Đời sống tinh thần phong phú của quân, dân Huyện đảo Trường Sa
Nơi đầu sóng ngọn gió, mỗi cán bộ, chiến sỹ và Nhân dân trên huyện đảo Trường Sa xây dựng cho mình một đời sống văn hóa tinh thần phong phú, góp sức giữ bình yên cho Tổ quốc.
Đến với huyện đảo Trường Sa thân yêu của Tổ quốc trong những ngày cận tết Nguyên đán, chúng tôi không khỏi xúc động, tự hào khi từng tấc đất, rặng cây, hạt cát đều được các cán bộ, chiến sỹ và bà con nhân dân bảo vệ, giữ gìn.
Không chỉ chính quy, kỷ luật, luôn vững chắc tay súng để bảo vệ biển trời quê hương, cán bộ, chiến sỹ và Nhân dân trên các đảo ở Trường Sa còn xây dựng cho mình một đời sống văn hóa tinh thần phong phú. Với sự nỗ lực của mỗi cán bộ, chiến sỹ, sự quan tâm của Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân và đồng bào cả nước, một hệ thống thiết chế thể dục, thể thao được xây dựng đồng bộ tại thị trấn và xã đảo của Trường Sa.
Từ hệ thống sân bóng đá, bóng chuyền phục vụ nhu cầu giao lưu, thư giãn và rèn luyện sức khỏe cho quân và dân trên đảo, mỗi chiều tối, trong tiết trời mát mẻ sẽ có rất đông đảo cán bộ, chiến sỹ hết ca trực tham gia rèn luyện, thi đấu thể dục - thể thao.
Thượng úy Hoàng Văn Tuấn (quê Nghi Xuân, Hà Tĩnh) chia sẻ: “Hoạt động thể dục thể thao được chúng tôi duy trì đều đặn sau mỗi giờ hết ca. Đây là cách để cán bộ, chiến sỹ vừa rèn luyện sức khỏe để thực hiện tốt nhiệm vụ, vừa vui chơi, giải trí tạo tâm lý vui tươi, phấn khởi khi xa đất liền ra đảo công tác”.
Nhà văn hóa cộng đồng trở thành nơi giao lưu, gặp gỡ và gắn kết tình quân dân trên đảo vào mỗi dịp cuối tháng, các ngày lễ trọng đại… Đặc biệt, vào các dịp như Tết đến, xuân về hay các ngày lễ như: Ngày Gia đình Việt Nam, Đại đoàn kết, Quốc khánh 2/9, Giải phóng miền Nam 30/4… quân và dân trên đảo đều tổ chức các hoạt động giao lưu thể thao, văn hóa văn nghệ để thắt chặt tình đoàn kết.
Từ kéo co, nhảy bao bố cho đến ném vòng, đẩy gậy… đều được đông đảo cán bộ, chiến sỹ và người dân tham gia sôi nổi, tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho những người đang ngày đêm bám biển đảo, giữ vững chủ quyền thiêng liêng của tổ quốc.
Được biết, hiện nay, 100% hộ dân và các đầu mối đơn vị bộ đội ở các đảo của Trường Sa đều được trang bị tivi có thiết bị thu tín hiệu vệ tinh; trên đảo có phòng đọc sách báo với gần 5.000 đầu sách và 1 tủ sách pháp luật.
Về đời sống văn hóa tâm linh, đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ, nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh được xây dựng trang nghiêm, là địa chỉ đỏ để cán bộ, chiến sỹ và Nhân dân trên đảo cũng như đồng bào cả nước ra thăm đảo tri ân, tưởng niệm các thế hệ cha anh đi trước.
Chùa Trường Sa tọa lạc trên thị trấn Trường Sa và chùa Đá Tây tọa lạc trên đảo Đá Tây cũng là nơi để người dân sinh hoạt tâm linh, tín ngưỡng, gửi gắm niềm tin, ước vọng trong cuộc sống. Những ngày rằm, ngày Tết, người dân đi lễ chùa, cầu may mắn, bình an và tiếng chuông chùa ngân vang vào mỗi sáng sớm càng khiến cho cuộc sống trên đảo thêm phần an bình, êm ả. Vào ngày rằm, ngày mùng 1, các nhà chùa đều nấu bữa chay cho toàn thể bà con nhân dân trên các đảo. Vào các dịp rằm tháng Giêng, đại lễ Phật đản, lễ Vu lan, nhà chùa đều thả hoa đăng và cầu lễ.
Đại đức Thích Nhuận Hiếu – trụ trì chùa Đá Tây cho biết: “Ngoài việc tuyên truyền phật pháp, chùa còn có nhiệm vụ quan trọng là để cầu nguyện cho quân và dân trên đảo luôn được bình an, khỏe mạnh để hoàn thành nhiệm vụ Đảng và Nhà nước giao phó, giữ vững chủ quyền biển đảo của quê hương".
Dù cơ sở vật chất không thể đồng bộ như đất liền, song các thiết chế thể thao, văn hóa trên đảo có ý nghĩa hết sức quan trọng. Bởi mỗi cán bộ, chiến sỹ khi tình nguyện công tác trên đảo đều hy sinh niềm riêng cho việc bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc nên việc xây dựng đời sống văn hóa tinh thần phong phú sẽ tạo không khí vui tươi, giao lưu, gặp gỡ giữa chiến sỹ với chiến sỹ, giữa quân với dân, qua đó động viên, khích lệ tinh thần để cán bộ, chiến sỹ yên tâm thực hiện tốt nhiệm vụ.
Thượng tá Nguyễn Tường Tín - Chỉ huy trưởng, Chủ tịch UBND xã đảo Đá Tây.