Đời sống đồng bào dân tộc thiểu số ở Hà Giang đổi thay nhờ du lịch
Ở Hà Giang - nơi đá nhiều hơn đất, nơi cái nghèo bám riết lấy người dân tộc thiểu số suốt bao đời, một thời, người ta chỉ nghĩ đến việc rời đi để tìm kế sinh nhai. Nhưng rồi, du lịch đến, đời sống của đồng bào Mông, Dao, Tày, Lô Lô nơi đây đổi thay nhờ làm homestay và các dịch vụ phục vụ du khách.

Du lịch đã mang đến nhiều đổi thay trong cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số ở Hà Giang
Từ chênh vênh trên triền đá đến cơ hội bứt phá
Những con đường vắt vẻo trên đỉnh núi, những mái nhà trình tường màu đất nâu lặng lẽ giữa bạt ngàn đá tai mèo, những phiên chợ rộn ràng sắc váy thổ cẩm và tiếng khèn Mông vang vọng giữa thung lũng… đã tạo nên bức tranh du lịch Hà Giang vừa hùng vĩ, vừa thơ mộng.
Hàng trăm năm qua, đồng bào Mông, Dao, Tày, Lô Lô… đã bám đá mà sống, chắt chiu từng bắp ngô, hạt lúa trên những mảnh ruộng bậc thang cheo leo. Nhưng đất khô cằn, đá nhiều hơn đất, cái nghèo cứ đeo bám mãi cho đến khi một “luồng gió mới” mang tên du lịch thổi đến.
Chỉ trong vòng một thập kỷ, từ chỗ chỉ có vài ngàn du khách “lạc bước” đến cao nguyên đá, Hà Giang đã trở thành điểm đến mơ ước của hàng triệu người. Năm 2024, Hà Giang đón 3,286 triệu lượt du khách, tăng 8,8% so với năm 2023, tổng doanh thu về du lịch đạt hơn 8.100 tỷ đồng. So với năm 2014 (với 650.000 lượt du khách, doanh thu từ khách du lịch đạt 1.150 tỷ đồng), ngành kinh tế xanh Hà Giang đã tăng gấp 5 lần về lượng khách, tăng gấp 7 lần về doanh thu.
Không còn là vùng đất “ngủ quên” trên đá, Hà Giang giờ đây đã thức giấc. Và hơn cả những con số thống kê, điều kỳ diệu nhất chính là sự đổi thay trong cuộc sống của người dân vùng cao.
Chúng tôi đến thăm nhà anh Giàng Mí Lử (xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn) vào một ngày mùa Xuân, khi những vườn đào nở thắm và hoa lê nở trắng trên cao nguyên đá. Trước đây, anh Lử là một nông dân thuần túy, ngày ngày cặm cụi trên rẫy ngô. Nhưng giờ đây, căn nhà trình tường của anh là một trong những homestay hút khách bậc nhất Lũng Cú, với sân hiên rộng, lò sưởi ấm cúng và những bữa ăn đậm đà hương vị đặc trưng của đồng bào nơi đây.
“Ngày trước, cả nhà trông vào vài ba sào ngô, cả vụ thu được hơn 10 triệu đồng là nhiều lắm. Giờ làm homestay, mỗi tháng tôi đón khoảng 400 - 500 khách, thu nhập gấp 5 - 7 lần trước đây. Tôi không nghĩ có ngày mình có thể lo cho con cái học hành đầy đủ như thế này”, anh Lử hào hứng kể.
Không riêng gia đình anh Lử, trên những cung đường từ Đồng Văn, Mèo Vạc đến Hoàng Su Phì, hàng trăm ngôi nhà trình tường cổ, những căn nhà gỗ nhỏ xinh đã trở thành homestay ấm cúng, níu chân du khách. Hà Giang hiện có hơn 300 homestay, trong đó 70% do chính người dân tộc thiểu số vận hành.
Với những ai từng lưu trú tại một homestay ở Hà Giang, trải nghiệm không chỉ là chỗ ngủ, mà còn là hành trình sống cùng người bản địa. Du khách cùng ăn thắng cố, uống rượu ngô, nghe những câu chuyện về tổ tiên người Mông dựng bản, học cách dệt lanh, nhuộm vải theo lối cổ truyền…
“Người Hà Giang không chỉ hiếu khách, mà còn rất tự hào về quê hương mình. Ở đây, tôi không thấy du lịch công nghiệp, mà là những con người thực sự muốn chia sẻ văn hóa với du khách”, anh Rhea, du khách đến từ Anh, chia sẻ.
Những “đại sứ du lịch” đặc biệt
Những phiên chợ vùng cao cũng là minh chứng cho sự đổi thay của đồng bào. Riêng huyện Đồng Văn hiện có 9 chợ, trong đó có 6 chợ biên giới và 3 chợ nội địa, thu hút hơn 2.200 hộ tiểu thương buôn bán. Những sạp hàng bày bán thịt lợn gác bếp, rượu ngô, mật ong bạc hà và những tấm thổ cẩm rực rỡ sắc màu, những món trang sức bạc tinh xảo, từng đường nét khắc chạm mang linh hồn núi rừng.
Bà Hoàng Thị May (xã Phố Cáo, Đồng Văn) là một trong những tiểu thương đã đổi đời nhờ du lịch. Trước đây, bà chỉ dệt vải lanh để làm quần áo cho gia đình, nhưng từ khi có khách du lịch, sản phẩm của bà đã xuất khẩu sang cả Nhật Bản và châu Âu. “Khách du lịch thích những tấm khăn choàng, váy áo dệt tay của mình lắm. Mỗi tháng, tôi bán được 50 - 100 sản phẩm, thu nhập giờ ổn định hơn làm nương rất nhiều”, bà May tự hào nói.
Những phiên chợ không chỉ giúp đồng bào có thêm thu nhập, mà còn là nơi văn hóa được bảo tồn. Tiếng khèn Mông, tiếng đàn môi, những điệu múa xòe của người Tày, những nụ cười rạng rỡ bên bát thắng cố nóng hổi…, tất cả hòa quyện thành một bức tranh đầy sắc màu.
Bên cạnh homestay và chợ phiên, một nghề mới đang “lên ngôi” ở Hà Giang là lái xe mô-tô đưa khách du lịch khám phá. Anh Vàng Mí Páo (thị trấn Đồng Văn) từng là một nông dân chân chất, nay đã trở thành một hướng dẫn viên kiêm tài xế chuyên nghiệp. Mỗi ngày, anh chạy xe đưa khách qua những cung đường đèo ngoạn mục, từ Mã Pì Lèng đến Phố Cáo, từ Lũng Cú đến Yên Minh.
“Trước, tôi chưa từng nghĩ sẽ có ngày mình có thể trò chuyện với người nước ngoài, giới thiệu cho họ về quê hương mình. Giờ thì ngày nào cũng vậy, tôi nói chuyện với khách, chở họ đi, chỉ cho họ những góc nhìn đẹp nhất của Hà Giang. Công việc này giúp tôi kiếm được 8 - 10 triệu đồng/tháng”, anh Páo chia sẻ. Theo thống kê, hiện nay tại Hà Giang có hơn 100 điểm cho thuê xe máy, hàng ngàn lao động địa phương làm nghề lái xe mô-tô đưa khách đi khám phá.
Từ những nương ngô khô cằn, những con người chỉ quen với núi rừng, đồng bào các dân tộc Hà Giang đã mạnh dạn đón nhận sự thay đổi. Du lịch không chỉ giúp họ có thu nhập, mà còn giúp họ giữ gìn bản sắc văn hóa, trở thành những đại sứ đưa hình ảnh quê hương vươn xa. Nụ cười rạng rỡ của những con người vươn lên từ núi đá, viết nên câu chuyện đầy kiêu hãnh về chính mình đã tạo nên bản sắc và sức hấp dẫn khó cưỡng của du lịch Hà Giang.