Người Raglay ăn mừng đầu lúa mới tạ ơn thần linh

Không chỉ là nghi lễ tín ngưỡng đánh dấu kết thúc một chu kỳ sản xuất nông nghiệp, Lễ ăn mừng đầu lúa mới của người Raglay còn thể hiện lòng thành kính với thần linh và tổ tiên, gắn kết cộng đồng. Nghi lễ này cũng là dịp để người Raglay thực hành và trao truyền những giá trị nghệ thuật văn hóa truyền thống quý báu như hát sử thi, dân ca, dân vũ, sử dụng nhạc cụ truyền thống để mạch nguồn văn hóa sống mãi với thời gian.

Thầy cúng Tạ Yên Lơ (áo trắng) thực hiện các nghi lễ trong Lễ ăn mừng đầu lúa mới. Ảnh: Lê Phú

Thầy cúng Tạ Yên Lơ (áo trắng) thực hiện các nghi lễ trong Lễ ăn mừng đầu lúa mới. Ảnh: Lê Phú

Raglay là một trong số 53 dân tộc thiểu số của Việt Nam, sinh sống chủ yếu ở các tỉnh Nam Trung Bộ. Trong đó, người Raglay tập trung đông nhất ở các huyện Bắc Ái, Ninh Thuận, Sơn Thuận và một phần tại huyện Thuận Nam của tỉnh Ninh Thuận. Tuy số dân không lớn, chỉ khoảng 150 ngàn người, nhưng người Raglay vẫn gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống đặc trưng của dân tộc mình, đặc biệt là kho tàng di sản văn hóa phi vật thể phong phú, giàu bản sắc.

Ông Hải Văn Thành, cán bộ Sở Văn hóa, Thông tin và Du lịch tỉnh Ninh Thuận cho biết, với bề dày lịch sử và văn hóa, dân tộc Raglay sở hữu một kho tàng tri thức dân gian đồ sộ, từ sử thi, truyện cổ, dân ca đến luật tục. Không chỉ vậy, đồng bào còn lưu giữ những nghi lễ dân gian đặc sắc như Lễ ăn mừng đầu lúa mới và Lễ bỏ mả đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, khẳng định giá trị văn hóa sâu sắc và vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của cộng đồng Raglay.

Lễ ăn mừng đầu lúa mới thường được người Raglay tổ chức theo dòng tộc. Nghi lễ này được các dòng tộc trong cộng đồng người Raglay tổ chức theo chu kỳ 5, 7 hoặc 10 năm, tùy vào điều kiện kinh tế của từng gia đình trong tộc họ và kéo dài trong 3 ngày. Vì vậy, đồng bào Raglay rất háo hức mong chờ ngày lễ này. Trong cuộc đời mình, nghệ nhân, thầy cúng Tạ Yên Lơ (xã Phước Hà, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận) đã nhiều lần thực hiện các nghi thức cúng trong Lễ ăn mừng đầu lúa mới. Với ông, nghi lễ linh thiêng này không chỉ thể hiện nét đẹp văn hóa của dân tộc Raglay đã được bà con gìn giữ trong nhiều năm nay, mà còn mang ý nghĩa giáo dục con người về lòng biết ơn thần linh, tinh thần gắn kết cộng đồng. Bởi lẽ, Lễ ăn mừng đầu lúa mới là dịp bà con trong làng gặp gỡ, thăm hỏi nhau, những người thân trong dòng tộc dù đang làm ăn nơi đâu cũng tụ họp về quê chia sẻ niềm vui, động viên nhau làm ăn.

Người dân múa hát quanh cây nêu sau mỗi nghi thức cúng lễ. Ảnh: Lê Phú

Người dân múa hát quanh cây nêu sau mỗi nghi thức cúng lễ. Ảnh: Lê Phú

Thời điểm tổ chức Lễ ăn mừng đầu lúa mới rơi vào tháng 3-4 âm lịch, sau khi kết thúc một vụ mùa. Trước khi tổ chức lễ, những người có uy tín trong dòng họ sẽ khảo sát điều kiện kinh tế của từng gia đình và báo cáo trưởng tộc về khả năng tổ chức. Khi trưởng tộc và các hộ gia đình thống nhất về mặt chủ trương tổ chức lễ, các thành viên trong dòng họ sẽ họp và phân công công việc cụ thể cho từng người làm công tác chuẩn bị và điều hành buổi lễ.

Lễ ăn mừng đầu lúa mới bao gồm nhiều nghi lễ lớn, nhỏ khác nhau và được tiến hành theo trình tự nhất định. Vào ngày đầu tiên, bà con sẽ dựng cây nêu, trình báo tổ tiên việc tổ chức lễ. Sang ngày thứ hai, người trong tộc họ tiến hành tra nước vào ché rượu cần, đeo chuỗi hạt cườm. Ngày thứ ba sẽ tiến hành nghi lễ cầu hồn lúa, hồn bắp, tiễn đưa tổ tiên và lễ tạ ơn thầy cúng Kei Đu. Việc chuẩn bị cho Lễ ăn mừng đầu lúa mới vì thế cần nhiều thời gian.

Theo truyền thống của người Raglay, nam giới sẽ đảm nhận việc lên núi săn bắt, dọn dẹp nhà sàn của tộc – nơi diễn ra lễ, chuẩn bị đón tiếp khách. Một nhóm khác vào rừng chặt tre, gỗ, lồ ô để dựng nhà sàn tạm làm nơi lưu trữ thực phẩm như rau, bí, lúa, rượu dùng trong suốt thời gian tổ chức lễ. Còn phụ nữ sẽ lên rẫy, vào rừng hái rau, củ, quả để chế biến món ăn, chuẩn bị rượu cần. Lễ vật để dâng lên thần linh, tổ tiên trong Lễ ăn mừng đầu lúa mới được chuẩn bị rất cẩn thận, chủ yếu là sản vật do người dân làm ra như gà, heo, cá rừng, chuối, trứng, lúa, ngô, trầu cau... Số lượng tùy thuộc vào điều kiện kinh tế của các gia đình.

Theo ông Hải Văn Thành, khi tổ chức Lễ ăn mừng đầu lúa mới, người Raglay cũng có những điều kiêng kỵ và luật tục như lễ vật bắt buộc phải có là cá rừng và cua đá. Cùng với đó, thanh niên khi vào rừng chọn cây nêu phải chọn cây gỗ thẳng, chắc, không sâu mọt. Khi chặt, họ chỉ đẽo một nửa để giữ sự tôn kính với thần linh, phần còn lại sẽ được hoàn thiện tại nhà. Trong số các vật dụng chuẩn bị cho Lễ ăn mừng đầu lúa mới của người Raglay, cây nêu được trang trí khá công phu. Người ta chọn cây nêu cao khoảng 3,5m, trang trí nhiều hoa văn truyền thống với các gam màu đặc trưng của dân tộc Raglay là đen, đỏ, vàng, trắng. Gần đỉnh có hai đoạn tre ngang tượng trưng cho đôi cánh, kèm dây trang trí, diều, chim ó được làm bằng tre.

Trong buổi lễ, thầy cúng sẽ khấn tạ ơn thần linh, tổ tiên với nội dung: “Kính trình tổ tiên, cha mẹ, các vị thần linh phù hộ cho con cháu mạnh khỏe, gia đình sum vầy, mùa màng tươi tốt, chăn nuôi phát đạt. Xin mời các thần Naihatang, Lapah, Kadrơh, Girai Bhaok, cùng thần núi, thần sông, thần bảo hộ chứng giám lòng thành, ban cho mưa thuận, gió hòa, đi đường bình an, làm ăn thuận lợi. Chúng con thành tâm dâng lễ, mong được che chở, tránh tai ương, bệnh tật, để đời đời ấm no, vạn vật sinh sôi, lúa đầy bồ, heo gà đầy chuồng, con cái đông vui, cuộc sống yên bình, vững chắc như núi rừng, sung túc như suối nguồn”.

Nếu như phần lễ được tiến hành trong không khí trang nghiêm, linh thiêng thì phần hội trong Lễ ăn mừng đầu lúa mới mang lại không khí rộn ràng, tưng bừng. Trong quan niệm của người Raglay, hội là phần nhảy múa, ca hát để mừng kết quả của nghi lễ. Người Raglay thường sử dụng các nhạc cụ truyền thống như kèn bầu, trống lớn, mã la, đặc biệt là đàn Chapi. Trong ba ngày lễ, khi mặt trời khuất bóng, các chàng trai, cô gái Raglay vừa đánh trống, đánh chiêng, chơi đàn, vừa nhảy múa vòng quanh nhà sàn. Bà con từ các làng lân cận tụ họp về nhà sàn - nơi tổ chức Lễ ăn mừng đầu lúa mới để chung vui, vì thế, Lễ ăn mừng đầu lúa mới không chỉ là ngày hội của một dòng tộc, mà còn là dịp sinh hoạt văn hóa chung của cả cộng đồng Raglay.

Có thể nói, Lễ ăn mừng lúa mới của người Raglay hàm chứa và thể hiện rất nhiều loại hình văn hóa nghệ thuật truyền thống của dân tộc này như nghệ thuật hát sử thi, dân ca, dân vũ, hòa tấu các nhạc cụ truyền thống. Trong không khí của lễ hội, ngoài phần trình diễn nghệ thuật truyền thống, các bậc cao niên cũng dành thời gian hướng dẫn con cháu kỹ thuật cầm cồng, đánh chiêng nhằm tiếp nối mạch nguồn văn hóa cho đời sau.

Bích Nguyên

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nguoi-raglay-an-mung-dau-lua-moi-ta-on-than-linh-post486993.html