Đối tác Nhật Bản đánh giá cao tiềm năng đầu tư tại Cần Thơ
Với nguồn tài nguyên phong phú về nông sản, thủy sản, cùng nguồn nhân lực chất lượng cao, TP. Cần Thơ được nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư Nhật Bản lựa chọn là điểm đến.
Đối tác quan trọng
Nhật Bản được xác định là một trong những đối tác quan trọng của TP. Cần Thơ về hợp tác đầu tư và thương mại, cũng như giao lưu văn hóa. Mối quan hệ hợp tác tốt đẹp đó ngày càng được củng cố và phát triển, đi vào chiều sâu và thực chất hơn.
Trong thời gian qua, Cần Thơ đã tổ chức nhiều đoàn công tác xúc tiến hợp tác đầu tư - thương mại tại Nhật Bản, trọng tâm là các địa phương vùng Kansai, nhằm tăng cường quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước nói chung, cũng như thúc đẩy giao thương, mời gọi hợp tác đầu tư giữa Cần Thơ với các địa phương và doanh nghiệp của Nhật Bản.
Đồng thời, Cần Thơ đón tiếp các đoàn ngoại giao cũng như nhiều đoàn lãnh đạo địa phương, tổ chức, doanh nghiệp của Nhật Bản tới thăm, trao đổi, tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh, đầu tư.
Ngày 17/6 vừa qua, trong khuôn khổ Chương trình Giao lưu văn hóa, thương mại Việt Nam - Nhật Bản năm 2023, lãnh đạo TP. Cần Thơ đã tiếp và làm việc với đại diện Tổng lãnh sự quán Nhật Bản tại TP.HCM, Đoàn công tác TP. Nasushiobara (tỉnh Tochigi) do ông Watanabe Michitaro, Thị trưởng dẫn đầu. Tham dự có các tổ chức JICA, JETRO, JCCH và cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản.
Nhân dịp này, lãnh đạo TP. Cần Thơ và lãnh đạo TP. Nasushiobara đã ký kết Biên bản ghi nhớ nhằm tăng cường mối quan hệ hợp tác hữu nghị tốt đẹp, giúp hai bên hiểu thêm về nền văn hóa, tiềm năng và môi trường đầu tư của nhau, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch, nông nghiệp. Từ đó, mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực thương mại, đầu tư…
Trước đó, TP. Cần Thơ và TP. Okayama (tỉnh Okayama) ký kết hợp tác trong các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, du lịch… Ngoài ra, TP. Cần Thơ và tỉnh Hyogo cũng ký kết hợp tác, qua đó hai địa phương nỗ lực tạo điều kiện thuận lợi để phát triển thương mại, thúc đẩy đầu tư từ tỉnh Hyogo vào Cần Thơ, tăng cường hợp tác kinh tế thông qua thương mại, du lịch, đào tạo nguồn nhân lực…
Trong nỗ lực tăng cường công tác xúc tiến hợp tác và đầu tư với các đối tác Nhật Bản, Cần Thơ đã thành lập Tổ công tác Nhật Bản tại TP. Cần Thơ (Japan Desk Cần Thơ) với vai trò kết nối các hiệp hội, tổ chức để đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư và quảng bá hình ảnh của Cần Thơ đến cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản; hỗ trợ giải quyết các khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại Cần Thơ. Đồng thời, Cần Thơ cũng mở Văn phòng liên lạc tại Osaka và Tokyo.
Đánh giá cao tiềm năng của Cần Thơ
Tại Hội thảo Xúc tiến đầu tư, thương mại dành cho đối tác Nhật Bản mới đây, do UBND TP. Cần Thơ phối hợp với Tổng lãnh sự quán Nhật Bản tại TP.HCM tổ chức, các doanh nghiệp, nhà đầu tư Nhật Bản chia sẻ những cảm nhận, đánh giá của mình về tiềm năng, lợi thế, cũng như những vấn đề cần sớm cải thiện của môi trường đầu tư Cần Thơ.
Bà Ogawa Megumi, Phó tổng lãnh sự Nhật Bản tại TP.HCM đặt câu hỏi: “Đối với các doanh nghiệp Nhật Bản thì nét hấp dẫn của Cần Thơ là gì?”
Cũng chính bà Ogawa Megumi đã tự trả lời cho câu hỏi trên: “Đối với tôi, nét hấp dẫn trước tiên là nguồn nhân lực chất lượng cao có được từ Đại học Cần Thơ - đại học bậc nhất của cả nước trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản và môi trường. Tôi cũng biết rằng, có rất nhiều người từng học tập hoặc lao động tại Nhật Bản ở các tỉnh lân cận TP. Cần Thơ. Đây chính là nguồn nhân lực quan trọng. Một điểm thu hút doanh nghiệp Nhật Bản nữa, chính là nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú về nông sản và thủy sản từ sông Mê Kông”.
“Trong tương lai, hy vọng với sự cải thiện hơn khi các tuyến đường cao tốc được hoàn thành, việc lưu thông hàng hóa đi TP.HCM - thị trường lớn nhất của Việt Nam, sẽ trở nên dễ dàng hơn. Thêm vào đó, hiện nay ngày càng khó tìm kiếm các khu đất lớn còn trống xung quanh TP.HCM để đầu tư, thì Cần Thơ với những lợi thế nêu trên chính là cơ hội cho các nhà đầu tư Nhật Bản”, bà Ogawa Megumi nhận định.
Tính đến ngày 20/4/2023, Nhật Bản có hơn 5.000 dự án đầu tư tại Việt Nam còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký khoảng 69,63 tỷ USD.
Riêng đối với Cần Thơ, trên địa bàn Thành phố hiện có 6 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Nhật Bản, với tổng vốn đăng ký 1,35 tỷ USD, chiếm gần 60% tổng vốn FDI, dẫn đầu về số lượng vốn FDI tại Thành phố.
Là doanh nghiệp có dự án đang hoạt động tại Khu công nghiệp Trà Nóc (TP. Cần Thơ), ông Noriyasu Onoma, Tổng giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm Takesho Việt Nam chia sẻ: “Về kết nối giao thông so với trước đây, khoảng thời gian di chuyển đường bộ từ TP.HCM tới Cần Thơ đã giảm rõ, chỉ còn khoảng chừng hơn 3 giờ. Tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, tôi cảm nhận Cần Thơ phát triển nhanh chóng, là một thành phố an toàn và dễ sống. Về cuộc sống sinh hoạt, so với TP.HCM thì ở Cần Thơ, người Nhật có cơ hội cảm nhận được cuộc sống giống như ở Nhật Bản trong sự di chuyển, sự tiện lợi trong việc mua sắm, ăn uống. Đối với chúng tôi là những người xuất thân từ tỉnh Niigata, thấy rất phù hợp với thành phố này”.
Tương tự, ông Tomoyuki Kawata, Phó tổng giám đốc sản xuất, chuỗi cung ứng và chuyển giao công nghệ Công ty cổ phần Dược Hậu Giang (trụ sở đặt tại quận Ninh Kiều) cũng đánh giá cao nguồn nhân lực của Cần Thơ khi cho rằng: “Gần đây, các khu vực đô thị lớn đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm người lao động, nhưng ở khu vực sông Mê Kông, gần như có thể đảm bảo ổn định nguồn nhân lực cần cù và siêng năng. Trên địa bàn có các trường Đại học Cần Thơ, Đại học Y dược... Thêm một lợi thế nữa là Cần Thơ có thể đảm bảo nguồn nhân lực quản lý giỏi. Tại công ty chúng tôi, có rất nhiều người tốt nghiệp từ các trường đại học này. Yếu tố con người là một trong những lý do khiến Taisho Pharmaceutical quyết định đầu tư tại đây”.
Về phía lãnh đạo TP. Cần Thơ, ông Nguyễn Văn Hồng, Phó chủ tịch UBND Thành phố nhấn mạnh, trong quá trình hội nhập quốc tế, chính quyền và nhân dân TP. Cần Thơ luôn xác định Nhật Bản là người bạn tốt, là đối tác tin cậy và quan trọng.
“Thay mặt chính quyền TP. Cần Thơ, tôi xin cam kết với cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư Nhật Bản, Thành phố sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp phát triển ổn định, bền vững. Kiến tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thu hút mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển, xây dựng Cần Thơ trở thành điểm đến tin cậy, hấp dẫn của các nhà đầu tư Nhật Bản”, ông Nguyễn Văn Hồng bày tỏ.
Trong thời gian gần đây, Trung ương quan tâm đẩy mạnh việc đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng chiến lược cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long cũng như TP. Cần Thơ. Về giao thông đường bộ, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ dự kiến hoàn thành cuối năm 2023, khi đó sẽ rút ngắn thời gian đi lại giữa TP.HCM - Cần Thơ còn khoảng 2 giờ.
Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đi qua trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long khởi công ngày 17/6/2023, dự kiến hoàn thành trong năm 2026, sẽ kết nối thuận lợi TP. Cần Thơ với cảng biển nước sâu Trần Đề của tỉnh Sóc Trăng (đã được quy hoạch xây dựng) và các cửa khẩu quốc tế giáp Campuchia, thúc đẩy lưu thông hàng hóa và kết nối, giao thương giữa Cần Thơ với các nước Tiểu vùng sông Mê Kông.
Về hàng hải, Dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Cần Thơ theo phương thức xã hội hóa, bảo đảm cho tàu có trọng tải từ 10.000 tấn trở lên ra vào các cảng của TP. Cần Thơ cũng đang được xúc tiến.
Ngoài ra, dự án tuyến đường sắt cao tốc TP.HCM - Cần Thơ đã được đưa vào quy hoạch mạng lưới đường sắt quốc gia đến năm 2030 và đang được Bộ Giao thông - Vận tải tập trung phối hợp với các địa phương lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để làm cơ sở triển khai thực hiện trong giai đoạn trước năm 2030.
Với hàng loạt công trình, dự án kết cấu hạ tầng chiến lược được triển khai đầu tư và hoàn thành, sẽ tạo thêm động lực để TP. Cần Thơ cũng như vùng Đồng bằng sông Cửu Long thu hút mạnh mẽ nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước, đặc biệt là các doanh nghiệp, nhà đầu tư Nhật Bản.