Đổi tên thành Luật Căn cước là phù hợp
Đóng góp ý kiến dự thảo Luật Căn cước công dân (CCCD) của Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh An Giang, các đại biểu đề nghị đổi tên thành Luật Căn cước để đảm bảo sự chặt chẽ, tính khái quát của dự thảo luật. Ban soạn thảo cần xem xét giữ nguyên thuật ngữ của luật có liên quan, chuyển đổi từ ngữ phù hợp, tránh đối lập, trùng lắp, bố trí một số điểm, khoản, chặt chẽ hơn.
Dự thảo Luật CCCD (sửa đổi) có 7 chương, 45 điều. So với Luật CCCD năm 2014, phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật mở rộng thêm đối tượng cấp chứng nhận căn cước; sự cần thiết và quản lý căn cước điện tử… Dự thảo luật có nhiều tên gọi khác, như: Thẻ căn cước, chứng minh nhân dân (CMND), thẻ nhận dạng cá nhân… là thuật ngữ gắn với gốc tích, quan hệ thân tộc, đặc điểm nhận dạng để phân biệt từng cá nhân trong xã hội, sử dụng vào mục đích nhận dạng, chứng minh danh tính của mỗi cá nhân vào việc đi lại, sử dụng giao dịch các loại...
Hiện nay, có 2 luồng ý kiến về tên của dự thảo Luật CCCD (sửa đổi). Nhiều ý kiến đề nghị đổi tên dự thảo luật thành Luật Căn cước để phù hợp với tính chất của loại giấy tờ này, với thông lệ của nhiều quốc gia. Đổi tên luật là phù hợp với mục đích quản lý nhà nước, hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Đồng thời, luật mở rộng đối tượng áp dụng là người không có quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam (người gốc Việt Nam) để cấp giấy chứng nhận căn cước và số định danh cho đối tượng này, thể hiện chính sách ưu việt của Nhà nước ta đối với bảo đảm quyền con người, quyền công dân.
Đóng góp dự thảo luật, thượng tá Đặng Tấn Đắc (đại biểu Công an tỉnh) cho biết, so với Luật CCCD năm 2014, dự thảo luật mới bổ sung phạm vi điều chỉnh là căn cước điện tử; việc xác định tài khoản định danh điện tử. Về CCCD điện tử, Bộ Công an đã tham mưu Chính phủ thực hiện trên 42 mô hình. Dự thảo luật bổ sung quy định về quản lý, cấp thẻ CCCD cho công dân Việt Nam dưới 14 tuổi và cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam để bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của họ và phục vụ công tác quản lý nhà nước; phát huy giá trị, tiện ích của thẻ CCCD trong hoạt động của Chính phủ số, xã hội số. Tuy nhiên, việc cấp thẻ cho công dân dưới 14 tuổi sẽ thực hiện theo nhu cầu, còn đối với công dân từ đủ 14 tuổi trở lên là bắt buộc như quy định của Luật CCCD hiện hành. Về CCCD cho người trên 14 tuổi ở tỉnh An Giang đã hoàn thành 100%; về tỷ lệ kích hoạt chưa đạt như yêu cầu đề ra nhưng đang được xúc tiến mạnh mẽ.
Đại biểu Trần Khánh Dân (Sở Tư pháp) cho biết, quy định về trình tự, thủ tục cấp thẻ CCCD, dự thảo luật đã sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định tách riêng trình tự, thủ tục cấp thẻ CCCD dưới 14 tuổi và công dân từ đủ 14 tuổi trở lên để phù hợp với phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của dự thảo luật. Đối với công dân từ đủ 14 tuổi trở lên, trình tự, thủ tục cấp cơ bản không thay đổi; đối với công dân là trẻ em dưới 6 tuổi nhưng chưa đăng ký khai sinh thì thực hiện cấp thẻ CCCD đồng thời khi đăng ký khai sinh. Dự thảo luật quy định nguyên tắc quản lý CCCD, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước; quyền và nghĩa vụ của công dân về CCCD, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước; trách nhiệm của cơ quan quản lý căn cước cơ bản được giữ như quy định của Luật CCCD hiện hành. Về các hành vi nghiêm cấm, dự thảo luật đã chỉnh lý, bổ sung nội dung nghiêm cấm mua bán, trao đổi, chia sẻ, chiếm đoạt, sử dụng trái phép thông tin dữ liệu trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước cho phù hợp với định hướng quản lý CCCD tại dự thảo luật. Cần rà soát kỹ càng cho giữ các quy định như Chính phủ trình Quốc hội.
Đại biểu của UBMTTQVN tỉnh, Bảo hiểm xã hội tỉnh đề nghị, dự thảo luật bổ sung quy định việc tích hợp một số thông tin có tính ổn định, sử dụng thường xuyên của công dân. Thông tin trong cơ sở dữ liệu CCCD có giá trị sử dụng cung cấp thông tin về công dân và tương đương việc xuất trình các giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền cấp. Việc này giúp giảm giấy tờ, tạo thuận lợi cho công dân trong thực hiện giao dịch dân sự, thực hiện chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính, như: Thông tin về thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, văn bằng, chứng chỉ, giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn hoặc giấy tờ khác. Ngoài ra, dự thảo luật quy định chuyển tiếp theo hướng CMND còn thời hạn sử dụng đã được cấp trước ngày luật này có hiệu lực thì được sử dụng đến hết ngày 31/12/2024; các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ CMND vẫn nguyên hiệu lực. Cơ quan quản lý nhà nước không được quy định các thủ tục về đính chính, thay đổi thông tin liên quan đến CMND, thẻ CCCD trong các giấy tờ nêu trên. Đây là những việc rất cần nhưng cũng cần rà soát, điều chỉnh để không trùng lắp, tránh đối lập, ảnh hưởng đến thực thi trong thực tiễn.
Bên cạnh các đóng góp cho dự thảo luật, đại biểu Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội... đề nghị ban soạn thảo dự thảo luật nghiên cứu quy định giải thích tập trung vào nội hàm của khái niệm, giải thích rõ hơn, cụ thể hơn, chính xác hơn, nhất là thuật ngữ của luật chuyên ngành, luật có liên quan đang sử dụng.
Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/doi-ten-thanh-luat-can-cuoc-la-phu-hop-a374779.html