Đời sống Đời sống Để lương hưu là 'sổ tiết kiệm dài hạn'
TTH - Sửa luật, rút ngắn thời gian đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện và đa dạng hóa hình thức tham gia để giữ chân người lao động, tránh tình trạng hưởng bảo hiểm xã hội một lần và lương hưu là 'sổ tiết kiệm dài hạn'
“Giữ chân” người lao động
BHXH là một trong những trụ cột của chính sách an sinh xã hội, giúp họ bảo đảm các chi phí tối thiểu trong sinh hoạt hay sự tồn tại của mỗi người. Quy định hiện nay là 20 năm đóng mới được hưởng chế độ hưu trí, còn Nghị quyết 28 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII có nêu phải rút ngắn thời gian này, hướng lộ trình là có thể xuống 15 năm, thậm chí 10 năm.
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại phiên thảo luận tổ về tình hình thực hiện chính sách, chế độ BHXH, quản lý và sử dụng quỹ BHXH năm 2020 vào chiều 22/10 vừa qua, “người lao động tham gia đóng BHXH chỉ chờ 10 - 15 năm thì người ta còn theo đuổi để được hưởng lương hưu khi về già. Vì thế cần phải sớm sửa luật, làm được điều này sẽ giữ được số lượng người lao động ở lại trong hệ thống nhiều hơn, tránh việc phát triển mới được 10 phần, số rút ra lại mất 7 - 8 phần, như vậy số người tham gia BHXH tăng nhưng không đáng kể”.
Từ thực tế ở Thừa Thiên Huế, ông Nguyễn Viết Dũng, Giám đốc BHXH tỉnh cho rằng: “Quy định về thời gian đóng BHXH cố định trong 20 năm là chưa linh hoạt, khiến người tham gia bảo hiểm chưa thực sự an tâm do thời gian đóng quá dài, nhất là người lao động ngoài quốc doanh. Tôi ủng hộ đề xuất này. Hiện nay, có rất nhiều người có gần 20 năm đóng BHXH, hết tuổi lao động không làm nữa thì người ta không được hưởng các chế độ BHXH. Như vậy là đưa họ ra khỏi mạng lưới an sinh xã hội, chỉ được hưởng một lần thôi, rất khó khăn; không khuyến khích, động viên những người có độ tuổi khá cao tham gia vào hệ thống an sinh xã hội và sẽ là gánh nặng cho chính bản thân, gia đình và xã hội sau này”.
Ông Nguyễn Viết Dũng cũng phân tích, theo Nghị quyết 28 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách BHXH, thời gian đóng BHXH ít nhất để được hưởng lương hưu có thể giảm từ 20 xuống 15 năm, thậm chí 10 năm. Chủ trương có thể áp dụng ngay thời điểm này cũng phù hợp với tình hình thực tế. Song song đó, chúng ta cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong tham gia BHXH bắt buộc.
Tránh quá tải hưởng BHXH một lần
Tính đến cuối năm 2020, tỷ lệ người lao động tham gia BHXH tại Thừa Thiên Huế tăng từ 19,42% (năm 2012) lên 26,43% (năm 2020); số người tham gia BHXH bắt buộc tăng từ 19,3% lên 23,38%; đặc biệt người tham gia BHXH tự nguyện tăng từ 0,12% lên 3,5% (tính đến hết năm 2020 đạt 15.550 người tham gia); tỷ lệ người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp tăng từ 16,7% lên 21,54%. Số người tham gia bảo hiểm y tế đạt tỷ lệ bao phủ gần 99% dân số. Số thu tăng từ 744.137 triệu đồng (năm 2012) lên 1.835.252 triệu đồng (năm 2021); thu bảo hiểm y tế tăng từ 415.038 triệu đồng (năm 2012) lên 1.165.312 triệu đồng (năm 2021)…
Dịch COVID -19 bùng phát và kéo dài, nhưng nhờ BHXH Thừa Thiên Huế đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp có hiệu quả nên vẫn tiếp tục phát triển và mở rộng đối tượng tham gia BHXH, BHYT và BHTN thời gian gần đây. Tính đến 30/11/2021, số người đóng BHXH bắt buộc là 124.444 người, tăng 5.359 người so với tháng 12/2020; số người đóng BHXH tự nguyện là 19.302 người, tăng 3.752 người so với tháng 12/2020; số người tham gia BHYT là 1.151.028 người, tăng 3.088 người so với tháng 12/2020; số người tham gia BHTN là 115.849 người, tăng 6.141 người so với tháng 12/2020. Tuy nhiên, do nhiều vướng mắc, trong đó có vấn đề thời gian đóng BHXH quá dài đã hạn chế để công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT và BHTN.
Bày tỏ suy nghĩ về chủ trương rút ngắn thời gian đóng bảo hiểm, bà Lê Thị Liên, giáo viên về hưu ở phường Trường An (TP. Huế) chia sẻ “Trước nay, khi áp dụng theo Luật BHXH thì thời gian được hưởng là 20 năm. Nhiều người đã chuyển công tác từ cơ quan qua doanh nghiệp đã phải tính lại từ đầu thời gian đóng BHXH. Vậy là, khi đến tuổi nghỉ hưu họ không đủ thời gian để được hưởng lương hưu. Không ít người phải đóng thêm tiền cho số năm còn thiếu hay chờ vài năm mới được lãnh lương hưu, quyền lợi của người được hưởng BHXH chưa đảm bảo. Do vậy, nhiều người chấp nhận lãnh chế độ BHXH 1 lần. Tuy nhiên, nó sẽ không an toàn cho cuộc sống sau tuổi nghỉ hưu bằng việc mỗi tháng có lương. Theo tôi, việc rút ngắn thời gian đóng BHXH xuống 15 năm hay 10 năm mang tính nhân văn”.
Còn ông Đào Ngọc Hùng ở TP Huế thì tính toán cụ thể: “Tôi gần như đã đóng BHXH được 13 năm, đến tuổi hưu 62, tôi thiếu 8 năm 6 tháng, trừ mất 17% nên lương hưu được 34% nữa; quá thấp nên tôi xác định rút một lần. Theo tôi, nên đóng BHXH 15 năm là hợp lý và tham gia BHXH tự nguyện cũng được hưởng quyền lợi như tham gia BHXH bắt buộc. Có như vậy mới khuyến khích được người dân tham gia và họ sẽ không rút BHXH một lần như hiện nay”.
Theo BHXH tỉnh, hiện số người lĩnh BHXH một lần tăng hơn 14% so với cùng kỳ năm 2020. Đây là thực tế rất đáng lo ngại, không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi người lao động mà còn tác động lâu dài tới kinh tế - xã hội. Nếu lĩnh BHXH một lần, người lao động sẽ mất đi khoảng 1,14 tháng lương đối với mỗi năm đóng BHXH trước năm 2014 và khoảng 0,64 tháng lương đối với mỗi năm đóng BHXH sau năm 2014.
Để kéo giảm tình trạng gia tăng rút sổ BHXH một lần, nhiều chuyên gia trong ngành BHXH cho rằng, cần sớm sửa đổi Luật BHXH theo hướng chặt chẽ hơn trong quy định hưởng BHXH một lần; sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu, giúp người lao động dễ dàng đạt được điều kiện để hưởng lương hưu, hạn chế nhận BHXH một lần.
Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/de-luong-huu-la-so-tiet-kiem-dai-han-a107689.html