Đời sống 'Mình sẽ không về ...'
Thương nói. Những giọt nước mắt lăn dài trên gò má. Mái tóc cắt cúp, và ngay cả khi phần tóc ở trán che được những nếp nhăn, trông chị vẫn mỏi mệt, già nua. Có lẽ vì đôi mắt u uất buồn.
Tôi chỉ ghé vào quán làm tóc để tút tát lại móng tay. Có vài sự cố nho nhỏ khi dọn dẹp lại chút gạch vụn và đám tre khô. Vài câu chuyện bâng quơ đã cho tôi hay, chị là người ngồi nhờ một lúc trước khi lên xe, trở lại nơi chị sinh sống gần 11 năm qua. Cha mẹ không còn. Nhà thì chị gái đang ở. Người anh đầu không nghề nghiệp, lại đang nuôi cả đàn con đang tuổi ăn tuổi lớn. Anh thứ hai đã mất. Chị kể, lần trước nghe lời chị gái, về ký cam kết không kiện tụng tranh chấp ngôi nhà của ba mạ, để anh chị sửa sang. Lần này về thì nhà cũ đã thuộc sở hữu của người khác. Chị bảo, mình đứng trước cửa nhà đã của người ta mà khóc ròng. Chị gái thì như người xa lạ. Mấy hôm rày mình tá túc bên nhà người quen cũ. Tối nay sẽ bắt xe lên Tây Nguyên. Chút nữa mình nhắn bạn mượn thêm 200 ngàn đồng để thêm tiền xe chứ không đủ…
“Trông chị buồn quá” - Tôi là người bắt đầu bằng điều đó. Nước mắt không biết sẵn đâu mà trào luôn trên má người đàn bà – sau này tôi biết cùng năm sinh với mình. “Chị buồn lắm. Buồn cả mấy chục năm ni rồi…”. Tôi hình dung cô bé Thương ngày xưa, 9 tuổi đã lên ga để bán kẹo, bán nước phụ cha mẹ. Nhiều hôm chị lụt tụt vào chùa xin cơm. Chắc là Thương không biết mình có thời thiếu nữ khi suốt ngày cặm cụi việc này việc kia. Lấy chồng được mấy năm, con được vài tuổi thì ly dị. Nhưng chuyến rời quê là khi đứa con chị hết lòng nuôi nấng dính vào đám bạn hư. Khuyên can không được, chị mang con đi nơi khác, kiếm chỗ làm lụng và tránh cho con khỏi đám bạn hư. “Hồi mới lên trên nớ, chị đi ở đợ cho người ta. Tủi nhục lắm. Sau rồi mẹ con thuê một căn nhà để ở. Chị chuyển sang bán các loại bánh. Tích cóp dành dụm bao nhiêu năm mua được một miếng đất nhỏ làm nhà. Thấy người ta rủ rê, chị vừa bán bánh, vừa ghi đề và cả đánh số. Thời gian đầu được lắm, nên ham. Giờ thì mình trở thành con nợ rồi. Đã cầm ngôi nhà lấy 200 triệu để trả nợ người ta. Giờ cũng muốn bán nhà trả nợ nhưng con trai năn nỉ đừng bán…Mai lại lên trển, bán bánh gầy dựng lại thôi nhưng không biết khi mô mới xong nợ nữa…”
"200 triệu thì dần dần sẽ trả xong mà chị - tôi nói – chỉ cần đừng dính vào lô đề nữa". Nước mắt Thương lại trào ra “tui biết mình dại rồi, mà không biết làm răng để thoát. Nợ xã hội đen, mỗi ngày trả 2,5 triệu. Làm chi cho ra. Chắc chết quá!”.
Chỉ biết khuyên Thương bằng mọi giá để dứt nợ với những người cho vay nặng lãi, chứ không thì tiền không trả nổi mà nhà cũng mất, rồi tôi dúi vào tay Thương chút tiền, coi như hỗ trợ tiền ăn uống dọc đường dù chị hơi ngỡ ngàng và lắc đầu quầy quậy trước một người mới gặp.
Khi rời đi, tôi lờ mờ đoán được vì sao chị gái của Thương không muốn gặp em gái. Và cho dù Thương có là người thế nào đi chăng nữa, tôi vẫn xót xa trước gương mặt u buồn trĩu nặng của người cùng tuổi. Xót xa khi chị kể về chuyện thèm bánh canh, thèm cơm hến bún hến như thế nào với cô thợ làm tóc.
Có những điều vốn đơn giản, dễ dàng đã trở thành ngoài tầm với cũng với một người ấy, sau một cú trượt dài...
Nguồn Thừa Thiên Huế: http://baothuathienhue.vn/minh-se-khong-ve--a80044.html