Đời sống mới của tác phẩm văn học

Lịch sử văn chương và điện ảnh đã ghi dấu một số tác phẩm văn học nổi tiếng nhờ điện ảnh và một số tác phẩm văn học kinh điển được chuyển thể điện ảnh nhiều lần. Những tác phẩm chuyển thể với các góc tiếp cận khác nhau đã mang đến một cuộc đời mới và cả thành công mới cho tác phẩm văn học ban đầu.

Bộ phim chuyển thể tác phẩm văn học Mắt biếc của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh khi ra rạp đã gặt hái được nhiều thành công.

Để có thêm nguồn nguyên liệu chế tạo phim, ngành công nghiệp điện ảnh không thể bỏ qua “kho báu” văn học với nhiều tác phẩm có đề tài độc đáo, hấp dẫn độc giả và ngôn ngữ giàu tính gợi hình gợi cảm. Thực tế, có nhiều bộ phim đình đám xuất phát từ tác phẩm văn chương, như Cuốn theo chiều gió, Đồi gió hú, Những người khốn khổ, Oliver Twist, Không gia đình...

Thông tin tại cuộc tọa đàm “Đi tìm các tác phẩm kinh điển được chuyển thể điện ảnh nhiều lần trong văn học Pháp” được tổ chức mới đây cho thấy, ở Pháp, “cứ 5 phim lại có 1 phim chuyển thể từ sách”. Đặc biệt, có những tác phẩm kinh điển được chuyển thể nhiều lần, như Hoàng hậu Margot, Thằng cười, Trà hoa nữ... Văn học Nga với cuốn tiểu thuyết Anna Karenina của đại văn hào Lev Tolstoy thu hút rất nhiều đạo diễn. Câu chuyện tình của nàng Anna Karenina đã được chuyển thể tới hơn 30 lần, được dựng phim ở Nga, Đức, Anh, Pháp, Mỹ, Argentina, Ai Cập, Ấn Độ...

Tại Việt Nam cũng có nhiều bộ phim chuyển thể thu được thành công. Những bộ phim đen trắng được làm từ những năm 1970, 1980 vẫn đọng lại mãi trong lòng khán giả, như phim Chị Dậu dựa trên tiểu thuyết Tắt đèn của Ngô Tất Tố, phim Mẹ vắng nhà từ truyện ngắn Người mẹ cầm súng của Nguyễn Thi, phim Vợ chồng A Phủ được chính Tô Hoài chuyển thể kịch bản...

Sang thời kỳ phim màu, hàng loạt bộ phim chuyển thể nổi tiếng đã góp phần nâng vị thế của tác phẩm văn học, khiến tác phẩm được công chúng biết đến nhiều hơn. Đó là phim Bến không chồng được chuyển thể từ tiểu thuyết của Dương Hướng, phim Thời xa vắng từ tiểu thuyết của Lê Lựu, phim Mê Thảo - thời vang bóng phỏng theo truyện Chùa Đàn của Nguyễn Tuân, phim Đời cát từ truyện Ba người trên sân ga của Hữu Phương, phim Hương Ga từ tác phẩm Phiên bản của Nguyễn Đình Tú, phim Đừng đốt từ cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm, phim Người trở về từ truyện ngắn Người về bến sông Châu của Sương Nguyệt Minh...

Trong đó, nhiều bộ phim đã gặt hái giải thưởng Cánh diều, Bông sen như Chuyện của Pao chuyển thể từ truyện ngắn Tiếng đàn môi sau bờ rào đá của Đỗ Bích Thúy, Cánh đồng bất tận từ tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư, Thiên mệnh anh hùng được xây dựng từ tập Bức huyết thư viết về Nguyễn Trãi của nhà văn Bùi Anh Tấn...

Gần đây, các nhà làm phim Việt tiếp tục đưa nhiều tác phẩm văn học ăn khách đến với khán giả. Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Cô gái đến từ hôm qua, Mắt biếc của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh khi ra rạp đều đạt doanh thu “khổng lồ”. Sự thành công ấy đã và sẽ góp phần khích lệ các nhà làm phim tiếp tục “điện ảnh hóa” tác phẩm văn học, dù đây là việc có không ít thách thức khi dẫn tới tâm lý so sánh về chất lượng giữa tác phẩm điện ảnh và tác phẩm văn học của một bộ phận khán giả. Nhiều người đã quá say mê tác phẩm văn học, đến mức không thể thoát khỏi “cái bóng” của tiểu thuyết, truyện ngắn để rồi thất vọng với tác phẩm chuyển thể.

Thực tế, có nhiều cách để chuyển thể điện ảnh từ tác phẩm văn học, giữ nguyên theo cốt truyện gốc, chuyển thể tự do theo lối cải biên, phóng tác. Có bộ phim là sự kết hợp của nhiều tác phẩm văn học, như phim Làng Vũ Đại ngày ấy chuyển thể từ các truyện ngắn Sống mòn, Chí Phèo và Lão Hạc của Nam Cao; phim Mùa len trâu dựa trên hai truyện ngắn Một cuộc đời bể dâu và Mùa len trâu của Sơn Nam... Dù là cách nào thì mỗi bộ phim cũng là một lát cắt mới, có thể thành công rực rỡ với những giải thưởng danh giá hoặc ngược lại, phải nhận không ít “lời phê” từ các nhà nghiên cứu phê bình, những bình luận “ném đá” từ độc giả yêu văn học.

Song, cũng có trường hợp “trống đánh xuôi kèn thổi ngược”, như phim Hoàng hậu Margot của đạo diễn Patrice Chéreau chẳng hạn. Dù bị giới phê bình “chê” là “cường điệu và kịch” thì hơn 2 triệu khán giả vẫn bị “hút” đến các phòng chiếu tại Pháp năm 1994, và Hoàng hậu Margot trở thành bộ phim thành công nhất của đạo diễn Chéreau với một số giải thưởng được nhận tại Liên hoan phim Cannes, Liên hoan phim César.

Theo cô giáo ngữ văn Nguyễn Thanh Nguyệt, diễn giả tại tọa đàm “Đi tìm các tác phẩm kinh điển được chuyển thể điện ảnh nhiều lần trong văn học Pháp”: “Phim không cần lúc nào cũng gánh trên vai trọng trách giống y như bản gốc. Bởi mỗi bộ phim chuyển thể ra đời là một lần tác phẩm văn học được tái sinh, được sống một đời sống mới, giúp độc giả thêm một lần nữa phát hiện những cảm xúc, những tình tiết, những yếu tố khác mà ở những lần đọc truyện trước đó chưa có được”.

Lăng kính của văn học và lăng kính của điện ảnh có giá trị nghệ thuật riêng, do đó hãy cởi mở trong góc nhìn để đón nhận một tác phẩm điện ảnh mới, độc lập thay vì yêu cầu giống như nguyên tác văn học. Suy cho cùng, dù được chuyển thể từ tác phẩm văn học thì một bộ phim được đánh giá là hay, là thành công không phải vì bộ phim ấy có hay không trung thành với nguyên tác văn học.

Hạ Yến

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/giai-tri/985787/doi-song-moi-cua-tac-pham-van-hoc