Đợi tết về đi phiên chợ Nủa
'Thứ nhất Kinh kỳ, thứ nhì chợ Nủa' là câu nói cửa miệng về một phiên chợ đậm chất đồng bằng Bắc bộ, tới nay vẫn giữ được những nét độc đáo đặc trưng của chợ phiên truyền thống Hà Nội từ thế kỷ XI. Ngày 27 tháng Chạp, chợ Nủa họp phiên cuối cùng và cũng là phiên chợ đông nhất trong năm. Điều đặc biệt ở phiên chợ này là người đi chợ đa phần là… đàn ông.
“Gái 22, trai 27”
Chỉ cách trung tâm thành phố chừng 30km, nhưng chợ Nủa (xã Bình Phú, huyện Thạch Thất, Hà Nội) vẫn giữ được nét đặc sắc của chợ phiên truyền thống vùng Đồng bằng Bắc bộ xưa. Đặc biệt, những phiên chợ cuối cùng trong tháng Chạp hàng năm vô cùng rộn rã... Chợ Nủa họp trên bãi đất rộng của cánh đồng làng Đặng, trước đây xung quanh là ruộng lúa, nay đã được quy hoạch thành những khu đất để cho người dân làm nhà ở kiên cố.
Đến đây dễ dàng bắt gặp những bà cụ quần đen áo nâu miệng bỏm bẻm nhai trầu, mời chào bằng lời lẽ hết sức dân dã. Các mặt hàng bày bán đa phần là những sản phẩm nông cụ, đồ gia dụng như thúng, mủng, dần, sàng, nong, nia; dao, kéo, cuốc, xẻng, kiềng; gà, lợn, chó; chiếu cói, chổi rơm… Thậm chí, vài ba buồng chuối, mươi quả bưởi, rổ cà chua… hái được ở vườn nhà cũng được bà con mang đến chợ phiên để bán. Chỉ vài năm trước, ở phiên chợ Nủa vẫn có thể tìm được người nhuộm quần áo… Vì vậy, đến phiên chợ Nủa, người ta như lạc giữa một phiên chợ đầu thế kỷ trước. Mộc mạc. Ấm áp.
Là chợ theo phiên diễn ra hàng tháng, vào các ngày 2, 7, 12, 17, 22, 27 âm lịch, nhưng dịp cuối năm, người dân xứ Đoài lại háo hức, chờ đợi với một cảm xúc rất riêng để được tới chợ Nủa. Mỗi năm, chợ chỉ nghỉ duy nhất một phiên mùng 2 Tết Nguyên đán. Có một câu nói quen thuộc mà bất cứ người dân “tổng Nủa” khi xưa ai cũng nhắc tới mỗi khi nói về chợ Nủa - đó là “gái 22, trai 27” - cũng là hai phiên chợ cuối năm đặc sắc chỉ có ở chợ Nủa. Ngày 22 tháng Chạp chỉ dành cho phụ nữ đi mua sắm chuẩn bị cho dịp Tết, còn phiên cuối cùng ngày 27 tháng Chạp dành riêng cho đàn ông.
“Xưa, vào các ngày chợ phiên đặc biệt này, trẻ em trai và trẻ em gái đều được bố mẹ cho một khoản tiền nhỏ đi chợ Tết và được tự tay mua sắm đồ dùng theo ý thích. Ngày thường, chợ chỉ họp đến 2 giờ chiều là kết thúc; riêng phiên chợ cuối năm họp đến tối, khi nào vắng khách, chợ mới tan” - cụ Dương Thị Ngưỡng, năm nay đã 80 tuổi kể lại.
“Nủa cày”
Từ xa xưa “Nủa cày” là cái tên gắn bó với làng nghề Vĩnh Lộc, nơi đây nổi tiếng khắp các vùng về sản xuất nông cụ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Ngày nay những sản phẩm truyền thống vẫn được bày bán tại mỗi phiên chợ vùng quê này. Phiên chợ Nủa ngày 27 tháng Chạp cũng là phiên chợ bán nhiều nông cụ nhất. Những người đàn ông quanh vùng đến đây ngoài việc sắm Tết cho gia đình, họ còn mua các loại nông cụ để chuẩn bị cho một vụ mùa mới ngay sau Tết cổ truyền. Không những thế, điều đặc trưng tại các phiên chợ Nủa cuối năm không thể thiếu đó là những gánh hàng bán vôi. Dân gian có câu “Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi”, dịp cuối năm là lúc mọi nhà mua vôi, mua tiêu, mua điều để xóa đi những điều không may, để sẵn sàng chào đón một năm mới mặn mà, sung túc, may mắn.
Chợ bắt đầu họp từ khoảng 5 giờ 30 phút sáng và kết thúc vào khoảng 1 giờ chiều như một chợ đầu mối về các mặt hàng gia dụng, nông sản, nông cụ… Ở đây có bán đủ các loại hàng hóa được đem đến từ các làng nghề thủ công của huyện Thạch Thất và các huyện lân cận, trong đó có những mặt hàng khá đặc biệt, ít nơi khác có như đồ dùng đánh bắt cá, chiếu cói, mành mành, chổi cọ, dây thừng, giang tươi, cây giống, vật nuôi (chó, mèo, gà, chim)… Đây cũng là nơi duy nhất còn bày bán áo tơi - một trang phục đặc biệt của nông dân đồng bằng Bắc bộ xưa.
Ở chợ quê nhiều nơi thì sáng sớm là thời điểm đông nhất nhưng chợ Nủa thì càng muộn càng đông người, đông nhất là khoảng thời gian từ 9 đến 10 giờ sáng. Trong dòng người đi chợ, không chỉ có các bà, các cô mà rất nhiều thanh niên nam nữ, học sinh đủ mọi lứa tuổi. Nhiều người tay bồng, tay bế hoặc dắt theo con đi chợ để sắm cho con bộ quần áo, giày dép mới chuẩn bị đón Tết... Và cũng có người đơn giản chỉ đưa con nhỏ đi chợ để chúng được xem cảnh mua bán, được túi bỏng ngô, ăn bát cháo hay cốc chè của bà hàng cháo lâu năm giữa chợ…
Chợ “quê nhất” của Hà Nội
Qua các xã nghề của huyện Thạch Thất như Phùng Xá, Chàng Sơn, Hữu Bằng..., khung cảnh luôn vô cùng sôi động với những xe container, xe tải nhộn nhịp vận chuyển hàng hóa. Thế nhưng, trong không gian đó, chợ Nủa vẫn giữ vẻ bình dị, đậm chất quê. Giữa cuộc sống đô thị hóa ngày càng phát triển, phiên chợ quê được xem như một nét đẹp văn hóa truyền thống của những người dân lao động nông thôn.
Người ta xếp chợ Nủa là chợ “quê nhất” ở TP Hà Nội hiện nay cũng phải. Bởi ai đến đây đều thấy rõ sự đơn sơ của ngôi chợ này. Người đi chợ Nủa không chỉ để mua sắm, buôn bán, mà còn để cảm nhận không khí thân tình, ấm áp chỉ có ở những phiên chợ quê. Chợ không có cổng chính, rất nhiều gian hàng cũ kỹ, bán muôn loại quà quê, giá cả bình dân và đặc biệt là người đi chợ nơi đây vẫn giữ được sự niềm nở, thói quen bình dị, dân dã đáng quý của người dân thôn quê Việt Nam.
Mỗi phiên chợ Nủa ngày cận Tết có hàng nghìn người mua, bán, tạo nên khung cảnh hết sức vui nhộn. Chợ Nủa không chỉ thu hút người dân xã Bình Phú mà còn là chợ phiên lớn của cả vùng. Ông Chu Văn Tuất, ở xã Phùng Xá, năm nào cũng dắt con cháu đi chợ Nủa ngày Tết cho biết: “Chợ có đủ thứ hàng. Người đi mua, bán cũng nhiều và người đi chơi cũng lắm. Nhiều người ra chợ chỉ để thay cái chuôi dao, sửa cái khóa, cạp lại cái rổ... hay đơn thuần chỉ mua vài bó lạt gói bánh chưng... Thực ra, những vật dụng này được bán ở nhiều nơi nhưng người ta vẫn chờ đợi đến phiên chợ Nủa mới đi mua, bởi ra chợ cốt chỉ để cho vui, đỡ nhớ”.
Huyện Thạch Thất đang có dự án chuyển đổi chợ nông thôn theo hướng hình thành trung tâm thương mại. Dù có chợ mới hiện đại nhưng xã vẫn dành phần lớn diện tích cho chợ quê theo đúng chợ phiên truyền thống để giữ nét văn hóa đặc trưng của địa phương. Tốc độ đô thị hóa chóng mặt ở địa phương vẫn không thể khiến nét “chân quê” của những chợ phiên xứ Ðoài mai một!
Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/doi-tet-ve-di-phien-cho-nua-post566110.antd