Đời sống Nghĩa xóm
Trong khoảng hơn 5 năm sống tại nhà chồng ở Huế, tôi nhiều lần xúc động trước những mỹ tục thấm đẫm tình làng nghĩa xóm nơi đây. Ở làng, rất nhiều gia đình chung gốc gác, huyết thống từ một dòng tộc nên người ta mới dùng chữ Tình. Còn những khu dân cư ở phố thường quy tụ bà con từ tứ chiếng, muôn phương, nên người ta mới dùng chữ Nghĩa.
Chữ Tình thì nặng, chữ Nghĩa lại rộng vô cùng. Trong một năm dài cùng nhau kề cận, có thể đâu đó, lúc nào đó trong những con phố vẫn có chuyện nhà này chưa bằng lòng với nhà kia, nhà kia xô lệch bờ rào lấn sang sân nhà nọ, thế nhưng, khi ngồi lại bên nhau trong những dịp quan trọng thì mọi người đều sẽ gạt qua, buông bỏ hết những khúc mắc, phiền muộn thường nhật.
Ra Giêng, nếu như ở làng rộn ràng những cuộc cúng kỵ ở miếu mão, đình chùa thì phố thị lại xôn xao những mâm cúng xóm đặt nơi ngã ba, ngã tư đường. Từ trong tết, ông trưởng xóm đã đi thu tiền góp, ra năm bắt đầu mua sắm những vật dụng cần dùng.
Với việc bố trí từ 2 đến 3 mâm cúng, những thứ như giấy áo, xôi, gà, cau trầu, trà, rượu sẽ được đặt trên mâm thượng. Xuống mâm hạ, nếu xóm nào có điều kiện thì sẽ cúng to với mâm cỗ nào heo quay, tôm cua, giò, thịt. Còn xóm nào đơn giản hơn thì mọi người sẽ co kéo đủ thể hiện lòng thành. Việc cúng xóm thường bắt đầu từ mồng Sáu tết đến hết tháng Giêng. Những năm trước, khi tôi mới về nhà chồng, để có đủ lễ vật, cỗ bàn cúng, tiệc, những chị em phụ nữ trong xóm sẽ cùng nhau tự tay nấu nướng chứ không đặt dịch vụ như bây giờ. Từ số tiền góp được, chị em sẽ lãnh nhận chuyện sắm sửa, bếp núc. Từ chiều hôm trước ngày cúng, mọi người đã mang về đầy đủ giấy áo, rượu, trà. Con gà cúng đẹp nhất cũng đã được dặn dò xong xuôi.
Sáng hôm sau, khi trên ngọn cây sương còn chưa tan, mọi người đã tập trung đông đủ, tất bật chuẩn bị. Trên chiếc sân rộng, người nhóm bếp, người chặt thịt, người kho cá, rửa rau. Những bà, những thím lớn tuổi sẽ ngồi mâm trên, phụ trách việc bổ cau, têm trầu, chỉ vẽ thêm mấy chuyện lặt vặt. Còn khu vực gần ang nước và bếp lửa, những người trẻ cắm cúi nấu nướng, vào ra. Họ là con, là dâu, từ những miền quê, gốc gác khác nhau nhưng chung duyên lành nên về quần cư nơi xóm nhỏ. Vừa nấu nướng, mỗi người vừa góp thêm một vài câu chuyện về tập tục quê hương, bản quán, về nỗi nhớ nhà, chuyện nuôi dạy con cái, giữ lửa hôn nhân,…
Huế còn là mảnh đất thiêng với nhiều mối cố kết, mỹ tục khác nữa. Đó là một hôm, vào lúc 3h sáng khi tôi đang ngủ say sưa thì giật mình vì tiếng chèng chèng chèng réo ầm ĩ. Ngay lập tức, chồng tôi bật dậy, bận đồ đạc chỉnh tề. Hỏi ra mới biết, anh lui nhà sau hỗ trợ việc khiêng đám. Để đưa người chết từ nhà ra xe vàng di chuyển đến nghĩa địa chôn cất, khuya ngày di quan, ban tổ chức tang lễ sẽ cử ra một người cầm chiếc thanh la đi khua từ đầu xóm đến cuối xóm. Tốp thanh niên, trai tráng miễn còn trẻ, có sức vóc thì chỉ cần nghe tiếng thanh la sẽ tự động có mặt trước cổng nhà đám đợi lệnh.
Tôi hỏi ba chồng, liệu có gia đình nào không bao giờ có con cái tham gia khiêng đám không? "Họ mà không giúp người thì khi chính gia đình mình gặp nạn cũng sẽ không nhận lại được bất kỳ sự hỗ trợ nào ba nhỉ", tôi nói thêm. Thế nhưng ba tôi đáp : "Không con ạ, nếu ai đó vì ham giấc ngủ mà lười biếng, hời hợt, thì những người còn lại trong xóm phải biết cách chỉ dạy, bày vẽ thêm. Nếu bày không được, thì mỗi khi nhà kia gặp việc, mọi người cũng sẽ bỏ qua hết sự thiếu sót trong quá khứ, lại tập trung đông đủ, xem việc người như chính việc của mình. Chúng ta sống được bên nhau đâu phải chỉ vì có vay thì ắt phải có trả, ta sống bên nhau vì chữ thương, chữ nghĩa mới thật sự lâu dài.
Tháng Giêng đến rồi qua đi, trong những buổi lễ cúng xóm đầu năm, bên cạnh hương thơm, sắc màu chùng chình của khói nhang, mâm cỗ, bên cạnh tiếng gõ nhịp kinh cầu nguyện mong những điều bình an thư thái, còn có cả sự an hòa, rộng mở của những tấm lòng. Những tấm lòng luôn sẵn sàng để bảo bọc, dung chứa lẫn nhau.
Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/nghia-xom-a125160.html