Đời sống Đời sống Xông pha thời chiến, cống hiến thời bình
Chiến tranh đã lùi xa, dù mang trong mình những vết thương, vẫn đau nhức khi trái gió trở trời, nhưng với quyết tâm 'tàn nhưng không phế', những người lính năm xưa ở Nam Đông đã vươn lên phát triển kinh tế, chung tay xây dựng quê hương.
Ông bà mẫu mực
Lên xã định canh định cư Hương Sơn - nơi có 100% đồng bào dân tộc thiểu số của huyện miền núi Nam Đông, hỏi vợ chồng ông Hồ Sỹ Thi (75 tuổi) và bà Hồ Thị Hồng (70 tuổi) ở thôn Ta Rung, từ trẻ nhỏ đến người lớn ai cũng biết. Họ biết đến ông bà là đôi vợ chồng thương binh, bệnh binh mẫu mực, luôn biết cách vượt qua khó khăn, vươn lên làm giàu và có nhiều cống hiến cho cộng đồng, xã hội.
Bên ly chè xanh pha mật ong, ông Hồ Sỹ Thi kể, những năm 1967- 1968, chiến tranh diễn ra ác liệt, rộng khắp. Với sức trẻ của một chàng trai Cơ Tu tuổi mười tám đôi mươi, ông tình nguyện lên đường nhập ngũ bảo vệ Tổ quốc. Lúc bấy giờ, đơn vị ông đóng quân ở biên giới Việt- Lào thuộc huyện A Lưới. Quá trình chiến đấu, ông cùng đồng đội trải qua gần 30 trận đánh, bắn rơi 6 máy bay và tiêu diệt nhiều sinh lực địch. Bà Hồng - vợ ông cũng là người Cơ Tu, từng tham gia bộ đội giai đoạn 1968-1975 với nhiều cống hiến cho tuyến đầu A Lưới.
Chiến tranh kết thúc, là thương binh hạng 2/4, năm 1976, ông Hồ Sỹ Thi cùng vợ trở về xã Hương Sơn sinh sống bởi nơi đây khí hậu trong lành, đất đai tươi tốt rất thích hợp để an cư lập nghiệp. Từ đây, ông bà bắt tay tăng gia sản xuất. Bước đầu lập nghiệp còn khó khăn, vất vả, nhưng được sự thương yêu, đùm bọc của đồng chí, đồng đội, người dân và chính quyền địa phương, gia đình ông Thi đã vượt qua khó khăn, vươn lên phát triển kinh tế. Những người con của ông hiện có công ăn việc làm ổn định, có người giữ trọng trách ở huyện. Đến nay, vợ chồng ông Thi có một mảnh vườn rộng 3 sào trồng nhiều loại cây ăn trái cùng 5ha keo, 4ha cao su, chăn nuôi bò, lợn, gà… với tổng thu nhập hằng năm trên 250 triệu đồng.
Mặc dù đã ở tuổi xưa nay hiếm, nhưng tính tiên phong gương mẫu trong ông bà luôn được phát huy. Trên nhiều cương vị từ Xã đội trưởng, rồi Bí thư Huyện đoàn Nam Đông, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam huyện, nay ông Thi là Chủ tịch Hội người khuyết tật xã Hương Sơn. Còn bà Hồng cũng tham gia hoạt động các đoàn thể và nay là Phó Chủ tịch Hội cựu Thanh niên xung phong huyện… Hai ông bà là người có uy tín, thường xuyên vận động bà con giúp các hộ nghèo, gia đình chính sách không có điều kiện làm kinh tế về cây, con giống, đồng thời tham gia tích cực các phong trào do địa phương phát động, nhất là trong xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo.
“Tàn nhưng không phế”
Thương binh hạng 4/4 Lê Thanh Hàng (ở thôn 7, xã Thượng Long) là người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ tiêu biểu trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Qua câu chuyện ông kể, chúng tôi càng khâm phục hơn bởi tấm gương vượt khó, nghị lực vượt lên chính mình của ông.
Nhập ngũ năm 1978 và từng tham gia chiến trường Campuchia, năm 1982, ông Hàng xuất ngũ trở về địa phương khi vừa tròn 22 tuổi và mang trên mình nhiều vết thương do chiến tranh để lại. Nhưng với phẩm chất anh "Bộ đội Cụ Hồ” và quyết tâm “tàn nhưng không phế”, ông chăm chỉ phát triển kinh tế vườn nhà, vườn đồi, chăn nuôi và đã cho thu phập khá cao, ổn định, trở thành tấm gương sáng cho mọi người học tập, làm theo.
Ở huyện Nam Đông hiện có hàng chục gương điển hình là cựu chiến binh, thương binh, bệnh binh vươn lên làm giàu chính đáng. Bệnh binh Trần Xuân Bí ở thôn Bha Bhar, xã Hương Sơn dù mất 62% sức khỏe nhưng vẫn có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm nhờ 6ha cao su, 3ha keo tràm, 4 sào ruộng, ao cá, chăn nuôi bò…
Cựu chiến binh Diệp Minh Khanh ở xã Hương Hòa là Bí thư chi bộ thôn, không những cần cù lao động, lập trang trại trồng cây cao su, chăn nuôi, ông còn tạo vườn ươm lai ghép cây cam giống bán, hỗ trợ người dân hình thành vườn mẫu cam ở Nam Đông. Ông cùng tập thể xây dựng nghị quyết, chủ trương lập các vườn mẫu có giá trị kinh tế hàng hóa. Cũng ở xã Hương Hòa, cựu chiến binh Trần Trọng Dương ngoài điển hình về phát triển kinh tế, ông đã hiến cả chục ngàn m2 đất rừng để lập nghĩa trang Nhân dân và mở đường xây dựng nông thôn mới.
Ông Võ Phước Hóa, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Nam Đông nhận xét, những năm gần đây, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, chính quyền các cấp, đời sống của người có công trên địa bàn huyện được của thiện đáng kể. Với uy tín của mình, những thương, bệnh binh đã và đang có sức lan tỏa, ảnh hưởng trực tiếp đến cộng đồng trong việc phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của người dân địa phương. Họ là tấm gương sáng, là điểm tựa rất lớn, tác động tích cực cho thế hệ trẻ học tập và noi theo.
Nguồn Thừa Thiên Huế: http://baothuathienhue.vn/xong-pha-thoi-chien-cong-hien-thoi-binh-a75230.html