán điển hình của người da đỏ Bờ biển Tây Bắc Mỹ với nhiều đặc điểm và tôn giáo chung của người da đỏ ở California.

Trẻ em bộ tộc Yurok. Ảnh: Yuroktribe

Trẻ em bộ tộc Yurok. Ảnh: Yuroktribe

Từ thế kỷ 14, tổ tiên của người Yurok đã sinh sống trong những ngôi làng cố định dọc theo sông Klamath. Trong ngôn ngữ của bộ tộc, Yurok có nghĩa là “dòng chảy xuôi”. Người Yurok đôi khi tự gọi mình là Pulikla (người sống ở hạ lưu sông Klamath). Nhờ vào địa hình sông nước và rừng cây gỗ đỏ, cuộc sống của người Yurok đã được bảo vệ khỏi sự xâm lược từ các bộ tộc bên ngoài. Tài nguyên thiên nhiên có sẵn đã cung cấp nguồn thức ăn dồi dào nên bộ tộc Yurok sinh sống cố định trong những ngôi làng quanh năm.

Là một bộ tộc hòa bình, người Yurok thường duy trì mối quan hệ tốt đẹp với các bộ tộc láng giềng và học nói các ngôn ngữ khác để có thể giao tiếp. Mặc dù người Yurok xây dựng những ngôi nhà bằng ván giống như nhiều bộ lạc Tây Bắc Mỹ, nhưng họ cũng chia sẻ những thực hành tôn giáo và văn hóa tương tự với những người da đỏ California khác.

Năm 1775, các nhà thám hiểm người Tây Ban Nha đã khám phá ra lãnh thổ của người Yurok. Vào những năm 1800, chính phủ Mỹ đã quyết định thành lập Khu bảo tồn dành cho bộ tộc Yurok ở Tây Bắc California.

Hầu hết người da đỏ bản địa tin rằng đất đai thuộc về tất cả mọi người và họ chia sẻ tài sản của mình một cách tự do. Tuy nhiên, người Yurok không chỉ sở hữu đất đai mà còn buôn bán đất. Mặc dù một số vùng đất được tất cả các thành viên bộ tộc sử dụng, nhưng hầu hết các khu vực săn bắn và đánh cá đều thuộc sở hữu cá nhân. Nếu một người muốn câu cá tại khu vực đánh cá của người khác, họ phải thuê phần đất đó.

Đàn ông Yurol thường sử dụng đá để đẽo gỗ đỏ thành ghế đẩu, hộp đựng đồ, dụng cụ nấu ăn và ca nô độc mộc. Để làm xuồng, người Yurok thường đốt cháy phần giữa một khúc gỗ lớn dài 6-9 mét và chà mịn hai bên hông xuồng. Quá trình làm xuồng kéo dài từ 5 đến 6 tháng. Các bộ lạc khác thường mua xuồng của người Yurok vì tính tiện lợi của xuồng.

Người Yurok cũng tiến hành giao thương rộng rãi các mặt hàng với các bộ tộc khác. Các mặt hàng hay được trao đổi nhiều nhất là vảy của chim gõ kiến, muội núi lửa đen và da hươu trắng. Tiền của bộ tộc Yurok được gọi là Ali-cachuck.

Những người giàu có nhất trong xã hội của bộ tộc Yurok sẽ sở hữu nhiều bộ trang phục khiêu vũ và đứng ra tổ chức các buổi lễ. Phụ nữ Yurok hay mặc váy may bằng da nai dài đến đầu gối và quấn một chiếc tạp dề phía trước. Váy cho những dịp đặc biệt còn được trang trí bằng vỏ sò hoặc vỏ bào ngư. Đàn ông và trẻ em Yurok thường chỉ mặc một chiếc khăn bó sát bằng da hươu). Trong thời tiết lạnh giá, cả đàn ông và phụ nữ đều khoác thêm áo choàng làm từ da hươu, nai, chó sói hoặc gấu mèo.

Nhà của bộ tộc Yurok thường rộng 6 mét có kết cấu hình vuông, được ghép bằng các ván gỗ đỉ hoặc cây tùng. Những ván gỗ này được tách ra từ những cây đổ do bão hoặc cắt từ những cây lớn, cho phép cây cối vẫn sống mà không bị đốn đổ. Trong mỗi ngôi nhà, người Yurok thường đào một cái hố sâu 1-2 mét với đường kính từ 3-5 mét để làm bếp nấu ăn. Mái nhà có những tấm ván di chuyển được để tạo lỗ thông gió thoát hơi từ bếp. Tại các điểm đánh bắt cá hoặc hái lượm theo mùa, các gia đình dựng lều tạm bằng cành cây.

Trong những năm 1700, có khoảng 2.500 người Yurok sống trong 50 ngôi làng dọc sông Klamath. Hiện nay, Yurok là bộ tộc người Mỹ bản địa lớn nhất tại bang California với hơn 5.000 người. Trong những năm đầu của thế kỷ XXI, hầu hết người Yurok sống ở Khu bảo tồn Yurok. Từ đó, ngoài những ngành nghề chính như lâm nghiệp, ngư nghiệp, nông nghiệp, khai thác mỏ, người Yurok đã phát triển các ngành khác như khai thác mỏ, bất động sản, du lịch, dịch vụ bán lẻ...

Thu Minh

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/doi-song-cua-nguoi-yurok-doc-ha-luu-song-klamath-post443650.html