Đời sống Tình yêu trong 'hạt bụi màu xanh lam'

TTH - Tôi đọc thơ Nguyễn Văn Vũ đã lâu, kể từ tác phẩm đầu 'Soi mặt lúc nửa đêm' (2011), rồi 'Tôi hát thơ tôi' (2012). Gần nhất là 'Ở đây mùa nào lá cũng rơi' (2014). Và, bây giờ là trường ca 'Hạt bụi màu xanh lam' (2021).

Khi nhận xét về tập thơ Ở đây mùa nào lá cũng rơi (được tặng giải thưởng tác phẩm xuất sắc năm 2015 của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế), tôi đã sơ bộ đánh giá tác giả và thi pháp tập thơ này như sau: “Nguyễn Văn Vũ xứng đáng đại diện cho các thế hệ làm thơ ở Huế để nhận giải thưởng. Ở thi tập này, tác giả có sự thể nghiệm sâu sắc về cách chọn thi tứ, thi ảnh và thi ngôn, đặc biệt là ở nghệ thuật tượng trưng, cách kiến tạo đa dạng hình tượng cái tôi trữ tình. Rất mừng là Nguyễn Văn Vũ đã biết lựa chọn nghệ thuật theo tâm thức hiện sinh của mình, không thái quá và cũng không tỏ ra cũ kỹ nên đã tạo được giọng điệu trẻ trung, mới mẻ và có chất suy tưởng đủ để tâm tình, đồng cảm cùng độc giả.

Đến Hạt bụi màu xanh lam (Nxb Thuận Hóa ấn hành đầu năm 2021), tôi vẫn xin giữ nguyên cảm nhận của mình như thế về chất thơ và hồn thơ Nguyễn Văn Vũ. Đọc toàn bộ Hạt bụi màu xanh lam của anh, triết mỹ của trường ca hiện lên cụ thể, chân thật và xúc động, như anh thổ lộ trong Lời ngỏ: “Tôi muốn kể lại những điều thiết thân, gần gũi nhất với cuộc đời mình, trên mảnh đất quê hương Huế - Quảng Trị thân yêu của tôi, từ lúc mới được sinh ra, trải qua hai cuộc kháng chiến của người Việt Nam chống Pháp, chống Mỹ cho đến ngày đất nước hoàn toàn thống nhất. Tôi muốn nói bằng lời lẽ tự nhiên, vô tư nhất để có thể gọi đúng tên người, tên việc, tên sự kiện đã xảy ra trong mỗi thời khắc lịch sử riêng biệt của nó, không dựa theo một hệ quy chiếu nhất định hoặc ý muốn riêng tư nào”.

Tôi cũng muốn nói về hình tượng cái tôi trữ tình trong trường ca Nguyễn Văn Vũ, với câu chuyện đời mình - là cái tôi trữ tình chính của trường ca này, bắt đầu bằng tự thuật ngày mình được sinh ra trong nguy khốn, mẹ phải chạy giặc, một mình vượt cạn. Nhân vật trữ tình còn là mẹ, cha, anh và nhiều nhân vật khác, được tác giả nhập vai để thuật lại thành tuyến tính cốt chuyện. Những quan hệ vui buồn, thăng trầm, ân nghĩa giữa tác giả và các nhân vật này đều được Nguyễn Văn Vũ thuật lại theo trình tự thời gian. Người đọc thấy được lịch sử cá nhân Nguyễn Văn Vũ trong nhiều mối quan hệ riêng và chung, quan hệ bản chất và tương tác, làm thành hành trình sự sống không bình lặng của chính tác giả.

Nỗi niềm riêng tư được tác giả thể hiện rất rõ trong trường ca. Lòng yêu thương mẹ, thương ngoại, thương thầy cô, thương bạn bè thơ trẻ; tự hào về quê hương, Tổ quốc, giống nòi để anh biết những điều lớn lao, trọng đại của cuộc sống và con người rộng dài theo năm tháng. Từ đó, trong anh hình thành bài học về nhân cách và tình người để anh hiểu thế nào là bổn phận và trách nhiệm của một công dân trong tương lai: “Lớn lên thành một công dân/ Làm cho Tổ quốc thêm phần uy nghi” (Bài học đầu tiên).

Thông qua dòng hoài niệm, Nguyễn Văn Vũ đã liên hệ đến nhiều sự kiện và diễn biến lớn lao của xã hội: Hòa bình lập lại năm 1954, thành lập chính phủ Đệ nhất cộng hòa ở miền Nam Việt Nam, hủy bỏ hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất đất nước, phong trào đấu tranh của Phật giáo, Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu, cuộc đảo chính ngày 1/11/1963, Mỹ leo thang chiến tranh và tăng cường đổ bộ quân đội vào miền Nam Việt Nam, tuyên cáo thành lập nền đệ nhị cộng hòa... Kế đến là phong trào lớn mạnh của học sinh, sinh viên đô thị miền Nam chống lại đế quốc Mỹ và chính quyền miền Nam đang ngày càng khủng hoảng trầm trọng... Tất cả những sự kiện trên được Nguyễn Văn Vũ trần thuật bằng thể lục bát rất nhuần nhuyễn, mang tính nghệ thuật, chứ không rơi vào diễn ca dễ dãi.

Trường ca Hạt bụi màu xanh lam kết thúc trong niềm vui toàn thắng của đất nước. Lòng người và thiên nhiên cũng chan hòa, mở hội hoa đăng. Đến đây, Nguyễn Văn Vũ tịnh tâm, tịnh ý, tự nhìn vào thẳm sâu cội lòng mình và anh bất chợt nhận ra ý nghĩa của cuộc sống và con người giản đơn nhưng vô cùng minh triết. Anh muốn mình là “hạt bụi không tên giữa trời” để được sống trong cát bụi, trở về cùng cát bụi, nhưng là cát bụi của sự sinh thành, vĩnh cửu, mang khát vọng tái sinh trường cửu, vĩnh hằng với đất đai và cõi người nhân hậu: “Đời làm bãi biển nương dâu/ Tôi làm hạt bụi nhuộm màu xanh lam”. Đó là một khát vọng đẹp, thấm đẫm triết lý hiện sinh; là một tự nguyện đầy tính nhân bản, nhưng vô cùng bình dị.

Cảm ơn tác giả đã làm sống lại, đồng hiện hiện thực, đánh thức những gì cao đẹp hơn chính nó, giúp người đọc nhận ra những giá trị cao đẹp để biết sống, biết yêu thương, biết vượt qua những giới hạn chật hẹp và nghiệt ngã.

Hồ Thế Hà

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/tinh-yeu-trong-hat-bui-mau-xanh-lam-a106604.html