Đời sống Đời sống Rối điện nghệ thuật và 'chàng lãng tử' xứ Huế
TTH - Từ một cậu học trò chuyên văn, 'chàng lãng tử' Nguyễn Phi Tuấn 'vô tình' bước vào con đường nghệ thuật truyền thống múa rối để rồi rối trở thành niềm đam mê đời người…
Nguyễn Phi Tuấn (1965), “chàng lãng tử xứ Huế”, khi rời giảng đường đại học đã chọn vùng đất mới Đắk Lắk để lập nghiệp bằng nghề phóng viên. Tình cờ, anh thi rồi đậu một khóa diễn viên, kết thúc khóa học về lại Đắk Lắk, nhưng không có đất diễn nên được phân vào đoàn múa rối. Năm 1990, anh chính thức bước vào con đường nghệ thuật rối để 8 năm sau, một lần nữa anh lại vác ba lô ra Hà Nội học làm đạo diễn.
Cơ duyên với Huế khi tốt nghiệp khóa đạo diễn anh được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế mời về làm đạo diễn kiêm Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học tại Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế. 10 năm gắn bó với nơi đây, nhưng lại duyên nợ với rối, nên năm 2007, anh mở Nhà hát Múa rối Huế. Chạy “hai chân” đến 2011 thì anh Tuấn chính thức nghỉ việc ở Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế, tập trung cho Nhà hát Múa rối Huế.
Theo nghệ nhân Phi Tuấn, du khách nước ngoài đến Huế, ngoài thăm thú danh lam thắng cảnh, tìm những nét đặc trưng của vùng đất, còn yêu thích nghệ thuật múa rối. Đó chính là động lực để mấy chục năm qua anh tìm tòi và cho ra đời những vở kịch rối đặc sắc để thu hút du khách.
Nhưng hai năm qua, COVID-19 gần như đã hạ gục Nhà hát Múa rối Huế. Không có khách du lịch, trường học nghỉ, không đoàn tham quan, chấm dứt lưu diễn… nhà hát đóng cửa để trả lại mặt bằng. Rảnh việc, anh sực nhớ những con rối điện từng thấy trong một lần đi thăm người anh ở Nghệ An, vậy là bắt tay làm thử. “Rối điện đơn thuần không có được tạo hình, âm nhạc và bố cục của một nhân vật như các loại rối khác. Nó bắt đầu là một “con rối công nghệ mới”, được làm theo cảm tính để giải trí chứ không có ý đồ cụ thể. Muốn đưa rối điện gia nhập vào thế giới múa rối, mình phải bổ sung những gì nó thiếu, nhưng theo một chiều hướng khác". Nghệ nhân Phi Tuấn chia sẻ.
Động tác của rối điện tự động, khá đơn thuần, có tính lặp đi lặp lại với tốc độ giống nhau, hoàn toàn không so sánh được với rối truyền thống có người điều khiển trực tiếp. Trong khi đó, mỗi nhân vật trong kịch rối cần có động tác, tốc độ riêng… tạo nên tính cách đặc trưng riêng cho từng nhân vật là thử thách với người thiết kế rối điện. Ví dụ, trong “Làng quê ngày mùa”, tốc độ của rối châm trà khác với rối xay lúa. Vì thế, mình phải tính toán làm hệ thống nhông truyền sao để có thể điều khiển động tác rối phù hợp với tính cách của từng nhân vật nó biểu hiện”. Rối điện đem đến sự mới lạ và giảm bớt người điều khiển nhưng đòi hỏi người thiết kế, dựng kịch phải tạo nên đặc trưng cho từng nhân vật chứ không chỉ tạo hình để phụ thuộc người điều khiển.
Kiến thức vật lý đã quên nhiều, lập cập trước máy móc, nên quá trình rối điện “tiến hóa” thành nhân vật trong một vở kịch của nghệ nhân Phi Tuấn ban đầu mất rất nhiều công sức. Song điều đó không làm anh nản chí. Anh mày mò nghiên cứu, thử nghiệm và luôn nhắc nhở bản thân rằng đây có thể là bước ngoặt để vực dậy môn nghệ thuật này. “Trước khi làm rối điện mình là đạo diễn, diễn viên và nghệ nhân múa rối, còn bây giờ mình là thợ đủ thể loại từ gò, hàn, sơn, vẽ, tạo hình…”, anh Phi Tuấn cười nói.
Niềm vui đong đầy khi những sản phẩm đầu tiên đã ra lò, đó là “Làng quê ngày mùa” (2020); “Cồng chiêng Tây Nguyên”, “Đờn ca tài tử” (2021) và đầu năm nay là “Chí Phèo”. Do Nhà hát Múa rối tạm đóng cửa nên 2 tác phẩm “Cồng chiêng Tây Nguyên” và “Đờn ca tài tử” đã được anh nhượng quyền cho nhà hát Rối và Xiếc Phương Nam (TP. Hồ Chí Minh) biểu diễn vào dịp Tết Nguyên đán này… Với anh, hai tác phẩm này chỉ là bước bắt đầu cho mục tiêu làm chuỗi các tác phẩm đề tài về di sản văn hóa phi vật thể tại Việt Nam đã được UNESCO công nhận.
Sản phẩm tiếp theo anh muốn làm chính là Nhã nhạc Cung đình Huế. Anh Tuấn cũng đang cố gắng thử hòa quyện rối nước và rối điện trong một sân khấu, biến những nhân vật rối nước đã quen thuộc thành rối điện để người xem cảm nhận sự mới lạ trong loại hình nghệ thuật này. “Mình đang hướng để rối nước bước ra khỏi nước và biểu diễn trên sân khấu rối điện, để những người đã xem cả hai loại hình múa rối này có thể so sánh sự khác lạ giữa rối nước truyền thống và rối điện. Theo mình, đó là sự thay đổi tích cực của loại hình múa rối”. Anh Phi Tuấn nói.