Vì sao Di tích Bạch Đằng được chuyên gia quốc tế thẩm định?

Di tích Bạch Đằng là địa điểm ghi dấu sự kiện quân và dân nhà Trần đã lập nên một chiến thắng lẫy lừng: Đánh tan quân Nguyên Mông trên sông Bạch Đằng ngày 9/4/1288.

Theo thông tin từ UBND thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh, vào ngày 23/6 vừa qua, Đoàn chuyên gia quốc tế UNESCO/ICOMOS (Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc/ Hội đồng Di tích và Di chỉ Quốc tế) cùng các chuyên gia Việt Nam vừa khảo sát, thẩm định thực địa và xem xét hồ sơ Di tích Bạch Đằng ở địa phương.

Qua đó, Đoàn đã có những góp ý cần thiết hoàn thiện hồ sơ Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc trên địa bàn 3 tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang và Hải Dương trình UNESCO công nhận là Di sản thế giới.

Chứng tích vô giá của chiến thắng Bạch Đằng lừng lẫy sử Việt

Theo Hồ sơ xếp hạng di tích (tư liệu của Cục Di sản văn hóa), khu Di tích lịch sử Bạch Đằng nằm trên địa bàn thị xã Quảng Yên, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Đây là địa điểm ghi dấu sự kiện quân và dân nhà Trần đã lập nên một chiến thắng lẫy lừng: Đánh tan quân Nguyên Mông trên sông Bạch Đằng ngày 9/4/1288.

Trải qua những thăng trầm của lịch sử, dấu tích của trận chiến Bạch Đằng năm 1288 vẫn còn hiện hữu qua những di tích tiêu biểu:

Bãi cọc Yên Giang: Nằm ở cửa sông Chanh, dài khoảng 118 m, rộng 20 m. Đa phần những cọc được tìm thấy ở khu vực này đều được làm từ thân cây lim hoặc táu, còn để nguyên vỏ. Hiện nay, bãi cọc Yên Giang đã được khoanh vùng bảo vệ, xây kè xung quanh, dựng bia giới thiệu di tích.

Di tích Bãi cọc Yên Giang. Ảnh: Báo Quảng Ninh.

Di tích Bãi cọc Yên Giang. Ảnh: Báo Quảng Ninh.

Bãi cọc đồng Vạn Muối: Nằm ở cửa sông Rút. Trong quá trình canh tác, đào ao thả cá, nhân dân đã phát hiện được nhiều cọc gỗ cắm đứng và cắm xiên trong khu vực đồng Vạn Muối. Hiện nay, bãi cọc nằm trong khu vực đầm nuôi thủy sản và ruộng canh tác của phường Nam Hòa.

Bãi cọc đồng Má Ngựa: Nằm ở cửa sông Kênh, cách bãi cọc đồng Vạn Muối khoảng 1km về hướng Nam, thuộc khu Hưng Học, phường Nam Hòa, thị xã Quảng Yên. Bãi cọc có quy mô khoảng 2100 m2, trải dài 70 m theo chiều Đông - Tây và rộng 30m theo chiều Bắc - Nam.

Đền Trần Hưng Đạo: Đây là địa điểm lưu niệm vị anh hùng dân tộc, thiên tài quân sự Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Đền tọa lạc trên một doi đất cổ, có tổng diện tích trên 5000m2. Hiện nay, trong đền còn lưu giữ được 9 đạo sắc phong của các vua triều Nguyễn phong cho Trần Hưng Đạo và một số hiện vật khác.

Miếu Vua Bà: Nằm sát đền Trần Hưng Đạo, thuộc khu vực trung tâm của Khu di tích. Tương truyền, đây là miếu thờ bà bán hàng nước, người đã chỉ dẫn cho Trần Hưng Đạo biết lịch triều con nước, địa thế lòng sông Bạch Đằng và chiến thuật hỏa công để Trần Hưng Đạo xây dựng trận địa cọc đánh giặc Nguyên Mông.

Bến đò rừng: Là nơi Trần Hưng Đạo chọn làm địa điểm phát hỏa làm hiệu lệnh cho quân sĩ mai phục ở hai bên sông Bạch Đằng đồng loạt tấn công giặc Nguyên Mông.

Đình Yên Giang: Là nơi thờ Thành hoàng làng Yên Giang. Vào các dịp lễ lớn của làng, dân làng thường rước tượng Trần Hưng Đạo từ đền Trần Hưng Đạo về đây để tế lễ.

Đền Trung Cốc (Trung Cốc từ): Là nơi thờ Trần Hưng Đạo và Phạm Ngũ Lão, phối thờ Yết Kiêu, Dã Tượng và hai người con gái của Trần Hưng Đạo là Đệ nhất Quyên Thanh công chúa và Đệ nhị Đại Hoàng công chúa.

Đình Trung Bản: Là nơi thờ Trần Hưng Đạo.

Đình Đền Công: Là nơi thờ những người đã hy sinh trong trận chiến trên sông Bạch Đằng năm 1288.

Ngoài một số di sản văn hóa vật thể tiêu biểu kể trên, trong khu vực di tích hiện nay còn lưu giữ được nhiều di sản văn hóa phi vật thể có giá trị. Lễ hội Bạch Đằng được tổ chức bắt đầu từ ngày mồng Sáu và kết thúc vào ngày mồng 9 tháng 3 âm lịch hằng năm. Ngoài những nghi lễ thông thường, trong hội còn có các trò diễn, trò chơi dân gian, như hát đúm, chơi cờ người, tổ tôm điếm, đánh đu, đấu vật, chọi gà, đua thuyền... thu hút được sự quan tâm đặc biệt của người dân trong vùng và du khách thập phương.

Vào ngày 27/9/2012, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng Khu di tích lịch sử Chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 là Di tích Quốc gia đặc biệt (Quyết định số 1419/QĐ-TTg).

Thẩm định để nâng tầm di tích thành Di sản thế giới

Trong ngày 23/6, Đoàn chuyên gia quốc tế UNESCO/ICOMOS đã khảo sát, thẩm định thực địa tại các địa điểm: Bảo tàng Bạch Đằng, Bãi cọc Yên Giang, Bãi cọc Đồng Vạn Muối và Bãi cọc Đồng Má Ngựa. Đoàn đã nghe đại diện UBND thị xã Quảng Yên, các sở, ngành của tỉnh báo cáo về việc triển khai các nội dung công việc xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận các Bãi cọc Bạch Đằng trong Quần thể Di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc ở ba tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương đề cử là Di sản Thế giới.

Đoàn chuyên gia Quốc tế UNESCO/ICOMOS khảo sát, thẩm định tại Bãi cọc Yên Giang. Ảnh: Trung tâm TT&VH TX Quảng Yên.

Đoàn chuyên gia Quốc tế UNESCO/ICOMOS khảo sát, thẩm định tại Bãi cọc Yên Giang. Ảnh: Trung tâm TT&VH TX Quảng Yên.

Theo đánh giá của bà Ichita Shimoda, chuyên gia tư vấn quốc tế Nhật Bản, hồ sơ đề cử Di tích lịch sử Bạch Đằng trong Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc công nhận là Di sản thế giới cần phải đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật được hướng dẫn thực hiện công ước di sản thế giới.

Để chứng minh khẳng định giá trị của di tích trong quần thể di sản, cần tổng hợp, làm rõ và viết câu chuyện về giá trị của di tích, trong đó cần phải xác định rõ lý do đưa các Bãi cọc Bạch Đằng vào hồ sơ, phân tích rõ ý nghĩa, giá trị nổi bật toàn cầu và tính toàn vẹn của di tích trong mối quan hệ với các điểm di tích khác trong quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc trình UNESCO công nhận là Di sản thế giới.

Theo bà Ichita Shimoda, để đảm bảo cung cấp đầy đủ thông tin về hồ sơ, cần phải bổ sung các hình ảnh về quần thể di tích theo đúng kích cỡ, tiêu chuẩn, quy định; tại các điểm di tích phải có bản đồ quy hoạch, bản đồ khoanh vùng bảo vệ di tích, có đánh dấu mốc giới, khoanh vùng, mô tả diện tích hiện trạng, tính toán quy hoạch vùng đệm, xác định cơ chế quản lý; hệ thống hồ sơ, báo cáo chuyên đề, bản vẽ; hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan; hệ thống bản ảnh khu di sản đề cử và vùng đệm... Chất lượng, nội dung, thành phần hồ sơ được thực hiện theo đúng hướng dẫn thực hiện Công ước di sản thế giới năm 1972 của UNESCO.

Đây là bước thẩm định thử của Đoàn chuyên gia ICOMOS nhằm tư vấn trực tiếp vào việc hoàn thiện hồ sơ, trước khi các chuyên gia của UNESCO thẩm định chính thức vào dịp cuối tháng 8 đối với hồ sơ đề cử Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc trình UNESCO công nhận là Di sản thế giới.

Thanh Bình

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/vi-sao-di-tich-bach-dang-duoc-chuyen-gia-quoc-te-tham-dinh-2004601.html